Tăng cường thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trên tất cả các lĩnh vực
Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ trình bày báo cáo trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết với phương châm “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, bứt phá, hiệu quả”, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tập trung chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nghị quyết, kết luận của Trung ương Đảng, Quốc hội về phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH), tăng cường thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (THTKCLP) trên tất cả các lĩnh vực.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng báo cáo kết quả thực hành tiết kiệm chống lãng phí năm 2019
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng Chính phủ ban hành Nghị quyết số 01, 02 đề ra 186 nhiệm vụ phát triển KT-XH, 64 nhiệm vụ cải thiện môi trường kinh doanh; ban hành Chương trình tổng thể về THTKCLP năm 2019 và nhiều nghị quyết, chỉ thị để kịp thời chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm. Công tác THTKCLP trong cả nước có những chuyển biến tích cực, có đóng góp quan trọng vào kết quả thực hiện đạt và vượt toàn bộ 12 chỉ tiêu phát triển KT-XH năm 2019, ổn định kinh tế vĩ mô. Năng lực cạnh canh của nước ta được cải thiện vượt bậc, tăng 10 bậc so với năm 2018.
Cơ cấu lại nền kinh tế tiếp tục được triển khai thực hiện quyết liệt, bám sát nghị quyết của Trung ương, Quốc hội, đạt được những kết quả quan trọng. Tăng trưởng kinh tế dần dịch chuyển sang chiều sâu; năng suất lao động tăng 6,2%, vượt mục tiêu đề ra; tỷ trọng đầu tư từ khu vực kinh tế ngoài nhà nước tăng lên mức 46% cao hơn năm 2018 (43,3%); vốn FDI đạt kỷ lục 20,4 tỷ USD... Chỉ số Đổi mới Sáng tạo Toàn cầu của Việt Nam tăng 3 bậc so với năm 2018, xếp thứ nhất trong nhóm 26 quốc gia thu nhập trung bình thấp.
Công tác đổi mới, sắp xếp, cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp tiếp tục được đẩy mạnh. Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử được triển khai tích cực, hướng tới nền hành chính công khai, minh bạch, thông suốt, hiệu quả. Đổi mới cơ chế hoạt động đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện theo lộ trình của Nghị quyết Trung ương 6 khóa XII, gắn với nâng cao chất lượng và xã hội hóa.
Công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí được triển khai, thực hiện mạnh mẽ hơn, có tác động cảnh tỉnh, răn đe, ngăn chặn tiêu cực, tạo hiệu ứng tích cực trong toàn xã hội, được nhân dân đồng tình, ủng hộ. Nhiều vụ án kinh tế, tham nhũng lớn, nghiêm trọng tiếp tục được phát hiện, xét xử nghiêm minh. Tham nhũng, lãng phí từng bước được kiềm chế, có chiều hướng thuyên giảm.
Công tác xây dựng, phát triển văn hóa, bảo đảm an sinh xã hội đạt kết quả tốt. Thông tin, tuyên truyền tạo đồng thuận xã hội, tôn vinh, cổ vũ gương người tốt, việc tốt, phê phán tiêu cực, lãng phí tiếp tục được quan tâm, chú trọng. Nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực, tiếp cận với chuẩn mực quốc tế. Thực hiện nhiều biện pháp nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, chăm sóc y tế phục vụ nhân dân; mở rộng diện bao phủ bảo hiểm y tế. Triển khai thực hiện sớm, quyết liệt, đồng bộ các biện pháp kiểm soát, phòng, chống dịch bệnh Covid-19, được cộng đồng quốc tế và nhân dân đánh giá cao.
Bên cạnh những kết quả tích cực, toàn diện, vẫn còn những hạn chế, cần nghiêm túc nhìn nhận, khắc phục, như: Việc thực thi một số chủ trương, chính sách, pháp luật có lúc, có lĩnh vực chậm đi vào cuộc sống; một số vấn đề liên quan đến người dân, doanh nghiệp đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo quyết liệt, nhưng chuyển biến còn chậm, hiệu quả chưa cao; giải ngân vốn đầu tư công chậm. Còn tình trạng một bộ phận cán bộ, công chức sách nhiễu, gây phiền hà trong xử lý công việc liên quan đến người dân, doanh nghiệp,... Nguyên nhân chủ yếu do tinh thần trách nhiệm, ý thức nêu gương của một bộ phận cán bộ, công chức còn hạn chế, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm; kỷ luật, kỷ cương một số nơi bị buông lỏng, dẫn đến hiệu lực, hiệu quả quản lý, thực thi chính sách chưa cao.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cũng báo cáo kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong các lĩnh vực: xây dựng pháp luật, định mức, tiêu chuẩn, chế độ; quản lý ngân sách nhà nước; trong mua sắm, sử dụng phương tiện, thiết bị làm việc của cơ quan, tổ chức trong khu vực nhà nước; đầu tư xây dựng, quản lý, sử dụng trụ sở làm việc, nhà ở công vụ và công trình phúc lợi công cộng; quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên; trong tổ chức bộ máy, quản lý, sử dụng lao động và thời gian lao động; quản lý, sử dụng vốn và tài sản nhà nước tại doanh nghiệp; hoạt động sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng của nhân dân; Công tác thanh tra THTKCLP.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo của Chính phủ về việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2019
Trên cơ sở đó, Chính phủ đánh giá kết quả THTKCLP trên các lĩnh vực tiếp tục có những chuyển biến tích cực hơn, có đóng góp quan trọng vào thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển KT-XH năm 2019, tạo thêm và sử dụng có hiệu quả hơn các nguồn lực của đất nước để giải quyết những vấn đề cấp bách phát sinh, bảo đảm an sinh xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh. Bên cạnh đó, công tác THTKCLP trong từng lĩnh vực cũng còn những khó khăn, hạn chế như đã phân tích đánh giá trên đây. Vẫn còn tình trạng thực hiện chưa nghiêm túc ở một số bộ, cơ quan, địa phương, tập đoàn, tổng công ty nhà nước, như chậm ban hành Chương trình THTKCLP năm 2019; chậm báo cáo THTKCLP; tổng kết đánh giá kết quả THTKCLP sơ sài, không có thông tin, số liệu cụ thể về kết quả tiết kiệm kinh phí NSNN. Nguyên nhân chủ yếu là do người đứng đầu bộ, ngành, cơ quan, địa phương, tập đoàn, tổng công ty chưa quan tâm đúng mức, chưa giao trách nhiệm cụ thể cho cơ quan tham mưu giúp việc làm đầu mối triển khai, thực hiện quy định của Luật THTKCLP.
Kiên trì thực hiện “mục tiêu kép”
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng nêu rõ, năm 2020, Chính phủ đề ra phương châm hành động “Kỷ cương, liêm chính, hành động, trách nhiệm, sáng tạo, hiệu quả”; quan điểm chỉ đạo, điều hành là vừa thực hiện quyết liệt chống dịch bệnh Covid-19, vừa kiên định mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, nỗ lực phấn đấu cao nhất để đạt được mục tiêu tăng trưởng và các chỉ tiêu KT-XH theo các nghị quyết của Trung ương, Quốc hội. Quyết tâm kiểm soát, không để dịch bệnh lây lan rộng, sẵn sàng hy sinh lợi ích kinh tế để bảo vệ tốt nhất sức khỏe và tính mạng của Nhân dân.
Năm 2020 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm cuối nhiệm kỳ và kế hoạch 5 năm 2016-2020; tổ chức đại hội đảng các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng… Kế thừa những kết quả đạt được năm 2019 và thành tựu của hơn 30 năm đổi mới, thế và lực của đất nước ta ngày càng lớn mạnh, tình hình chính trị, xã hội ổn định, niềm tin của nhân dân được củng cố. Tuy nhiên nền kinh tế vẫn còn những hạn chế, bất cập và còn gặp nhiều khó khăn, thách thức. Tình hình khu vực, thế giới dự báo có những biến động khó lường; tăng trưởng kinh tế, thương mại, đầu tư quốc tế tiếp tục xu hướng giảm; tình hình Biển Đông, cạnh tranh chiến lược, xung đột thương mại giữa một số quốc gia, nền kinh tế lớn tiếp tục phức tạp, căng thẳng. Tình trạng sạt lở đất, hạn mặn ở đồng bằng sông Cửu Long, mưa lớn, giông lốc, mưa đá ở nhiều tỉnh phía Bắc, dịch bệnh Covid-19 rất nguy hiểm, diễn biến phức tạp trong những tháng đầu năm đã có tác động tiêu cực rất lớn đến nền kinh tế, đời sống của Nhân dân.
Trong bối cảnh đó, để thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ phát triển KT-XH năm 2020 theo nghị quyết của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ đề ra phương châm hành động “Kỷ cương, liêm chính, hành động, trách nhiệm, sáng tạo, hiệu quả”; nỗ lực phấn đấu cao nhất để đạt được mục tiêu tăng trưởng và các chỉ tiêu KTXH đã đề ra; kiên trì thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch bệnh Covid-19, vừa phát triển kinh tế, nhưng ưu tiên hàng đầu là kiên quyết phòng, chống dịch, bảo vệ sức khỏe, tính mạng Nhân dân, kể cả phải chấp nhận hy sinh lợi ích kinh tế trong ngắn hạn.
Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 01 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển KTXH và Dự toán NSNN năm 2020, Nghị quyết số 02 về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2020. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 04/3/2020 về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19, chỉ đạo thực hiện kịp thời các biện pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh; hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng với dịch Covid-19 (như: gia hạn, giãn nộp thuế, tiền thuê đất, miễn, giảm thuế, phí, lệ phí, cắt giảm thủ tục hành chính; triển khai gói hỗ trợ tín dụng khoảng 250 nghìn tỷ đồng và gói hỗ trợ về thuế, NSNN 30 nghìn tỷ đồng).
Sau khi nghe báo cáo kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong năm 2019, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghe báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội./.