UỶ BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI CHO Ý KIẾN VỀ ĐỀ XUẤT CHỦ TRƯƠNG ĐẦU TƯ CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI VÙNG ĐỒNG BÀO DTTS&MN GIAI ĐOẠN 2021 – 2030

15/05/2020

Chiều ngày 15/5, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 45, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) giai đoạn 2021 – 2030.

Toàn cảnh phiên họp

Trình bày đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030, Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến cho biết, việc xây dựng Chương trình là cần thiết; tổ chức thực hiện hiệu quả Chương trình sẽ cơ bản giải quyết được những tồn tại, hạn chế, bất cập trong công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc hiện nay; đáp ứng mong đợi của đồng bào DTTS.

Chương trình sẽ góp phần thúc đẩy KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN phát triển nhanh, bền vững; tạo sinh kế, tăng thu nhập cho người dân, góp phần giảm nghèo nhanh, bền vững; giải quyết căn cơ hơn một số bức xúc của người DTTS sinh sống ở vùng đồng bào DTTS&MN. Chương trình sẽ đạt được đa mục tiêu về KT-XH; quốc phòng - an ninh; đối ngoại; bảo vệ môi trường, sinh thái và đa dạng sinh học; xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh; là yếu tố đặc biệt quan trọng để củng cố và nâng cao niềm tin của đồng bào các DTTS đối với Đảng và Nhà nước; tăng cường đồng thuận xã hội và khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến cũng cho biết, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030 được thiết kế thành 10 dự án. Ở giai đoạn lập dự án khả thi, Chính phủ sẽ phân công các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương, địa phương chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện từng dự án cụ thể. Trên cơ sở phát huy và đề cao trách nhiệm của cơ quan công tác dân tộc các cấp.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến tại phiên họp

Đại diện cơ quan thẩm tra, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến cho biết, Thường trực Hội đồng Dân tộc thống nhất về sự cần thiết đầu tư Chương trình MTQG để thể chế hóa Kết luận số 65-KL/TW, ngày 30/10/2019 của Bộ Chính trị “Về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá IX về công tác dân tộc trong tình hình mới” và thực hiện Nghị quyết số 88/2019/QH14 ngày 18/11/2019 của Quốc hội “Phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030”.  Bên cạnh đó, đánh giá cao sự nỗ lực cố gắng của Ủy ban Dân tộc (được Chính phủ giao chủ trì soạn thảo) và các Bộ, ngành trong quá trình chuẩn bị, xây dựng Chương trình. Hồ sơ được chuẩn bị khá đầy đủ, các đầu mục tài liệu đáp ứng đủ điều kiện trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Tuy nhiên, căn cứ quy định tại Điều 21 Luật Đầu tư công; Điều 64 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, thì hồ sơ chưa đáp ứng yêu cầu về thời gian trình cơ quan chủ trì thẩm tra; thời hạn báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo quy định.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến cho rằng, Báo cáo của Chính phủ đưa ra nhiều mục tiêu cụ thể của giai đoạn 2021-2025, trong đó có nhiều chỉ tiêu mang tính định lượng, chi tiết nhưng chưa làm rõ được cơ sở tính toán để đưa vào Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội. Thường trực HĐDT đề nghị Chương trình bám sát các mục tiêu đã nêu trong Nghị quyết số 88 của Quốc hội.

Ngoài ra, Thường trực Hội đồng Dân tộc nhận thấy, các dự án được nêu trong Chương trình MTQG đã cơ bản bám sát theo nội dung Nghị quyết số 88. Tuy nhiên, Chương trình MTQG có một số dự án, hợp phần có mục tiêu, đối tượng, nội dung trùng lắp, sẽ gây khó khăn trong lập kế hoạch, triển khai thực hiện, thanh quyết toán nguồn vốn, tuân thủ chế độ báo cáo… chưa bảo đảm yêu cầu Nghị quyết số 88 của Quốc hội, đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, cơ cấu lại các tiểu dự án, các hợp phần và có những điều chỉnh phù hợp với thực tiễn.

Qua thảo luận, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao sự chuẩn bị của Chính phủ trong một thời gian ngắn đã hoàn thiện Tờ trình về Đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển phát biểu tại phiên họp

Về đề nghị điều chỉnh tên Chương trình là Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển bền vững kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030” của Chính phủ, nhiều ý kiến cho rằng, Nghị quyết số 88 của Quốc hội, trước khi biểu quyết thông qua đã được các vị Đại biểu Quốc hội thảo luận kỹ về tên gọi, nội hàm, phạm vi của Chương trình. Hiến pháp 2013, một số Điều (Điều 58, Điều 61) có quy định gắn liền DTTS với khu vực miền núi; Kết luận số 65 của Bộ Chính trị đã chỉ đạo “Ban hành Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển bền vững kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030”. Khái niệm vùng DTTS&MN xuyên suốt trong các văn bản, nghị quyết của Đảng và Nhà nước. Các đại biểu cho rằng, việc ban hành Chương trình MTQG cho vùng DTTS&MN có thời hạn 10 năm nhằm khắc phục tư duy nhiệm kỳ, ngắn hạn. Do đó, đề nghị giữ nguyên tên gọi của Nghị quyết số 88 của Quốc hội: “Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030”; hoặc chỉ bổ sung cụm từ “bền vững” vào tên gọi của Chương trình là: “Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển bền vững kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030”.

Phát biểu về nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng, đây là chương trình với thời gian thực hiện 10 năm, được chia thành 2 giai đoạn nên không thể dùng từ “định hướng” trong tên gọi như Chính phủ đề xuất.

Ngoài ra, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết, về các mục tiêu thể hiện trong Chương trình mà Chính phủ trình còn nhiều điểm chung chung, chưa cụ thể. Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, các mục tiêu cần phải nhấn mạnh rõ việc thực hiện Chương trình nhằm thay đổi những gì: thay đổi căn bản đời sống, thu nhập, kinh tế hay xã hội…. của vùng đồng bào DTTS?

Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cũng chỉ ra, trong nội dung Chương trình mà Chính phủ trình đang thiếu hẳn phần giải pháp cơ bản, do vậy đề nghị Chính phủ bổ sung, hoàn thiện nội dung này cho đầy đủ.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- Ngân sách Nguyễn Đức Hải phát biểu ý kiến

Quan tâm đến nội dung về kinh phí thực hiện Chương trình, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- Ngân sách Nguyễn Đức Hải cho rằng, nguồn vốn mà Chính phủ đề xuất không lớn, nhưng những mục tiêu đề ra lại khá lớn, nhiều và tản mác. Do vậy, cần phải tính toán, nghiên cứu kỹ lại nội dung này để đảm bảo được tính khả thi nếu không huy lực các nguồn lực xã hội khác cùng thực hiện. Ngoài ra, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- Ngân sách Nguyễn Đức Hải cũng cho rằng, khi quy định về các mục tiêu trong Chương trình cần chú ý đến đặc thù dân tộc, nhất là vấn đề bảo tồn văn hóa ngàn đời của vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

Phát biểu kết thúc nội dung phiên họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng bày tỏ hoan nghênh và ủng hộ việc xây dựng Chương trình, cơ bản tán thành về bố cục và nội dung Chương trình mà Chính phủ đề ra.

Tuy nhiên, về tên gọi của Chương trình, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng đề nghị Chính phủ tiếp thu các ý kiến góp ý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, giữ nguyên tên gọi của Chương trình. Đồng thời, đề nghị Chính phủ sớm hoàn thiện bộ tiêu chí phân định vùng DTTS & MN theo Nghị quyết của Quốc hội để xác định chính xác phạm vi thực hiện Chương trình. Cùng với đó, bổ sung các giải pháp cơ bản để thực thiện Chương trình trong thực tiễn./.

Thu Phương – Trọng Quỳnh

Các bài viết khác