Toàn cảnh Phiên họp
Trình bày Dự thảo báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV, Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải cho biết, cử tri luôn quan tâm, theo dõi và đánh giá cao các hoạt động của Quốc hội. Nhiều vấn đề cử tri nêu đã được các đại biểu Quốc hội tiếp thu và phản ánh tại nhiều phiên thảo luận, chất vấn tại Quốc hội. Cử tri nhiều tỉnh thành phố tiếp tục kiến nghị Quốc hội tăng cường giám sát việc quản lý đất đai, công sản, tiến độ và chất lượng một số công trình dự án lớn, đầu tư từ ngân sách, nhất là các dự án giao thông, đường cao tốc,... tại kỳ họp này, cử tri một số địa phương còn kiến nghị cần nghiên cứu xem xét tăng mạnh mức xử phạt đối với các hành vi vi phạm trong lĩnh vực vệ sinh an toàn thực phẩm tương tự như nghị định 100 để đảm bảo tính răn đe cao, vì đây là vấn đề ảnh hưởng tới sức khỏe của mọi người dân.
Trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội do dịch bệnh Covid – 19, dưới sự chỉ đạo của sát sao của Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội và của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội đã linh hoạt điều chỉnh phương thức hoạt động, tạm hoãn các hoạt đông giám sát tại địa phương, hạn chế tập trung đông người thay vào đó là tăng cường làm việc và họp trực tuyến trong nội bộ cơ quan và với các Bộ, ngành, địa phương; tích cực giám sát thông qua các báo cáo,…đảm bảo đúng chương trình kế hoạch công tác. Một số vấn đề được cử tri, dư luận xã hội quan tâm như xâm nhập mặn, an ninh nguồn nước; công tác phòng chống dịch viêm phổi cấp, việc ban hành văn bản hướng dẫn thi hành các luật; đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; đã được Ủy ban của Quốc hội tổ chức làm việc, nghiên cứu, xem xét để kiến nghị về các vấn đề mà cử tri quan tâm; Toàn bộ các kiến nghị cử tri gửi đến các cơ quan của Quốc hội đã được xem xét trả lời thấu đáo, đầy đủ, đúng thời hạn đạt 100% đảm bảo giữ vững mối quan hệ chặt chẽ với cử tri trong mọi hoàn cảnh.
Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải báo cáo một số nội dung
Đối với việc trả lời kiến nghị cử tri của Chính phủ, qua giám sát cho thấy Chính phủ, các bộ, ngành vẫn luôn rất tích cực, khẩn trương, trách nhiệm trong xem xét, giải quyết và trả lời các kiến nghị của cử tri. Ngay tại phiên họp thường kỳ của Chính phủ ngày 09/4/2020, Thủ tướng đã chỉ đạo các thành viên Chính phủ sớm hoàn thành việc trả lời kiến nghị cử tri trong đó lưu ý trả lời phải đúng yêu cầu, có giải pháp cụ thể để xử lý, không trả lời chung chung, trích dẫn Nghị quyết Đảng, quy định pháp luật. thông qua việc theo dõi giám sát kết quả giải quyết kiến nghị cử tri từ đầu nhiệm kỳ tới nay, Ban Dân nguyện nhận thấy việc giải quyết kiến nghị cử tri của Chính phủ, các bộ, ngành ngày càng khoa học, chất lượng, trách nhiệm cao. hầu hết các văn bản trả lời cử tri đã được các Bộ, ngành trả lời cặn kẽ, chi tiết, thấu đáo, có chỉ dẫn rõ văn bản, điều khoản áp dụng nên được đa số các đoàn đại biểu Quốc hội đánh giá cao. một số vấn đề liên quan trực tiếp ổn định sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội đã được Chính phủ, các Bộ, ngành xem xét, giải quyết kịp thời. một số vướng mắc liên quan đến nhiều địa phương, nhiều người dân chưa được giải quyết dứt điểm tại một số kỳ họp trước, đã được xem xét, giải quyết xong.
Tuy nhiên, Dự thảo báo cáo giám sát cũng chỉ rõ, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn những tồn tại, hạn chế trong công tác giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV. Cụ thể: Vẫn còn một số ít văn bản trả lời chưa đủ thông tin, chưa đúng nội dung cử tri kiến nghị, chỉ trích dẫn các quy định đã có của pháp luật, hoặc dựa trên báo cáo của cấp dưới mà chưa kiểm tra hoặc tìm giải pháp để tháo gỡ do đó cử tri tiếp tục bức xúc, tiếp tục kiến nghị. một số kiến nghị của cử tri yêu cầu kiểm tra, xử lý trách nhiệm đối với các cá nhân, tập thể khi để xảy ra sai phạm nhưng thường được trả lời chung chung mà chưa nêu rõ kết quả kiểm tra, xử lý vi phạm. Công tác phối hợp giữa các bộ, ngành trong xem xét, giải quyết các kiến nghị có nội dung liên ngành, vẫn còn chậm do khó xác định cơ quan chủ trì giải quyết…
Trên cơ sở kết quả giám sát, Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội kiến nghị, đối với Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội cần tiếp tục cải tiến, nâng cao chất lượng tổng hợp kiến nghị cử tri, đảm bảo rõ ràng, cụ thể, trọng tâm, không kiến nghị trùng lặp, kiến nghị những vấn đề đã được giải quyết; tích cực khai thác phần mềm ứng dụng để giải đáp trực tiếp cho cử tri các kiến nghị đã được các Bộ ngành trả lời trong quá trình tiếp xúc cử tri; tăng cường giám sát việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật và một số vấn đề nóng mà cử tri quan tâm
Đối với Chính phủ, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, đề nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ ngành xây dựng kế hoạch giải quyết dứt điểm những tồn tại hạn chế như đã nêu trong báo cáo; Phân công cơ quan chủ trì, chịu trách nhiệm chính để giải quyết đối với các kiến nghị có nội dung liên quan đến nhiều bộ ngành; rà soát, giải quyết dứt điểm các kiến nghị đang trong quá trình giải quyết, hạn chế chuyển kiến nghị chưa được giải quyết sang nhiệm kỳ sau.
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc phát biểu
Thảo luận về nội dung này tại Phiên họp, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, qua tiếp xúc cử tri, nhiều ý kiến cử tri phản ánh về vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Cụ thể, cử tri kiến nghị cần nhanh chóng giải quyết thanh quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước hỗ trợ cho công tác phòng, chống dịch bệnh tả lợn Châu Phi. Nhiều ý kiến phản ánh công tác giải quyết chi phí này còn rất chậm, thậm chí nhiều trường hợp không được giải quyết. Do đó, đề nghị cần quan tâm làm rõ vấn đề chi phí thanh quyết toán hỗ trợ người dân bị thiệt hại do dịch tả lợn và kinh phí hỗ trợ tái đàn, mua con giống chất lượng cao để các hộ chăn nuôi sớm khôi phục đàn lợn, ổn định sản xuất.
Cho ý kiến tại Phiên họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng đánh giá cao sự phối hợp của các cơ quan, đơn vị trong tổng hợp ý kiến kiến nghị cử tri, số liệu trong dự thảo báo cáo tương đối đầy đủ, phản ánh khách quan; tuy nhiên báo cáo cần bổ sung thêm một số nội dung. Cụ thể, cần cập nhật thêm vào báo cáo nội dung trách nhiệm của các cơ quan, các cấp chính quyền, Bộ, ngành, đoàn thể về việc phối hợp công tác trong thời điểm dịch bệnh Covid-19, mặc dù tình hình dịch bệnh phức tạp nhưng mọi hoạt động của các cơ quan đều diễn ra nhịp nhàng, không chậm trễ, làm tốt công tác phục vụ nhân dân.
Phát biểu tại Phiên họp, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến đánh giá Dự thảo báo cáo tiếp tục được hoàn thiện về chất lượng; nội dung báo cáo thể hiện được nỗ lực của Chính phủ trong việc trả lời các kiến nghị của cử tri lên đến 95%, đồng thời thể hiện sự giám sát, theo dõi sát sao của các Ủy ban của Quốc hội, Ban Dân nguyện. Tuy nhiên, theo Chủ tịch Hội đồng Dân tộc nên có đánh giá so sánh việc giải quyết kiến nghị cử tri từ kỳ họp trước đến kỳ họp sau, những tồn tại hạn chế trong tất cả các lĩnh vực kiến nghị có giảm đi không?; đồng thời làm rõ nguyện vọng của cử tri trong từng giai đoạn tập trung vào vấn đề gì, được giải quyết ra sao để từ đó có một bức tranh tổng quát hơn, đưa ra các biện pháp hữu hiệu hơn trong việc giải quyết kiến nghị cử tri.
Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ kết luận một số nội dung
Kết luận nội dung làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản tán thành với nội dung của dự thảo báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV; đánh giá báo cáo tương đối toàn diện, số liệu dẫn chứng rõ ràng, đưa ra nhiều kiến nghị phù hợp. Ủy ban Thường vụ Quốc ghi nhận sự nỗ lực của các cơ quan, Bộ, ngành đã phối hợp với Ban Dân nguyện hoàn thành báo cáo trong điều kiện phải đối phó dịch bệnh Covid-19 phức tạp. Trên cơ sở các ý kiến thảo luận tại Phiên họp, đề nghị Ban Dân nguyện tiếp thu, chỉnh lý hoàn thiện báo cáo, rà soát kỹ lưỡng lại các nội dung trong báo cáo để gửi xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội bằng văn bản trước khi đưa ra Quốc hội trong kỳ họp thứ 9 tới đây./.