THẨM TRA SƠ BỘ ĐỀ XUẤT THỰC HIỆN XÃ HỘI HÓA BIÊN SOẠN SÁCH GIÁO KHOA KHÔNG SỬ DỤNG NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC

16/05/2020

Tiếp tục chương trình phiên họp thứ 45, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe báo cáo thẩm tra sơ bộ đề xuất của Chính phủ về việc tiếp tục thực hiện xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa, không sử dụng ngân sách nhà nước trong triển khai, thực hiện Nghị quyết 88/2014/QH13 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

 

Rút kinh nghiệm trong quá trình triển khai chủ trương xã hội hóa

Nghị quyết 88/2014/QH13 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa (SGK) giáo dục phổ thông quy định: “Thực hiện xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa; có một số sách giáo khoa cho mỗi môn học”, đồng thời giao cho “Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức việc biên soạn một bộ sách giáo khoa” để chủ động triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới. Quy định này nhằm bảo đảm ổn định việc biên soạn, cung cấp SGK giáo dục phổ thông khi phương thức xã hội hóa biên soạn SGK chưa có tiền lệ ở nước ta; đồng thời bảo đảm chất lượng sách giáo khoa cũng như tránh độc quyền trong xuất bản SGK.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghe các báo cáo về việc thực hiện, triển khai Nghị quyết số 88/2014/QH13 của Quốc hội vể đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông

Tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình cho biết qua thẩm tra sơ bộ, Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng đánh giá cao sự nỗ lực của Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết 88 và cho rằng, Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tập trung nhiều cho việc triển khai, thực hiện Nghị quyết 88 và đạt được những kết quả rất tích cực, nhất là việc ban hành chương trình giáo dục phổ thông tổng thể và các chương trình môn học, hoạt động giáo dục và việc xã hội hóa biên soạn SGK. Tuy nhiên, Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa bao quát và dự đoán hết tình hình thực tế và cũng chưa báo cáo kịp thời với Quốc hội để bảo đảm việc triển khai, thực hiện Nghị quyết 88 một cách tốt nhất.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình đánh giá tình hình thực tế của quá trình triển khai biên soạn SGK theo chủ trương xã hội hóa, các chuyên gia có kinh nghiệm đã tham gia các nhóm biên soạn của các nhà xuất bản, nên sau 2 lần tổ chức đấu thầu, Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn không đạt kết quả theo mục đích đặt ra. Theo đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa thể xây dựng bộ SGK theo yều cầu của Nghị quyết 88.

Trong khi đó, với chủ trương xã hội hóa, đến nay đã có 5 bộ sách lớp 1 của 3 nhà xuất bản uy tín trong ngành giáo dục được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt ban hành sử dụng phục vụ cho năm học 2020-2021 sau khi đã được thẩm định bởi Hội đồng quốc gia thẩm định SGK.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình cho rằng trong quá trình triển khai chủ trương xã hội hóa thì đây là một thực tế cần quan tâm và rút kinh nghiệm; tuy nhiên, mặt tích cực của quá trình này là Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phê duyệt được SGK lớp 1 phục vụ năm học theo lộ trình và đảm bảo chất lượng quốc gia theo luật định.

Thống nhất với đề xuất thực hiện xã hội hóa biên soạn SGK, không sử dụng NSNN

Về đề nghị của Chính phủ tiếp tục thực hiện xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa, không sử dụng ngân sách Nhà nước, Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng cho rằng cần cân nhắc việc Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục chủ trì biên soạn SGK lớp 1.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình trình bày báo cáo thẩm tra sơ bộ đề xuất của Chính phủ về việc tiếp tục thực hiện xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa, không sử dụng ngân sách nhà nước trong triển khai, thực hiện Nghị quyết 88/2014/QH13 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông

Làm rõ đề nghị của Thường trực Ủy ban, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình cho biết, với SGK lớp 1 phục vụ cho năm học 2020-2021, đã có 5 bộ SGK lớp 1 của 3 nhà xuất bản (thực hiện theo chủ trương xã hội hóa) được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt ban hành.

Hơn nữa, thời gian từ nay đến khai giảng năm học 2020-2021 còn rất ngắn để triển khai biên soạn, thực nghiệm và thẩm định một bộ SGK lớp 1 mới. Việc tập hợp các chuyên gia sẽ khó khăn khi các nhà khoa học có kinh nghiệm đã tham gia các nhóm biên soạn của 3 nhà xuất bản. Việc xã hội hóa biên soạn SGK đã huy động được nguồn lực, các tổ chức, cá nhân tham gia trực tiếp vào công tác giáo dục. Đồng thời cũng cần tạo điều kiện cho Bộ GDĐT tập trung vào nhiệm vụ quản lý nhà nước, kiểm tra, giám sát và chịu trách nhiệm về chất lượng SGK theo quy định của Luật Giáo dục 2019.

Với những phân tích như trên, Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng thống nhất với đề nghị của Chính phủ tiếp tục thực hiện xã hội hóa biên soạn SGK, không sử dụng NSNN.

Tuy nhiên, để chủ động, Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng đề nghị giao Thủ tướng Chính phủ quyết định cụ thể trong trường hợp cần thiết. Đồng thời, TTUB đề nghị Chính phủ lưu ý các vấn đề sau:

Đối với SGK lớp 1 năm 2020-2021 cần quan tâm bảo đảm giá SGK phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội và Luật Giáo dục 2019 (Giáo dục tiểu học là bắt buộc).

Chỉ đạo tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm trong việc triển khai biên soạn SGK lớp 1 theo chủ trương xã hội hóa, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua báo cáo của Chính phủ về việc thực hiện nhiệm vụ, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trình Quốc hội theo quy định Nghị quyết 88.

Rà soát, ban hành các văn bản đảm bảo chất lượng SGK, trong đó cần tập trung: Quy trình biên soạn đảm bảo chất lượng SGK; việc giảng dạy thực nghiệm SGK theo quy định Luật Giáo dục 2019; quy trình thẩm định SGK của Hội đồng quốc gia thẩm định SGK,…

Ban hành chính sách tài chính: Giá SGK phù hợp điều kiện kinh tế - xã hội; chính sách hỗ trợ SGK đối với học sinh khó khăn, vùng cao, dân tộc thiểu số, …

Điều chỉnh các nguồn vốn và Dự án Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông được tài trợ bởi Ngân hàng thế giới dự kiến để biên soạn SGK.

Sau khi nghe các báo cáo, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc thực hiện, triển khai Nghị quyết số 88/2014/QH13 của Quốc hội vể đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông./.

Bảo Yến - Trọng Quỳnh

Các bài viết khác