Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng nêu rõ: Thực hiện chương trình công tác và theo sự phân công của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ngày 16/4/2020, Ủy ban Pháp luật đã họp phiên toàn thể theo hình thức trực tuyến để thẩm tra Đề án thành lập thị xã Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định, thị xã Đông Hòa, tỉnh Phú Yên và thị xã Nghị Sơn, tỉnh Thanh Hóa theo các Tờ trình của Chính phủ.
Ngày 20/4/2020, Ủy ban Pháp luật đã có 03 Báo cáo thẩm tra các Tờ trình và Đề án nêu trên của Chính phủ. Ủy ban Pháp luật kính trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo tóm tắt thẩm tra về các Đề án. Về sự cần thiết thành lập các thị xã và phường trực thuộc, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cơ bản tán thành với sự cần thiết thành lập thị xã Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định; thị xã Đông Hòa, tỉnh Phú Yên; thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa và các phường trực thuộc các thị xã với những lý do nêu trong các Tờ trình và Đề án của Chính phủ.
Một số vấn đề đề nghị giải trình
Tại phiên họp thẩm tra, các thành viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đã đề nghị Chính phủ, chính quyền địa phương các tỉnh Bình Định, Phú Yên và Thanh Hóa giải trình một số nội dung mang tính chất chung liên quan đến việc thành lập đơn vị hành chính (ĐVHC) ở đô thị như việc đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ, cán bộ, công chức để đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước của chính quyền đô thị; việc bố trí, sắp xếp lực lượng Công an chính quy; các giải pháp hỗ trợ chuyển đổi giấy tờ của công dân sau khi thành lập thị xã, phường; nhu cầu sử dụng vốn và khả năng huy động vốn đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng; rà soát các số liệu về dân số quy đổi, thu nhập bình quân đầu người, diện tích đất cây xanh công cộng… Ngoài ra, đối với từng Đề án cụ thể, Ủy ban Pháp luật đề nghị giải trình, làm rõ những nội dung sau đây:
Về việc thành lập thị xã Hoài Nhơn, tịnh Bình Định và 11 phường trực thuộc, Ủy ban Pháp luật đề nghị cần có giải pháp đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng đô thị đồng bộ, hiện đại, cũng như giải pháp đầu tư xây dựng, chuyển đổi mục đích sử dụng đất để phát triển cơ sở hạ tầng đô thị gắn với việc bảo vệ diện tích rừng và đất trồng lúa hiện có của địa phương vì theo Đề án của Chính phủ, khu vực dự kiến thành lập thị xã Hoài Nhơn và một số phường trực thuộc có diện tích đất nông nghiệp lớn (chiếm hơn 80%).
Theo Đề án của Chính phủ, xã Hoài Đức và xã Hoài Hảo là hai đơn vị dự kiến thành lập phường có diện tích rất lớn (xã Hoài Đức: 63,72 km2, xã Hoài Hảo: 37,63 km2), diện tích đất nông nghiệp của hai xã này chiếm tới hơn 87%, chủ yếu là đất rừng tự nhiên và đất rừng phòng hộ cần phải bảo vệ nghiêm ngặt, không được khai thác, do đó không thể phát triển đô thị tại các khu vực này. Tuy đây được đánh giá là lợi thế để phát triển du lịch sinh thái nhưng cũng là một trở ngại trong việc xây dựng và hoàn thiện đầy đủ cơ sở hạ tầng đô thị tương xứng sau khi thành lập phường ở hai đơn vị này. Vì vậy, đề nghị Chính phủ, chính quyền địa phương tiếp tục cân nhắc phương án, kế hoạch phát triển phù hợp đối với các đơn vị có đặc thù như trên để bảo đảm sự phát triển đồng đều, bền vững của đô thị Hoài Nhơn.
Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đề nghị sớm có giải pháp đầu tư, khắc phục hạn chế về việc chưa có hệ thống nước thải riêng cho đô thị Hoài Nhơn vì vấn đề này ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường đô thị và chất lượng đời sống của nhân dân; khắc phục tiêu chí chưa đạt về mật độ đường cống thoát nước chính theo quy định tại Phụ lục 2 của Nghị quyết số 1210/2016/UBTVQH13 tại 5/11 đơn vị dự kiến thành lập phường (gồm: Tam Quan Bắc, Hoài Hảo, Hoài Thanh, Hoài Hương và Hoài Xuân) để bảo đảm chất lượng đô thị tại khu vực thành lập phường.
Về Đề án thành lập thị xã Đông Hòa, tỉnh Phú Yên và 05 phường trực thuộc, đề nghị sớm có giải pháp khắc phục tiêu chí còn thiếu về hệ thống cơ sở hạ tầng đô thị theo quy định tại Phụ lục 2 của Nghị quyết số 1210/2016/UBTVQH13 là Trạm Y tế và tỷ lệ nước thải đô thị được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật tại 5/5 khu vực dự kiến thành lập phường thuộc thị xã Đông Hòa.
Chính phủ đề nghị thành lập phường Hòa Xuân Tây trên cơ sở nguyên trạng xã Hòa Xuân Tây, với 45,79 km2 diện tích tự nhiên (đạt 832,5% tiêu chuẩn theo quy định) nhưng qua rà soát thấy rằng, tỷ lệ đất xây dựng đô thị tại xã Hòa Xuân Tây rất thấp, chỉ có 1,98 km2 (chiếm 4,33%), tỷ lệ đất nông nghiệp là 41,53 km2 (chiếm 90,69%). Đề nghị cơ quan trình Đề án báo cáo thêm về định hướng đầu tư xây dựng, chuyển đổi mục đích sử dụng đất để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng đô thị gắn với việc bảo vệ diện tích rừng và đất trồng lúa hiện có của địa phương.
Về việc thành lập thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa và 16 phường trực thuộc, trên địa bàn huyện Tĩnh Gia dự kiến thành lập có Khu kinh tế Nghi Sơn, trọng tâm là công nghiệp nặng và công nghiệp cơ bản, với nhiều nhà máy điện than, lọc hóa dầu, luyện thép, khai thác cảng biển, dịch vụ, du lịch,... nên trong quá trình phát triển, sẽ có những tác động nhất định đến môi trường đô thị. Bên cạnh đó, theo Đề án của Chính phủ, huyện Tĩnh Gia hiện nay chưa có khu xử lý nước thải tập trung nên toàn bộ lượng nước thải từ các hộ dân, các đơn vị, doanh nghiệp sau khi được xử lý sẽ chảy ra hệ thống thoát nước chung, gây ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường. Vì vậy, đề nghị sớm có giải pháp đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải trên địa bàn, có biện pháp phòng ngừa hữu hiệu và ứng phó kịp thời các sự cố môi trường trên địa bàn, bảo đảm sự phát triển bền vững của thị xã sau khi được thành lập.
Toàn cảnh phiên họp
Đề nghị có các biện pháp đầu tư cơ sở hạ tầng đô thị trên địa bàn các đơn vị dự kiến thành lập phường để khắc phục việc thiếu tiêu chí về Trạm y tế và tiêu chí về chợ hoặc siêu thị theo quy định tại Phụ lục 2 của Nghị quyết số 1210/2016/UBTVQH13 để bảo đảm chất lượng đô thị của khu vực dự kiến thành lập phường trên địa bàn thị xã Nghi Sơn.
Đối với một số xã dự kiến thành lập phường có diện tích đất nông nghiệp lớn, đề nghị báo cáo thêm về định hướng xây dựng, điều chỉnh quy hoạch và đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm phù hợp với đặc điểm của đô thị nhưng vẫn gắn với việc bảo vệ diện tích rừng và đất trồng lúa hiện có của địa phương.
Ủy ban Pháp luật nhận thấy, việc thành lập các thị xã Hoài Nhơn, Đông Hòa, Nghi Sơn và các phường trực thuộc là cần thiết, các đơn vị được đề nghị thành lập thị xã và phường cơ bản đáp ứng các tiêu chuẩn và điều kiện theo quy định. Hồ sơ Đề án, trình tự, thủ tục lập Đề án tuân thủ theo quy định của pháp luật. Những nội dung Ủy ban Pháp luật đề nghị Chính phủ, chính quyền địa phương giải trình đã được đại diện Chính phủ (Bộ Nội vụ) giải trình tại phiên họp thẩm tra và Chính phủ có văn bản báo cáo bổ sung với Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp này. Ủy ban Pháp luật thống nhất với nội dung giải trình của Chính phủ và địa phương.
Đề nghị ban hành Nghị quyết về việc thành lập các thị xã của 3 tỉnh Bình Định, Phú Yên, Thanh Hóa
Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết về việc thành lập các thị xã Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định, thị xã Đông Hòa, tỉnh Phú Yên, thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa và các phường thuộc các thị xã với những nội dung nêu trong Tờ trình, Đề án của Chính phủ và đề nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, ý kiến tham gia thẩm tra của Ủy ban Tư pháp.
Tại phiên họp toàn thể của Ủy ban Pháp luật, một số ý kiến thành viên Ủy ban Pháp luật cho rằng, một số tiêu chí về phân loại đô thị trong Nghị quyết số 1210/2016/UBTVQH13 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chưa thật sự phù hợp với thực tế phát triển đô thị của nước ta là hướng tới các đô thị sinh thái, đô thị xanh,… chẳng hạn như vấn đề quy mô và mật độ dân số, vấn đề tỷ lệ diện tích đất xây dựng đô thị, đất phi nông nghiệp trên diện tích đất nông nghiệp,… Vì vậy, đề nghị Chính phủ trong quá trình tổ chức thực hiện cần rà soát, kịp thời phát hiện những vướng mắc, bất cập để tổng kết, đề xuất sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hinh thực tế.
Về các dự thảo Nghị quyết, Ủy ban Pháp luật đề nghị bổ sung một số nội dung liên quan đến vị trí tiếp giáp và số lượng các ĐVHC (đối với Nghị quyết thành lập thị xã Hoài Nhơn), nội dung thành lập Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân và trách nhiệm của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao (đối với Nghị quyết thành lập thị xã Đông Hòa) và chỉnh lý lại văn phong, kỹ thuật của tất cả các Nghị quyết. Trường hợp được Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, thông qua tại phiên họp này, đề nghị thống nhất xác định thời điểm có hiệu lực của Nghị quyết là ngày 01/6/2020 để các cơ quan, tổ chức và địa phương có thời gian cho công tác chuẩn bị, kiện toàn tổ chức, thay đổi tên gọi, con dấu và các điều kiện cần thiết khác cho hoạt động của đơn vị hành chính mới được thành lập./.