Thảo luận tại phiên họp, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản tán thành với sự cần thiết với việc ban hành Nghị quyết để phát triển thành phố Đà Nẵng. Bởi nhiều năm qua, thành phố Đà Nẵng luôn là trung tâm kinh tế, văn hóa, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ, là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung - Tây nguyên và cả nước nói chung. Tuy nhiên, hiện nay tiềm năng của Thành phố chưa được khai thác hết do hạn chế của một số cơ chế, chính sách, các thách thức về công tác quy hoạch đô thị, huy động nguồn vốn đầu tư phát triển, kết cấu hạ tầng thiếu tính đồng bộ kết nối, mô hình tổ chức chính quyền địa phương… Đặc biệt, các đại biểu cho rằng, việc ban hành Nghị quyết là phù hợp với tinh thần Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 20/01/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng cho biết, hiện nay chúng ta có 05 thành phố trực thuộc Trung ương. Trong đó, thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh đã được áp dụng những cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển. Do đó, thành phố Đà Nẵng và thành phố Hải Phòng cùng thành phố Cần Thơ cũng cần nghiên cứu, xây dựng những chính sách đặc thù phù hợp, sao cho đảm bảo hài hòa, tương đương giữa các thành phố...
Cổng Thông tin điện tử Quốc hội trân trọng giới thiệu một số hình ảnh tại phiên họp:
Sáng ngày 24/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển điều hành nội dung làm việc.
Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày Tờ trình dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải trình bày ý kiến thẩm tra về dự thảo Nghị quyết tại phiên họp.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng cho biết, hiện nay chúng ta có 05 thành phố trực thuộc Trung ương. Trong đó, thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh đã được áp dụng những cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển. Do đó thành phố Đà Nẵng, thành phố Hải Phòng và thành phố Cần Thơ cũng cần nghiên cứu, xây dựng những chính sách đặc thù phù hợp, sao cho đảm bảo hài hòa, tương đương giữa các thành phố.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng phát biểu tại phiên họp.
Tán thành với việc cần thiết ban hành Nghị quyết, tuy nhiên, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nêu ý kiến, phạm vi điều chỉnh của Nghị quyết chỉ nên là cơ chế chính sách đặc thù về kinh tế và mô hình chính quyền đô thị, phù hợp với nội dung Nghị quyết số 43-NQ/TƯ ngày 24/1/2019 của Bộ Chính trị về “xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.
Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ phát biểu góp ý dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Tại phiên họp, nhiều ý kiến bày tỏ ủng hộ hoàn thiện dự thảo Nghị quyết này theo thủ tục rút gọn, trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến và thông qua tại Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV theo quy trình một kỳ họp.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh tùng cho biết, đa số ý kiến trong Ủy ban Pháp Luật nhất trí với mô hình thí điểm tổ chức chính quyền đô thị đề cập trong dự thảo Nghị quyết.
Phát biểu tại phiên họp, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa cho biết, diện tích của thành phố Đà Nẵng tương đương Singapore, tuy nhiên hiện nay chỉ đóng góp khoảng 1,55% GDP của cả nước. Do đó, Đà Nẵng cần cơ chế tốt để phát huy tiềm năng, tạo động lực phát triển thành phố, qua đó đóng góp lớn hơn cho đất nước.
Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ phát biểu tại phiên họp
Phát biểu kết thúc nội dung phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh, trên cơ sở ý kiến góp ý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hôm nay, đề nghị Chính phủ rà soát lại toàn bộ nội dung Tờ trình, đặc biệt là các vấn đề liên quan tên gọi, đất đai, việc bổ sung thu nhập cho cán bộ, quy hoạch và việc thí điểm mô hình chính quyền địa phương… để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến, xem xét tiếp tại phiên họp tiếp theo, dự kiến vào ngày 15/5 tới. Sau đó, Ủy ban chuyên môn của Quốc hội sẽ phối hợp thẩm tra chi tiết.
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết, nếu nội dung Tờ trình tập trung vào vấn đề tài chính thì sẽ giao Ủy ban Tài chính- Ngân sách chủ trì thẩm tra; còn nếu tập trung vào vấn đề pháp luật sẽ giao Ủy ban Pháp luật chủ trì thẩm tra./.