BÁO CÁO UBTVQH MỘT SỐ VẤN ĐỀ GIẢI TRÌNH, TIẾP THU CHỈNH LÝ DỰ ÁN LUẬT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT XỬ LÝ VI PHẠM HÀNH CHÍNH

10/08/2020

Sáng ngày 10/8, theo chương trình phiên họp thứ 47 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghe báo cáo một số vấn đề lớn về giải trình, tiếp thu chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính.

 

Tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính. Ngay sau kỳ họp, cơ quan chủ trì thẩm tra đã phối hợp với Cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan khẩn trương nghiên cứu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội. Trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật còn một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghe báo cáo một số vấn đề lớn về giải trình, tiếp thu chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính

Tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết báo cáo một số vấn đề lớn về giải trình, tiếp thu chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính. Theo đó, các vấn đề cần xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội về bổ sung một số quy định nhằm thực hiện thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của Kiểm toán nhà nước; về mức phạt tiền tối đa trong các lĩnh vực; thẩm quyền tịch thu tang vật, phương tiện; bổ sung biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính; áp dụng biện pháp xử lý hành chính đối với người nghiện ma túy và biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý hành chính (trường hợp tạm giữ người theo thủ tục hành chính, về việc quản lý người bị đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính trong thời gian làm thủ tục áp dụng biện pháp xử lý hành chính). Theo Báo cáo cho thấy đa số các nội dung dự kiến tiếp thu, giải trình đã có sự thống nhất giữa cơ quan chủ trì thẩm tra và chủ trì soạn thảo tuy nhiên đối với nội dung bổ sung “ngừng cung cấp các dịch vụ điện, nước tại địa điểm vi phạm đối với cá nhân, tổ chức sản xuất, kinh doanh, dịch vụ vi phạm” làm biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính vẫn còn hai loại ý kiến khác nhau.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nêu rõ, có ý kiến đề nghị bổ sung các quy định về xử phạt vi phạm hành chính của Kiểm toán nhà nước để thống nhất với Luật Kiểm toán nhà nước. Ủy ban Pháp luật đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho chỉnh lý nội dung này theo hướng bổ sung thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định cụ thể về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động kiểm toán nhà nước và đối với các hành vi cản trở hoạt động tố tụng (khoản 2 Điều 4 dự thảo Luật).

Về mức phạt tiền tối đa trong các lĩnh vực, nhiều ý kiến của đại biểu Quốc hội tán thành tăng mức tiền phạt tối đa của các lĩnh vực như Chính phủ đã trình; một số ý kiến đề nghị tăng mức tiền phạt tối đa của một số lĩnh vực khác bên cạnh các lĩnh vực mà Chính phủ đã trình, như hôn nhân gia đình, an ninh trật tự, an toàn xã hội, đất đai, xây dựng...; một số ý kiến đề nghị cân nhắc không tăng mức tiền phạt tối đa.

Về nội dung này, Ủy ban Pháp luật đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho giữ việc tăng mức tiền phạt tối đa của 10 lĩnh vực như dự thảo Luật đã trình Quốc hội. Bên cạnh đó, để tăng cường hiệu lực, hiệu quả thi hành pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính, đề nghị Chính phủ chỉ đạo rà soát các Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực để quy định mức tiền phạt cụ thể đối với từng hành vi vi phạm hành chính tương xứng với tính chất, mức độ của hành vi vi phạm; chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương, các lực lượng chức năng thực hiện nghiêm quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính, áp dụng đồng bộ các hình thức xử phạt bổ sung, biện pháp khắc phục hậu quả.

Về thẩm quyền tịch thu tang vật, phương tiện, có ý kiến đề nghị rà soát lại quy định về thẩm quyền tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính để bảo đảm quyền lực được giới hạn theo từng cấp, tương xứng với nhiệm vụ được giao. Ủy ban Pháp luật và Cơ quan soạn thảo thống nhất đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng:

Một là, bên cạnh thẩm quyền tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính của các chức danh là cấp cuối cùng của mỗi lực lượng đã được Luật Xử lý vi phạm hành chính hiện hành quy định, dự thảo Luật bổ sung thêm 08 nhóm chức danh (chủ yếu thuộc các cơ quan được tổ chức theo ngành dọc ở cấp tỉnh hoặc liên tỉnh) có thẩm quyền tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính không phụ thuộc vào giá trị tang vật, phương tiện.

Hai là các chức danh khác ở cấp cơ sở có thẩm quyền tịch thu tang vật, phương tiện có giá trị không vượt quá 02 lần mức tiền phạt theo thẩm quyền.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng trình bày báo cáo tại phiên họp

Áp dụng biện pháp xử lý hành chính đối với người nghiện ma túy, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, Ủy ban Pháp luật thống nhất với Cơ quan soạn thảo đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho tiếp thu ý kiến của đa số đại biểu Quốc hội giữ cách quy định như hiện hành, đã được thực hiện ổn định từ Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2002 đến nay. Theo đó, Luật Phòng, chống ma túy quy định tổng thể về cai nghiện ma túy, trong đó có hình thức cai nghiện bắt buộc tập trung. Đối với người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên, việc áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc là biện pháp xử lý hành chính, được quy định trong Luật Xử lý vi phạm hành chính; chỉnh lý quy định về đối tượng bị áp dụng biện pháp này (khoản 1 Điều 96) nhằm bảo đảm thống nhất với dự thảo Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi); đồng thời, bỏ quy định về việc áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn đối với người đã thành niên nghiện ma túy. Đối với người nghiện ma túy dưới 18 tuổi, việc áp dụng biện pháp cai nghiện bắt buộc không bị coi là việc xử lý hành chính nên chỉ quy định trong Luật Phòng, chống ma túy, không quy định trong Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Về trường hợp tạm giữ người theo thủ tục hành chính, Ủy ban Pháp luật thống nhất với Cơ quan soạn thảo đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội không bổ sung quy định về tạm giữ người theo thủ tục hành chính để xác minh nhân thân và tình tiết của vụ việc vi phạm hành chính.  

Về việc quản lý người bị đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính trong thời gian làm thủ tục áp dụng biện pháp xử lý hành chính, các cơ quan thống nhất đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội theo hướng: Đối với người có nơi cư trú ổn định bị đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng hoặc đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc thì tiếp tục kế thừa Luật hiện hành, giao cho gia đình quản lý trong thời gian lập hồ sơ. Trường hợp không có nơi cư trú ổn định hoặc có nơi cư trú ổn định nhưng gia đình không đồng ý quản lý thì giao Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú hoặc có hành vi vi phạm tổ chức quản lý.

Về bổ sung biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, nhiều ý kiến của đại biểu Quốc hội đề nghị không bổ sung biện pháp “ngừng cung cấp các dịch vụ điện, nước tại địa điểm vi phạm đối với cá nhân, tổ chức sản xuất, kinh doanh, dịch vụ vi phạm”. Một số ý kiến tán thành với loại ý kiến thứ nhất nêu trong Tờ trình, bổ sung biện pháp này là biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Một số ý kiến tán thành với loại ý kiến thứ hai, bổ sung biện pháp này là biện pháp ngăn chặn hành vi vi phạm hành chính.

Về nội dung này, trong quá trình tiếp thu chỉnh lý còn hai loại ý kiến khác nhau. Loại ý kiến thứ nhất đề nghị tiếp thu ý kiến của nhiều đại biểu Quốc hội, không bổ sung biện pháp này. Loại ý kiến thứ hai đề nghị tiếp thu theo ý kiến của một số đại biểu Quốc hội quy định rõ biện pháp này chỉ được áp dụng tại địa điểm vi phạm và chỉ áp dụng đối với cá nhân, tổ chức bị xử phạt bằng hình thức tước quyền sử dụng giấy phép có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn; đồng thời giới hạn việc áp dụng biện pháp này trong 02 lĩnh vực có yêu cầu bức thiết nhất là xây dựng và bảo vệ môi trường.

Sau khi nghe báo cáo, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính./.

Bảo Yến - Bùi Hùng