Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải báo cáo một số nội dung
Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải cho biết, đối với các cơ quan của Quốc hội, cơ quan của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội, trong thời gian qua, mặc dù phải thực hiện giãn cách xã hội do dịch bệnh Covid - 19 nhưng các cơ quan của Quốc hội đã linh hoạt điều chỉnh phương thức hoạt động, tăng cường làm việc và họp trực tuyến đảm bảo hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao. Công tác ứng dụng công nghệ thông tin trong việc gửi tài liệu và tiếp nhận ý kiến đóng góp của Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội đã được Văn phòng Quốc hội tổ chức khoa học, chu đáo. Toàn bộ các kiến nghị cử tri gửi đến các cơ quan của Quốc hội đã được xem xét trả lời thấu đáo, đầy đủ, đúng thời hạn, cụ thể:
Cử tri kiến nghị Quốc hội nâng cao chất lượng công tác xây dựng pháp luật
Về công tác xây dựng pháp luật (23/59 kiến nghị chiếm 39%), Trưởng Ban Dân nguyện cho biết, cử tri Tp Hồ Chí Minh tiếp tục đề nghị Quốc hội nâng cao chất lượng công tác xây dựng pháp luật, có giải pháp thu hút các chuyên gia giỏi, có kiến thức rộng và kinh nghiệm thực tế để soạn thảo các dự án luật, Ủy ban Pháp luật đã thông tin cho cử tri về việc thời gian qua vấn đề thu hút các chuyên gia, nhà khoa học, người hoạt động thực tiễn vào hoạt động soạn thảo các dự án luật thực hiện vẫn còn hạn chế.
Bên cạnh đó, Ủy ban Pháp luật cũng thông tin đến cử tri tỉnh Quảng Bình, Bình Định... về việc tiếp thu kiến nghị cử tri, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo các cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp chặt chẽ với Ban soạn thảo nghiên cứu, hoàn thiện dự thảo Luật Tổ chức Quốc hội; về việc thông qua hoạt động tiếp xúc cử tri không chỉ phổ biến và vận động Nhân dân thực hiện Hiến pháp và pháp luật mà còn chú trọng cung cấp đầy đủ, kịp thời cả các thông tin liên quan đến quá trình xây dựng, thảo luận, tiếp thu chỉnh lý và thông qua các dự án luật, đặc biệt các dự án luật được dư luận và cử tri quan tâm để người dân được tiếp cận kịp thời, đầy đủ các thông tin chính thống ngay từ giai đoạn soạn thảo, đề xuất chính sách, tạo đồng thuận xã hội, ngăn ngừa và đấu tranh có hiệu quả với các thông tin xuyên tạc, bịa đặt, phiến diện với mục đích xấu, củng cố niềm tin của Nhân dân và xã hội vào pháp luật và công lý...
Toàn cảnh Phiên họp
Đặc biệt, tiếp thu kiến nghị cử tri các tỉnh Gia Lai, Bắc Kạn, Nghệ An, Kiên Giang… để tiếp tục nâng cao hiệu quả đầu tư phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào dân tộc và miền núi, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 88/2019/QH14 Phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, theo đó, các chính sách được xây dựng, thực hiện một cách toàn diện, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững, phát huy lợi thế tiềm năng của vùng, giải quyết hiệu quả những vấn đề bức thiết; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân. Ngoài ra, cử tri một số địa phương đã góp ý kiến cụ thể vào 12 dự án luật được Quốc hội xem xét cho ý kiến, thông qua tại kỳ họp thứ 8, trong đó một số kiến nghị đã được tiếp thu.
Cử tri đánh giá cao Quốc hội, Chính phủ trong phát hiện, xử lý tham nhũng, vi phạm pháp luật
Về hoạt động giám sát (36/59 kiến nghị chiếm 61%), Trưởng Ban Dân nguyện nêu rõ, cử tri các tỉnh, TP Hà Nội, Tiền Giang, An Giang, Bắc Kạn... phản ánh một số dự án lớn về giao thông còn nhiều bất cập như: chất lượng đường cao tốc đoạn Đà Nẵng - Quảng Ngãi vừa hoàn thành đi vào khai thác đã sụt lún, gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông...; dự án đường sắt Cát Linh - Hà Nội chậm hoàn thành đưa vào sử dụng, phải điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư nhiều lần... gây lãng phí nguồn lực, do đó cử tri đề nghị Quốc hội tăng cường giám sát chặt chẽ những công trình, dự án có sử dụng nguồn lực ngân sách lớn, dự án đường cao tốc nhằm đảm bảo chất lượng và tránh gây thất thoát lãng phí. Về vấn đề này, Ủy ban Tài chính và Ngân sách, Ủy ban Kinh tế đã thông tin cụ thể đến cử tri về việc tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV, Chính phủ, Bộ Giao thông - Vận tải đã báo cáo về việc thực hiện chủ trương đầu tư các dự án quan trọng quốc gia, tình hình thực hiện các dự án đường sắt đô thị. Quốc hội sẽ tiếp tục tăng cường công tác giám sát các dự án đầu tư công nói chung và các dự án quan trọng quốc gia nói riêng, góp phần tăng cường đầu tư hiệu quả sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước, ngăn chặn tình trạng tham nhũng, lãng phí trong đầu tư công...
Cử tri tỉnh Thái Bình đánh giá cao Quốc hội, Chính phủ thời gian qua đã quyết liệt trong phát hiện, xử lý tham nhũng, cán bộ vi phạm pháp luật song việc xử lý chưa đủ sức răn đe, việc bảo vệ người tố giác tội phạm, nhất là tố giác tội phạm tham nhũng còn chưa đảm bảo. Cử tri kiến nghị Quốc hội tăng cường giám sát các cơ quan thực thi pháp luật để giảm án oan, sai. Trả lời cử tri , Ủy ban Tư pháp cho biết: Trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm và đã triển khai nhiều giải pháp quyết liệt để đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Tiếp thu ý kiến cử tri, trong thời gian tới, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Tư pháp và các cơ quan khác của Quốc hội sẽ tập trung giám sát việc xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng, nhất là các vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội đặc biệt quan tâm nhằm bảo đảm xử lý nghiêm minh các hành vi này. Hoạt động giám sát sẽ làm rõ trách nhiệm của từng cá nhân, các cấp, các ngành, các địa phương đối với các hạn chế, yếu kém trong công tác phòng, chống tham nhũng, trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án đối với tội phạm tham nhũng, từ đó góp phần bảo đảm cho các hoạt động này tuân thủ đúng quy định của pháp luật, đảm bảo không bỏ lọt tội phạm, không làm oan sai người vô tội,...
Cử tri tỉnh Bình Dương đề nghị Quốc hội tăng cường giám sát trách nhiệm việc thực hiện quản lý Nhà nước của các Bộ trưởng. Tổng Thư ký Quốc hội đã thông tin đến cử tri về việc trong thời gian qua Quốc hội đã tăng cường hoạt động giám sát thông qua nhiều hình thức: xem xét các báo cáo, chất vấn về trách nhiệm của các thành viên Chính phủ đối với lĩnh vực quản lý; giám sát theo chuyên đề về những vấn đề bức xúc, nổi lên trong đời sống xã hội…Thông qua hoạt động giám sát, Quốc hội đã ban hành nhiều Nghị quyết đặt ra các yêu cầu cụ thể để tăng cường trách nhiệm của các cơ quan nhà nước và những người đứng đầu cơ quan, tạo chuyển biến tích cực trong công tác điều hành của Chính phủ, các bộ, ngành…
Trong năm 2020, tiếp thu kiến nghị cử tri, nhiều vấn đề cử tri quan tâm đã được Quốc hội, cơ quan của Quốc hội đưa vào kế hoạch giám sát, như: Quốc hội giám sát tối cao về “Việc thực hiện chính sách pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em”; Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát “Việc thực hiện các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam là thành viên”; Hội đồng Dân tộc và các Uỷ ban của Quốc hội cũng quyết định giám sát nhiều chuyên đề quan trọng và thiết thực .
Đặc biệt, tiếp thu kiến nghị cử tri, để đánh giá việc thực hiện kiến nghị sau giám sát của Quốc hội đối với Chính phủ, bộ, ngành nhằm nâng cao hiệu quả của hoạt động giám sát, trong năm 2020, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quyết định giám sát việc thực hiện kiến nghị Quốc hội trong nhiệm kỳ khóa XIII và XIV; giám sát việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Thực hiện chương trình giám sát, Hội đồng Dân tộc và các Uỷ ban của Quốc hội đã tổ chức việc giám sát văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực phụ trách trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV, trong đó, tập trung vào giám sát việc ban hành văn bản hướng dẫn thi hành luật đã được Quốc hội thông qua.
Một số vấn đề được cử tri, dư luận xã hội quan tâm đã được các cơ quan của Quốc hội kịp thời tổ chức các buổi làm việc để tiếp thu hoặc thẩm tra các dự án luật; xây dựng kế hoạch giám sát, khảo sát như: Ủy ban Về các vấn đề xã hội thẩm tra dự án Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi); Ủy ban Pháp luật phối hợp tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội để chỉnh lý 02 dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; Ủy ban Tư pháp phối hợp tiếp thu chỉnh lý các dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp, Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án.
Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải nêu rõ, ngoài những vấn đề trên, tiếp thu kiến nghị cử tri và trên cơ sở thực tiễn đời sống xã hội, Quốc hội xem xét và quyết định nhiều vấn đề quan trọng, được cử tri và nhân dân đồng tình, đánh giá cao./.