KẾT LUẬN CỦA ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC VỀ KẾT QUẢ KỲ HỌP THỨ 9, VIỆC CHUẨN BỊ KỲ HỌP THỨ 10, QUỐC HỘI KHÓA XIV

20/07/2020

Ủy ban Thường vụ Quốc hội khẳng định: Kỳ họp thứ 9 đã thành công tốt đẹp, để lại dấu ấn về sự đổi mới mạnh mẽ trong công tác chuẩn bị và tiến hành kỳ họp. Đồng thời nhấn mạnh: Tiếp tục tổ chức kỳ họp thứ 10 theo 02 đợt (đợt 1 họp trực tuyến, đợt 2 họp tập trung tại Nhà Quốc hội).

 

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến báo cáo kết quả Kỳ họp thứ 9, việc chuẩn bị Kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV

Ngày 17/7, Tổng Thư ký Quốc hội – Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đã có văn bản số 3809/TB-TTKQH  thông báo về Kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp thứ 46 (tháng 7/2020). Về nội dung kết quả Kỳ họp thứ 9, việc chuẩn bị Kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khẳng định: Kỳ họp thứ 9 đã thành công tốt đẹp, để lại dấu ấn về sự đổi mới mạnh mẽ trong công tác chuẩn bị và tiến hành kỳ họp. Đồng thời nhấn mạnh: Tiếp tục tổ chức kỳ họp thứ 10 theo 02 đợt (đợt 1 họp trực tuyến, đợt 2 họp tập trung tại Nhà Quốc hội). 

Về kết quả kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV

Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí với dự thảo Báo cáo tổng kết kỳ họp thứ 9 do Tổng Thư ký Quốc hội chuẩn bị, đồng thời nhấn mạnh một số vấn đề sau:

Kỳ họp thứ 9 đã thành công tốt đẹp, để lại dấu ấn về sự đổi mới mạnh mẽ trong công tác chuẩn bị và tiến hành kỳ họp, được cử tri và Nhân dân đánh giá cao. Quốc hội đã hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình, kịp thời ban hành những quyết sách quan trọng, hợp lòng dân; trong đó, việc phê chuẩn 02 Hiệp định EVFTA, EVIPA và phê chuẩn việc gia nhập Công ước số 105 của ILO được cả cử tri, doanh nghiệp, người dân trong nước và cộng đồng quốc tế đặc biệt quan tâm.

Việc tổ chức họp trực tuyến và chia kỳ họp theo 02 đợt (trực tuyến và tập trung) phù hợp với tình hình thực tế, vẫn bảo đảm chất lượng, hiệu quả, tiết kiệm ngân sách, là kinh nghiệm tốt để tiếp tục nghiên cứu, cải tiến cách thức tổ chức các kỳ họp tiếp theo.

Công tác chuẩn bị cho kỳ họp được tiến hành chu đáo, kỹ lưỡng, thể hiện sự chủ động, phối hợp chặt chẽ, hiệu quả của các cơ quan, tổ chức hữu quan. Công tác điều hành của Đoàn Chủ tịch thực hiện đúng quy định, linh hoạt nhưng cương quyết, bảo đảm dân chủ, công khai, tạo không khí sôi nổi. Số lượng đại biểu Quốc hội đăng ký phát biểu và tranh luận tăng lên đáng kể. Các luật, nghị quyết được thông qua với tỷ lệ tán thành cao.

Tuy nhiên, kỳ họp vẫn còn một số hạn chế, như: hồ sơ, tài liệu của một số nội dung vẫn chậm được gửi đến đại biểu; việc thảo luận vẫn còn trùng lặp, chưa đi thẳng vào vấn đề; công tác thông tin tuyên truyền tại đợt họp trực tuyến chưa toàn diện, sâu sắc…

Giao Tổng Thư ký Quốc hội nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ các ý kiến tại phiên họp để hoàn chỉnh Báo cáo tổng kết kỳ họp, gửi đến các vị đại biểu Quốc hội và cơ quan, tổ chức hữu quan.

Về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản nhất trí với Báo cáo của Tổng Thư ký Quốc hội về dự kiến nội dung chương trình kỳ họp thứ 10 và lưu ý một số vấn đề sau:

Tiếp tục tổ chức kỳ họp thứ 10 theo 02 đợt (đợt 1 họp trực tuyến, đợt 2 họp tập trung tại Nhà Quốc hội) và khai mạc kỳ họp đúng thời gian theo quy định (ngày 20/10/2020).

Bổ sung Báo cáo về hoạt động đối ngoại của Quốc hội trong năm Chủ tịch AIPA. Trường hợp Chính phủ có đề nghị bổ sung nội dung, cần bảo đảm hồ sơ tài liệu theo đúng quy định.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc báo cáo tại phiên họp.

Nghiên cứu bố trí nội dung kỳ họp theo nguyên tắc: đợt 1 tiến hành thảo luận một số nội dung, đợt 2 tiến hành các nội dung về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước; chất vấn; nhân sự; thông qua luật, nghị quyết... bảo đảm sự linh hoạt, phù hợp với hoạt động đối ngoại của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước.

Nghiên cứu để có thể điều chỉnh thời gian của một số nội dung cho phù hợp, như: giảm thời gian chất vấn và trả lời chất vấn (từ 03 xuống 2,5 ngày); tăng thời gian thảo luận các dự thảo Văn kiện trình Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng (từ 0,5 lên 01 ngày); giảm thời gian thảo luận ở tổ, tăng thời gian thảo luận ở hội trường.

Xin ý kiến đại biểu Quốc hội về việc giảm thời gian phát biểu tại hội trường từ 07 phút xuống 05 phút vừa để tạo điều kiện cho nhiều đại biểu tham gia phát biểu vừa đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng ý kiến.

Tại đợt họp trực tuyến, các cơ quan thông tấn báo chí tăng cường phỏng vấn trực tuyến đại biểu Quốc hội; mời đại diện Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, các sở, ban, ngành có liên quan tham dự kỳ họp tại điểm cầu ở địa phương.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị các cơ quan, tổ chức hữu quan chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng các nội dung kỳ họp, bảo đảm chất lượng, tiến độ. Chính phủ chỉ đạo các cơ quan có liên quan cung cấp hệ thống hội nghị truyền hình bảo đảm chất lượng đường truyền phục vụ Quốc hội họp trực tuyến với chi phí hợp lý, tiết kiệm ngân sách nhà nước.

Giao Văn phòng Quốc hội tiếp tục nâng cấp các phần mềm tạo điều kiện thuận lợi cho đại biểu trong quá trình sử dụng và nghiên cứu tài liệu.

Bên cạnh đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao Tổng Thư ký Quốc hội nghiên cứu, tiếp thu ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội hoàn thiện dự kiến nội dung chương trình kỳ họp bảo đảm phù hợp, đúng quy định, gửi xin ý kiến các cơ quan, tổ chức liên quan.

Trọng Quỳnh

Các bài viết khác