Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo Thẩm tra sơ bộ (lần 2) về việc điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020.
Thực hiện phân công của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Kinh tế được giao chủ trì, phối hợp với Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội thẩm tra Tờ trình của Chính phủ về việc điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 (sau đây gọi tắt là Dự án).
Trên cơ sở Kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp thứ 45 (đợt 2), Tờ trình số 256/TTr-CP ngày 25/5/2020 của Chính phủ và tài liệu kèm theo, ngày 28/5/2020, Thường trực Ủy ban Kinh tế đã tổ chức phiên họp mở rộng thẩm tra sơ bộ (lần 2) Dự án.
Về các phương án điều chỉnh
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết: Tại Tờ trình số 256/TTr-CP, Chính phủ đề xuất 03 phương án chuyển đổi các dự án thành phần đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) tại Nghị quyết số 52/2017/QH14 ngày 22/11/2017 của Quốc hội sang đầu tư sử dụng 100% vốn đầu tư công. Cụ thể, phương án 1 chuyển đổi toàn bộ 8 dự án thành phần, bổ sung thêm 44.493 tỷ đồng vốn nhà nước; Phương án 2: chuyển đổi 5 dự án (Mai Sơn - Quốc lộ 45, Quốc lộ 45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây), bổ sung thêm 33.056 tỷ đồng vốn nhà nước; Phương án 3: chuyển đổi 3 dự án (Mai Sơn - Quốc lộ 45, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây), bổ sung thêm 23.462 tỷ đồng vốn nhà nước.
Về Phương án
- Phương án 1: Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã kết luận không tán thành với Phương án này tại Kết luận Phiên họp thứ 45.
- Phương án 2: Thường trực Ủy ban Kinh tế thấy rằng, phương án này cũng không phù hợp với các yêu cầu tại Kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đề xuất chuyển đổi sang hình thức đầu tư sử dụng 100% vốn đầu tư công đối với dự án không có nhà đầu tư qua vòng sơ tuyển (đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết) và một số ít dự án có nhà đầu tư đã qua vòng sơ tuyển nhưng khả năng đấu thầu không thành công; vốn đầu tư công cho Dự án cần thực hiện đúng quy định của Luật Đầu tư công và Nghị quyết 52/2017/QH14 của Quốc hội, không bố trí bổ sung số vốn đầu tư công lớn cho Dự án sang Kế hoạch đầu tư công giai đoạn sau (2021 - 2025).
Về Phương án 3: Có các loại ý kiến như sau:
Loại ý kiến thứ nhất: Để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, đa số ý kiến cơ bản nhất trí với phương án chuyển đổi tối đa 03 dự án thành phần từ đầu tư theo phương thức PPP sang đầu tư sử dụng 100% vốn đầu tư công (đã bao gồm dự án Vĩnh Hảo - Phan Thiết là dự án không có nhà đầu tư qua vòng sơ tuyển). Phương án này có thể giảm thiểu tác động tiêu cực của việc hủy kết quả sơ tuyển, đồng thời đáp ứng yêu cầu chuyển đổi “số ít dự án”của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại kết luận phiên họp thứ 45 (đợt 2). Tuy nhiên, các ý kiến không nhất trí với việc lựa chọn dự án Mai Sơn - Quốc Lộ 45 và dự án Phan Thiết - Dầu Giây để chuyển đổi vì các lý do: 02 dự án nêu trên có mức vốn nhà nước tham gia rất ít nhưng vẫn có từ 2 đến 3 nhà đầu tư qua vòng sơ tuyển. Đây cũng là 02 dự án có lưu lượng nhu cầu vận tải cao nhất trong tổng số 08 dự án, nằm tại cửa ngõ các trung tâm kinh tế lớn của đất nước, kết nối thuận tiện với các tuyến cao tốc hiện hữu, có thể phát huy hiệu quả ngay. Đặc biệt, dự án Phan Thiết - Dầu Giây có tính hấp dẫn rất cao khi thời gian thu phí chỉ 14,58 năm (thấp nhất trong 08 dự án). Nhiều ý kiến cho rằng, 02 dự án này có tiềm năng, khả thi nhất để thực hiện theo hình thức PPP.
Một số nhà đầu tư cho rằng, nếu được lựa chọn, nhà đầu tư có thể không cần đến tài trợ vốn của các tổ chức tín dụng. Để bảo đảm thực hiện Dự án, Nhà nước có thể yêu cầu ký quỹ trong hồ sơ mời thầu, nếu nhà đầu tư không thực hiện Dự án sẽ mất phần ký quỹ; (2) nếu 02 dự án này được lựa chọn chuyển đổi, tổng vốn ngân sách nhà nước cần bổ sung sẽ rất lớn (23.462 tỷ đồng), không đáp ứng yêu cầu không để nợ lớn vốn đầu tư công sang kế hoạch đầu tư công giai đoạn sau mà Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã kết luận tại Phiên họp thứ 45; (3) đề nghị xem xét phương án lựa chọn dự án QL45 - Nghi Sơn và dự án Nghi Sơn - Diễn Châu là 02 dự án có ít nhà đầu tư vượt qua vòng sơ tuyển nhất (mỗi dự án 02 nhà đầu tư), tổng vốn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước cần bổ sung thấp (12.707tỷ đồng) hoặc lựa chọn dự án Nha Trang - Cam Lâm và dự án Cam Lâm - Vĩnh Hảo là 02dự án có lưu lượng nhu cầu vận tải và tổng vốn ngân sách nhà nước cần bổ sung thấp nhất (9.574 tỷ đồng) là phương án đáp ứng các yêu cầu mà Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đặt ra.
Phiên họp thứ 45 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Loại ý kiến thứ hai: Một số ý kiến không tán thành việc chuyển đổi từ phương thức PPP sang đầu tư sử dụng 100% vốn đầu tư công vì các lý do: (1) tại kỳ họp thứ 8, Chính phủ trình Quốc hội dự án Luật PPP nhằm mục tiêu hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tạo cơ chế huy động các nguồn lực cho phát triển kết cấu hạ tầng; thể chế hóa các quan điểm, chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước; tạo lập cơ chế thực hiện dự án, lựa chọn nhà đầu tư cạnh tranh, công bằng, minh bạch, hiệu quả, đơn giản; thu hút tối đa và sử dụng hiệu quả nguồn lực của khu vực tư nhân, tạo động lực mới thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Dự án được Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư từ năm 2017, trong quá trình triển khai đã hủy sơ tuyển một lần, đến nay đã có 19 nhà đầu tư qua vòng sơ tuyển (mỗi dự án có ít nhất 02 nhà đầu tư qua vòng sơ tuyển). Việc đề xuất chuyển đổi một số dự án thành phần đã có nhà đầu tư qua vòng sơ tuyển từ phương thức PPP sang đầu tư sử dụng 100% vốn đầu tư công là chưa phù hợp với chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước và mâu thuẫn với mục tiêu xây dựng dự án Luật PPP, nhất là việc đề xuất nội dung này tại cùng kỳ họp xem xét thông qua dự án Luật PPP. Để bảo đảm nhất quán trong thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước, tạo điều kiện tối đa cơ hội đầu tư, kinh doanh cho khu vực tư nhân, tiết kiệm ngân sách nhà nước cho các nhu cầu thiết yếu, cấp bách khác, đề nghị tiếp tục thực hiện nghiêm Nghị quyết số 52/2017/QH14 của Quốc hội, tiến hành tổ chức đấu thầu các Dự án theo phương thức PPP.
Việc triển khai thực hiện các dự án theo phương thức PPP không chỉ huy động về vốn của khu vực tư nhân mà còn huy động nguồn lực lớn về khoa học, công nghệ, năng lực quản lý, niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp, sự minh bạch trong chính sách và môi trường đầu tư. Đối với các dự án không thu hút được nhà đầu tư, kể cả dự án Vĩnh Hảo - Phan Thiết, thay vì nhà nước phải bố trí một lượng vốn lớn để chuyển đổi sang đầu tư sử dụng 100% vốn đầu tư công, chỉ cần điều chỉnh bổ sung mức hỗ trợ nhỏ (so với đề xuất) của Nhà nước sẽ hấp dẫn hơn trong thu hút các nhà đầu tư (hiện Dự án vẫn còn dư 4.188 tỷ đồng trong số 55.000 tỷ đồng đã được Quốc hội bố trí cho Dự án giai đoạn 2017-2020 chưa phân bổ, nếu phân bổ thêm số vốn này, Dự án sẽ hấp dẫn nhà đầu tư hơn). Ngoài ra, dự thảo Luật PPP hiện nay đã có nội dung quy định cơ chế chia sẻ rủi ro theo doanh thu, do đó các dự án PPP sẽ hấp dẫn hơn trong việc thu hút các nguồn vốn tín dụng; Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn dự kiến sẽ được cơ quan có thẩm quyền tăng vốn điều lệ trong thời gian tới sẽ là cơ sở để Tổ chức tín dụng này tăng mức tín dụng tài trợ cho Dự án. Việc chất lượng, tiến độ, hiệu quả của các dự án do tư nhân làm chủ đầu tư được đánh giá cao hơn các dự án đầu tư công thời gian qua cũng cho thấy cần tiếp tục chủ trương khuyến khích đầu tư Dự án theo phương thức PPP. Việc nhượng quyền thu phí để thu hồi vốn nhà nước đối với dự án đầu tư công cũng thiếu hấp dẫn, do các nhà đầu tư không yên tâm về chất lượng.
Loại ý kiến thứ ba: Có ý kiến nhất trí với số lượng và phương án lựa chọn dự án thành phần của Phương án 3 do Chính phủ đề xuất và cho rằng, việc lựa chọn dự án Mai Sơn - Quốc Lộ 45 và dự án Phan Thiết - Dầu Giây là phù hợp do 02 dự án này có số vốn huy động lớn, nhà đầu tư khó có thể huy động được vốn tín dụng trong thời điểm hiện nay. Việc lựa chọn 02 dự án này sẽ bảo đảm cho sự thành công khi chuyển đổi sang hình thức đầu tư sử dụng 100% vốn đầu tư công. Hai dự án này nếu được chọn đầu tư sẽ phát huy ngay hiệu quả trong việc kết nối các trung tâm kinh tế lớn của đất nước, giải quyết được tình trạng quá tải trên tuyến Quốc lộ 1 đoạn Dầu Giây - Phan Thiết (Quốc lộ 1 có 2 làn xe). Khả năng nhượng quyền thu phí thu hồi vốn nhà nước đối với 02 dự án này cao.
Đa số ý kiến Thường trực Ủy ban Kinh tế nhất trí với loại ý kiến thứ nhất. Theo đó chỉ chuyển đổi tối đa 03 dự án thành phần, đồng thời đề nghị xem xét lựa chọn thứ tự ưu tiên dự án chuyển đổi theo nguyên tắc mà Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nêu tại Phiên họp thứ 45. Cụ thể: dự án không có nhà đầu qua vòng sơ tuyển (Vĩnh Hảo - Phan Thiết); có nhà đầu tư qua vòng sơ tuyển nhưng khả năng đấu thầu không thành công; không bố trí bổ sung số vốn đầu tư công lớn. Ngoài ra, cũng cần quan tâm hạn chế đến mức thấp nhất tác động tiêu cực đến các nhà đầu tư đã qua vòng sơ tuyển khi phải hủy kết quả sơ tuyển để chuyển sang đầu tư 100% vốn đầu tư công.
Về vốn cho điều chỉnh dự án và một số vấn đề khác: Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ báo cáo số vốn kết dư từ 02 dự án Cao Bồ - Mai Sơn và Cam Lộ - La Sơn từ kết quả đấu thầu để phân bổ cho các dự án điều chỉnh.
Tại Kết luận số 19-KL/TW ngày 05/10/2017 về “chủ trương đầu tư một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông”, Bộ Chính trị đã yêu cầu: Tập trung ưu tiên đầu tư một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, trên cơ sở nguồn vốn trái phiếu Chính phủ đã được Quốc hội khóa XIV thông qua. Trường hợp được quyết định chuyển đổi một số dự án sang đầu tư sử dụng 100% vốn đầu tư công sẽ phải bố trí bổ sung vốn đầu tư công giai đoạn 2021 - 2025 cho Dự án, như vậy là chưa phù hợp với Kết luận số 19-KL/TW của Bộ Chính trị, do đó, cần phải xin ý kiến Bộ Chính trị đối với nội dung này.
Cần lưu ý khi chuyển các dự án thành phần sang đầu tư công có thể dẫn đến sự không công bằng, do mỗi nhà đầu tư chỉ tham gia một hoặc một số dự án thành phần, trường hợp dự án thành phần bị chuyển sang đầu tư công, nhà đầu tư đã qua vòng sơ tuyển dự án đó sẽ không có cơ hội tham gia dự án thành phần khác. Do đó, cần có giải pháp bảo đảm công khai, minh bạch và bình đẳng cho các nhà đầu tư nếu chuyển đổi dự án như ưu tiên cộng điểm cho các nhà đầu tư đã qua vòng sơ tuyển trong quá trình đấu thầu dự án được chuyển đổi.
Hiện nay, tiến độ thực hiện Dự án chậm so với Nghị quyết số 52/2017/QH14 của Quốc hội, do đó, đề nghị Chính phủ cần quan tâm, có giải pháp quyết liệt hơn trong triển khai thực hiện Dự án. Với Báo cáo thẩm tra sơ bộ (lần 2) về việc điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020, Thường trực Ủy ban Kinh tế báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến./.