ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI CHO Ý KIẾN VỀ VIỆC THỰC HIỆN, TRIỂN KHAI NGHỊ QUYẾT SỐ 88/2014/QH13 CỦA QUỐC HỘI VỂ ĐỔI MỚI CHƯƠNG TRÌNH, SÁCH GIÁO KHOA GIÁO DỤC PHỔ THÔNG

16/05/2020

Thực hiện chương trình Phiên họp thứ 45, chiều ngày 16/5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc thực hiện, triển khai Nghị quyết số 88/2014/QH13 của Quốc hội vể đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng điều hành nội dung làm việc.

 

Báo cáo tại Phiên họp, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, việc thực hiện, triển khai Nghị quyết 88/2014/QH13 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông đã đạt được những kết quả nhất định.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Bộ giáo dục và Đào tạo, vẫn còn nhiều khó khăn trong việc thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Do đây là một vấn đề lớn. Đây là lần đầu tiên, chương trình giáo dục phổ thông được xây dựng một cách tổng thể, toàn diện, đồng bộ tất cả các môn học, hoạt động giáo dục ở các cấp học, lớp học theo tiếp cận phát triển phẩm chất, năng lực học sinh. Việc biên soạn sách giáo khoa theo chương trình mới lần đầu tiên được áp dụng nên gặp nhiều khó khăn từ khâu thiết kế đến khâu tổ chức thực hiện. Trong khi đó, thời gian chuẩn bị để thực hiện theo lộ trình quy định tại Nghị quyết 51 còn ít.

Bên cạnh đó, việc chuẩn bị về đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục và cơ sở vật chất cũng còn nhiều khó khăn. Chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục không đồng đều, đặc biệt là ở các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; còn khoảng cách lớn so với các vùng thuận lợi. Số lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục còn thừa thiếu cục bộ; đồng thời còn thiếu so với quy định, đặc biệt là cấp tiểu học. Đội ngũ giáo viên còn chưa đồng bộ về cơ cấu, nhất là đối với cấp trung học cơ sở và cấp trung học phổ thông, nhất là khi triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông có một số môn học mới. Số lượng các trường lớn, trải rộng khắp cả nước, ngân sách nhà nước đầu tư chung cho giáo dục đào tạo còn hạn chế nên điều kiện bảo đảm về cơ sở vật chất tại các cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông vẫn còn nhiều khó khăn. Đây là khó khăn rất lớn trong việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới của các địa phương. Chính phủ sẽ tiếp tục chỉ đạo các bộ ngành và địa phương có kế hoạch chuẩn bị cơ sở vật chất trường học để thực hiện thành công Chương trình giáo dục phổ thông mới.

Toàn cảnh Phiên họp

Thẩm tra báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình nêu rõ, những kết quả đạt được sau 6 năm thực hiện Nghị quyết 88 và 3 năm thực hiện Nghị quyết 51 của Quốc hội thể hiện sự cố gắng rất lớn của Chính phủ và các bộ ngành, đặc biệt là Bộ Giáo dục và Đào tạo. Bên cạnh các kết quả đạt được, Thường trực Ủy ban nhận thấy, việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội còn một số hạn chế như: Đối chiếu với Nghị quyết 88, việc triển khai chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, sách giáo khoa mới đã chậm 2 năm; đến thời điểm hiện nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa thực hiện được nhiệm vụ biên soạn sách giáo khoa lớp 1; việc tập huấn giáo viên đại trà mới bắt đầu triển khai; chất lượng tập huấn một số cuộc, theo phản ánh của nhiều cán bộ, giáo viên, cũng còn hạn chế; các khoản kinh phí khác vốn rất cần thiết cho quá trình đổi mới chương trình giáo dục phổ thông mới vẫn chưa được đề cập để báo cáo Quốc hội; Báo cáo của Chính phủ chưa phản ánh đầy đủ kết quả biên soạn nội dung giáo dục của địa phương, trong khi từ nay đến thời điểm triển khai dạy học "Nội dung giáo dục của địa phương" trong chương trình giáo dục phổ thông mới với lớp 1 chỉ còn 4 tháng.

Trên cơ sở ý kiến thẩm tra, Ủy ban kiến nghị Chính phủ sớm ban hành Nghị định hướng dẫn thực hiện Luật Giáo dục 2019; chỉ đạo các Bộ sớm ban hành các thông tư liên quan trước khi Luật có hiệu lực thi hành (1/7/2020). Đồng thời chỉ đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo sớm hoàn thành quy hoạch mạng lưới các trường sư phạm, ban hành chuẩn chương trình các trình độ; thực hiện đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của trường sư phạm…

Thảo luận tại Phiên họp, Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải cho rằng, việc xã hội hóa sách giáo khoa là một xu thế tiến bộ, phù hợp với xu thế của thế giới; tuy nhiên việc thực hiện bộ sách mới của nhà nước còn chậm với các lý do mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra. Đề nghị Bộ cần phân tích rõ những nguyên nhân khách quan dẫn đến việc chậm biên soạn được bộ sách giáo khoa mới đảm bảo thuyết phục hơn. Ngoài ra, đối với vấn đề xã hội hóa hiện nay giá sách giáo khoa tăng lên 2,3 lần so với trước khi xã hội hóa, người dân và cử tri quan tâm đến vấn đề này. Đề nghị quan tâm bình ổn giá cả sách giáo khoa để không quá cao, không ảnh hưởng đến đời sống người dân, nhất là vùng sâu vùng xa. Đồng thời phải có quản lý nhà nước, tránh lãng phí sử dụng sách giáo khoa.

Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc phát biểu

Phát biểu tại Phiên họp, Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đánh giá rất cao sự nỗ lực của Chính phủ và Bộ Giáo dục và Đào tạo, tuy nhiên việc thực hiện triển khai chương trình sách giáo khoa mới còn một số khó khăn. Đề nghị cần thẳng thắn báo cáo những mặt được và chưa được để Quốc hội cho ý kiến. Ngoài ra, phải kiểm soát được giá sách giáo khoa cho tương xứng với mặt bằng thu nhập người nhân, có sự hỗ trợ đối với vùng cao, gia đình khó khăn.

Cho ý kiến tại Phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá cao vai trò của Chính phủ và Bộ trong việc thực hiện Nghị quyết 88/2014/QH13 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; đồng thời biểu dương việc thực hiện xã hội hóa sách giáo khoa được thực hiện rất tốt. Đối với một số nội dung còn chậm, cần báo cáo để các đại biểu Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp, vấn đề nào chưa làm được thì sẽ cố gắng tiếp tục thực hiện.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng kết luận một số nội dung

Kết luận một số nội dung làm việc, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội hoan ngênh sự nỗ lực của Chính phủ cùng Bộ Giáo dục và Đào tạo trong việc biên soạn sách giáo khoa và thực hiện các nội dung của Nghị quyết 88/2014/QH13 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. So với Nghị quyết, việc thực hiện bị chậm 2 năm nhưng đến nay đã có 5 bộ sách giáo khoa đưa ra Hội đồng thẩm định để đưa vào giảng dạy trong năm học mới; đề nghị phân tích thêm những nguyên nhân dẫn đến việc thực hiện Nghị quyết còn chậm. Ngoài ra, cần tiếp tục phát huy nội dung hội đồng thẩm định quốc gia; tập huấn giáo viên, lắng nghe sự đồng thuận của phụ huynh học sinh đối với việc triển khai đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông./.

Hồ Hương- Trọng Quỳnh

Các bài viết khác