TRÌNH UỶ BAN THƯỜNG VỤ CHO Ý KIẾN DỰ ÁN LUẬT CƯ TRÚ (SỬA ĐỔI)

22/04/2020

Chiều ngày 22/04, tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 44, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghe Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trình bày Tờ trình dự án Luật Cư trú (sửa đổi).

 

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trình bày Tờ trình

Trình bày Tờ trình dự án Luật Cư trú (sửa đổi) trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, Luật Cư trú năm 2006 và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cư trú năm 2013 (Luật Cư trú) được ban hành đã đánh dấu bước tiến quan trọng trong công tác lập pháp của Nhà nước ta, góp phần từng bước hoàn thiện quy định của pháp luật về cư trú, đáp ứng yêu cầu của công tác quản lý hành chính về trật tự xã hội, yêu cầu quản lý dân cư, bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội, tạo môi trường thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, phục vụ có hiệu quả việc thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước trong từng thời kỳ.

Tuy nhiên, trước yêu cầu nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự trong tình hình mới, yêu cầu quản lý nhà nước, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm thực hiện quyền con người, quyền công dân và chủ trương đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư, ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến đã đặt ra yêu cầu phải tiếp tục hoàn thiện pháp luật về cư trú; trong đó, việc xây dựng, ban hành Luật Cư trú (sửa đổi) là cần thiết để bảo đảm tốt hơn nữa quyền tự do cư trú của công dân; góp phần nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác quản lý nhà nước về an ninh, trật tự trong tình hình mới; thực hiện việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến công tác đăng ký, quản lý cư trú; đáp ứng yêu cầu ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến trong công tác quản lý cư trú.

Mục đích xây dựng Luật Cư trú (sửa đổi) là nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật về cư trú bảo đảm phù hợp với chủ trương cải cách hành chính và tiến trình hội nhập, mở rộng giao lưu, hợp tác quốc tế trong điều kiện đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và xu thế hội nhập quốc tế hiện nay. Thực hiện chủ trương hiện đại hóa và đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến công tác quản lý dân cư; bảo đảm tốt hơn nữa tính công khai, minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho công dân thực hiện quyền tự do cư trú và tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về cư trú. Bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật quy định về các giấy tờ của công dân; đáp ứng yêu cầu của công tác quản lý hành chính về trật tự xã hội, góp phần phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội của đất nước.

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, việc xây dựng Luật, bảo đảm phù hợp với quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về quản lý cư trú và chủ trương đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư. Tạo khuôn khổ pháp lý hữu hiệu để bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho công dân Việt Nam, người Việt Nam định cư ở nước ngoài vẫn còn quốc tịch Việt Nam trở về Việt Nam sinh sống, làm ăn; trình tự, thủ tục đăng ký đơn giản, thuận tiện, kịp thời, công khai, minh bạch, không gây phiền hà, tiêu cực; đồng thời, bảo đảm cho công tác đăng ký, quản lý cư trú có hiệu quả trong giai đoạn hiện nay và những năm tiếp theo.

Toàn cảnh phiên họp

Cũng theo Bộ trưởng Tô Lâm, đổi mới hình thức quản lý cư trú trên cơ sở ứng dụng có hiệu quả thành tựu khoa học, công nghệ tiên tiến trong quản lý cư trú, bảo đảm tính khoa học, công khai, minh bạch và thuận tiện cho đăng ký, quản lý cư trú. Tổng kết đầy đủ, toàn diện thực tiễn thi hành pháp luật về cư trú để kế thừa các quy định của Luật Cư trú còn phù hợp và đang phát huy tác dụng trong công tác đăng ký, quản lý cư trú; đồng thời, tiếp thu có chọn lọc pháp luật và kinh nghiệm quản lý cư trú của nước ngoài để vận dụng phù hợp với đặc điểm, điều kiện của Việt Nam. Quy định cụ thể các nội dung liên quan đến cư trú, hạn chế đến mức thấp nhất việc phải ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật để các cơ quan, tổ chức, cá nhân chấp hành luật nghiêm chỉnh, kịp thời, thống nhất.

Báo cáo về quá trình xây dựng dự án Luật, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, Bộ Công an đã thành lập Ban Soạn thảo và Tổ Biên tập xây dựng dự án Luật Cư trú (sửa đổi). Các thành viên của Ban Soạn thảo, Tổ Biên tập gồm đại diện các cơ quan Văn phòng Chính phủ, Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ, Bộ Quốc phòng và Bộ Công an. Dự án Luật đã được gửi lấy ý kiến của các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Công an các đơn vị, địa phương và gửi lấy ý kiến của các thành viên Ban Soạn thảo, Tổ Biên tập dự án Luật. Hồ sơ dự án Luật được đăng tải trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, Cổng Thông tin điện tử của Bộ Công an để lấy ý kiến rộng rãi của các tổ chức, cá nhân theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Các ý kiến tham gia đã được Bộ Công an tổng hợp, nghiên cứu tiếp thu và giải trình. Đồng thời, hồ sơ dự án Luật Cư trú (sửa đổi) đã được Bộ Tư pháp thẩm định và Chính phủ cho ý kiến theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015.

Dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi) có bố cục gồm 07 chương, 41 điều. Cụ thể, Chương I (Những quy định chung) gồm 07 điều (từ Điều 1 đến Điều 7), quy định về: Phạm vi điều chỉnh; giải thích từ ngữ; quyền tự do cư trú của công dân; nguyên tắc cư trú và quản lý cư trú; bảo đảm thực hiện quyền tự do cư trú và hoạt động quản lý cư trú; hợp tác quốc tế trong quản lý cư trú; các hành vi bị nghiêm cấm; Chương II (Quyền, trách nhiệm của công dân về cư trú) gồm 04 điều (từ Điều 8 đến Điều 11), quy định về: Quyền của công dân về cư trú; các trường hợp bị hạn chế quyền tự do cư trú; trách nhiệm của công dân về cư trú; chủ hộ; Chương III (Nơi cư trú) gồm 09 điều (từ Điều 12 đến Điều 20), quy định về: Nơi cư trú của công dân; nơi cư trú của người chưa thành niên; nơi cư trú của người được giám hộ; nơi cư trú của vợ, chồng; nơi cư trú của người học tập, làm việc, công tác trong lực lượng vũ trang; nơi cư trú của người làm nghề lưu động; nơi cư trú của người hoạt động tại cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo; nơi cư trú của người được nuôi dưỡng, chăm sóc, bảo trợ; quản lý cư trú đối với người không đủ điều kiện đăng ký thường trú, tạm trú; Chương IV (Đăng ký thường trú) gồm 05 điều (từ Điều 21 đến Điều 25), quy định về: Điều kiện đăng ký thường trú tại tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; thủ tục đăng ký thường trú; địa điểm không được đăng ký thường trú, tạm trú mới; xóa đăng ký thường trú; thay đổi, điều chỉnh thông tin về cư trú của công dân; Chương V (Đăng ký tạm trú, thông báo lưu trú, khai báo tạm vắng) gồm 04 điều (từ Điều 26 đến Điều 29), quy định về: Đăng ký tạm trú; xóa đăng ký tạm trú; lưu trú và thông báo lưu trú; khai báo tạm vắng; Chương VI (Trách nhiệm quản lý cư trú) gồm 09 điều (từ Điều 30 đến Điều 38), quy định về: Trách nhiệm quản lý nhà nước về cư trú; trách nhiệm của Bộ Công an về quản lý cư trú; trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp trong quản lý cư trú; trách nhiệm của cơ quan đăng ký, quản lý cư trú; người làm công tác đăng ký, quản lý cư trú; hủy bỏ việc đăng ký thường trú, tạm trú trái pháp luật; Cơ sở dữ liệu về cư trú; thu thập, lưu trữ, xử lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng dữ liệu về cư trú; khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm; Chương VII (Điều khoản thi hành) gồm 03 điều (từ Điều 39 đến Điều 41), quy định về: Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của các luật có liên quan đến quản lý cư trú; hiệu lực thi hành và quy định chuyển tiếp; quy định chi tiết.

Về nội dung cơ bản của dự thảo Luật, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, trên cơ sở xác định mục tiêu, quan điểm chỉ đạo sửa đổi Luật như nêu trên, dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi) đã thể chế hóa 02 nhóm chính sách đã được Chính phủ thông qua tại đề nghị xây dựng vào dự thảo Luật. Đó là, nhóm chính sách về bãi bỏ hình thức quản lý dân cư bằng Sổ Hộ khẩu, Sổ Tạm trú và thay thế bằng hình thức quản lý theo số định danh cá nhân cập nhật thông tin trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cở sở dữ liệu về cư trú; và nhóm chính sách về quy định về trình tự, thủ tục đăng ký cư trú theo hướng đơn giản hóa thủ tục hành chính.

Trên cơ sở tổng hợp, tiếp thu, giải trình ý kiến đóng góp của các bộ, ngành, cơ quan, tổ chức, cá nhân về dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi), Chính phủ đã chỉnh lý dự thảo Luật. Tuy nhiên, một số vấn đề còn có ý kiến khác nhau kính trình xin ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về điều kiện đăng ký thường trú vào thành phố trực thuộc Trung ương; bổ sung một số trường hợp xóa đăng ký thường trú.

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm nhấn mạnh, trên cơ sở Tờ trình về dự án Luật Cư trú (sửa đổi), Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét và cho ý kiến.

Sau khi nghe trình bày tờ trình dự án Luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội về dự án Luật này./.

Thu Phương – Nghĩa Đức