UỶ BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI CHO Ý KIẾN VỀ DỰ ÁN LUẬT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG

21/04/2020

Chiều 21/4, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 44, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo vệ môi trường, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản thống nhất với việc sửa đổi toàn diện Luật Bảo vệ môi trường, đồng thời lưu ý đến tính thống nhất của hệ thống pháp luật do dự án luật này liên quan đến nhiều luật, nhiều nội dung quản lý.

 

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo vệ môi trường

Mở đầu phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe trình bày Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra sơ bộ của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo vệ môi trường.

Theo đó, thực hiện Nghị quyết số 78/2019/QH14 ngày 11/6/2019 của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019, Chính phủ đã giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo vệ môi trường. Tuy nhiên trong quá trình thực hiện cho thấy bên cạnh 07 nhóm chính sách đã được đề xuất, còn 06 nhóm chính sách khác cũng cần được bổ sung để hiện thực hóa các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, giải quyết các vấn đề môi trường đặt ra trong quá trình hội nhập, qua đó đặt ra yêu cầu phải sửa đổi toàn diện Luật Bảo vệ môi trường. Trên cơ sở đó, Chính phủ báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị điều chỉnh tên của dự án Luật là dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) thay thế dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo vệ môi trường.

Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) bao gồm 16 chương và 192 điều, giảm 04 chương và tăng 21 điều so với Luật Bảo vệ môi trường 2014.

Trách nhiệm bảo vệ môi trường là của toàn xã hội

Phát biểu tại phiên họp, nhấn mạnh đây là một sự án luật quan trọng, có tính thời sự và rất cần thiết trong giai đoạn hiện nay, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu bày tỏ tán thành việc sửa đổi cơ bản toàn diện dự án Luật Bảo vệ môi trường để thể chế hóa đầy đủ quan điểm của Đảng nhất là về bảo vệ môi trường là vị trí trung tâm của các quyết định phát triển, không đánh đổi môi trường lấy tăng tưởng kinh tế, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Đây là những vấn đề mới mà Luật hiện hành chưa thể hiện được.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu phát biểu

Cùng với đó, có nhiều vấn đề về bảo vệ môi trường mới phát sinh trong thực tiễn hiện nay mà Luật hiện hành chưa có đủ cơ sở để xử lý như trong một số sự cố môi trường lớn thời gian qua. Một số quy định của Luật hiện nay mang tính khung, nguyên tắc nhiều thiếu tính quy phạm, cụ thể nên tính khả thi thấp. Luật hiện nay chưa rạch ròi về trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, chưa đề cao trách nhiệm của Nhà nước, cộng đồng, xã hội, doanh nghiệp, người dân. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nêu rõ sự nghiệp bảo vệ môi trường không chỉ của Nhà nước mà của toàn dân, toàn xã hội và quan điểm, tư duy này cần được thể hiện trong Luật.

Hơn nữa, Luật cũng cần tính đến biến đổi khí hậu, cân bằng sinh thái, hay như an ninh nguồn nước, bầu khí quyển, đại dương, rác thải nhựa… nếu không có cách nhìn toàn diện, dài hạn và hợp tác quốc tế chặt chẽ bởi những vấn đề này chỉ riêng Việt Nam thì không thể giải quyết.

Cùng quan điểm, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình cho rằng sửa đổi toàn diện Luật này cần đặt ra yêu cầu tạo nhận thức của xã hội trong toàn bộ hoạt động xã hội, sản xuất, kinh doanh, các bộ, ngành chứ không chỉ về quản lý nhà nước. Cùng với đó, đặt quan điểm bảo vệ môi trường thì cân nhắc giữa làm môi trường với phát triển kinh tế.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình, dự án Luật còn nặng về quản lý môi trường khi có đến 4 trong 5 quan điểm xây dựng Luật là về quản lý, trong khi đó vấn đề cốt lõi trong môi trường là nhận thức từ nhận thức của bộ máy quản lý đến xã hội, người dân. Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng cho rằng Luật có quy định quản lý, quy trình nhưng cần quan tâm đến nhận thức. Từ nhận thức đó thì cần thiết sửa đổi toàn diện Luật Bảo vệ môi trường đi từ kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, giảm phát thải; đồng thời gắn với trọng tâm bảo vệ mội trường, biến đổi khí hậu, vấn đề nguồn nước và quan tâm đến vấn đề giáo dục, tuyên truyền về môi trường, tiết kiệm năng lượng.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình phát biểu tại phiên họp

Nhất trí sự cần thiết sửa đổi luật và khẳng định bảo vệ môi trường là vấn đề quan trọng Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng dự án Luật này phải giải quyết được những bất cập, đưa vào những quy định phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của đất nước, bảo đảm tính khả thi, không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế nhưng những quy định tiêu chuẩn môi trường không làm cản trở phát triển kinh tế. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng đề nghị bổ sung quan điểm xây dựng Luật cần thể chế Điều 43 Hiến pháp 2013 quy định “mọi người có quyền được sống trong môi trường trong lành và có nghĩa vụ bảo vệ môi trường”. Do đó, Luật cần hướng đến nâng cao nhận thức, trách nhiệm, nghĩa vụ của mọi người chứ không chỉ có cơ quan quản lý nhà nước.

Bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng cho rằng, đây là dự án luật khá đồ sộ với 16 chương 192 điều, phạm vi sửa đổi rộng, có nhiều nội dung mới so với quy định hiện hành và liên quan đến nhiều quy định tại các luật và các văn bản đang có hiệu lực, chức năng của các bộ, ngành. Do đó, cần phải rà soát lại để bảo đảm thống nhất với những luật vừa ban hành, luật đang đang chuẩn bị ban hành. Chỉ rõ dự án Luật này liên quan đến nhiều luật như: Luật Thuế bảo vệ môi trường, Luật Đa dạng sinh học, Luật Thủy lợi, Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật Phí và lệ phí, Chủ tịch Quốc hội đề nghị cần phải tiếp tục rà soát, đảm bảo tính thống nhất, tính đồng bộ của dự thảo luật đối với hệ thống pháp luật, tránh quy định lại những quy định đã có; đồng thời rà soát những cam kết quốc tế về môi trường trong các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, trong đó có CPTPP, gần đây nhất là EVFTA vừa tạo hành lang pháp lý để phát triển đất nước phù hợp với các cam kết quốc tế, đáp ứng yêu cầu trong nước.

Nhất trí với sự cần thiết sửa đổi toàn diện Luật với 16 chương và 192 điều như dự thảo Chính phủ trình, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cũng đề nghị cơ quan soạn thảo phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương đánh giá tác động chính sách để bảo đảm tính khả thi của chính sách trong điều kiện hội nhập kinh tế - xã hội, dân trí.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cũng lưu ý tính thống nhất của hệ thống pháp luật bởi dự án luật này tích hợp nhiều vấn đề, liên quan đến nhiều luật như Luật Đa dạng sinh học, Luật Xử lý vi phạm hành chính, Luật Quy hoạch, Luật Thuế bảo vệ môi trường…nên cần bảo đảm tính hợp Hiến, tính thống nhất của hệ thống luật. Do đó, từ này đến khi trình Quốc hội thảo luận tại Kỳ họp, cơ quan soạn thảo cần lưu ý rà soát để tránh mâu thuẫn, chồng chéo.

Về nội dung đánh giá tác động môi trường (ĐTM), Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng đây là vấn đề chuyên môn, không phải cơ quan nào cũng có thể thực hiện được nên phải có chuyên gia và phương tiện. Đồng thời quy định này cũng liên quan đến thẩm quyền quản lý và xử lý vi phạm hành chính nên giao cho cơ quan chuyên môn. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cũng đề nghị nên phân loại cấp độ dự án để phân cấp thẩm quyền thực hiện ĐTM, có dự án phải để Trung ương thực hiện nhưng cũng có dự án nên phân cấp cho địa phương.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cũng cơ bản tán thành với dự án luật về giấy phép môi trường tích hợp để bảo đảm hoạt động đầu tư kinh doanh, hạn chế thủ tục phiền hà nhưng cũng cần đánh giá một cách thận trọng bởi thủ tục hành chính chặt chẽ cũng có vai trò trong kiểm soát.

 Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển kết luận nội dung thảo luận

Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh, đây là một luật rất khó, rất rộng, tác động rất lớn đến nhiều vấn đề nên phải tính toán đến tính cụ thể, tính khả thi và bảo đảm khi luật ra đời sẽ khắc phục được cơ bản những tồn tại, hạn chế từ trước đến nay về công tác bảo vệ môi trường.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết, qua thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất sự cần thiết phải sửa đổi, bổ sung Luật Bảo vệ môi trường để đáp ứng yêu cầu của tình hình mới. Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất đổi tên là dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi), thay cho dự án luật trước đây là chỉ sửa đổi một số điều của Luật Bảo vệ môi trường và thống nhất với phạm vi sửa đổi theo đề nghị của Chính phủ.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ phải tiếp tục rà soát để đảm bảo dự án luật này thống nhất với hệ thống pháp luật, đảm bảo tính cụ thể, tính khả thi, tiếp tục đánh giá tác động của 13 nhóm chính sách liên quan đến kinh tế - xã hội, tài chính, ngân sách, tiếp tục phải rà soát các khái niệm, giải thích từ ngữ.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị các cơ quan hữu quan tiếp thu, giải trình, hoàn chỉnh dự án luật này và giao cho Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường thẩm tra chính thức để trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 9./.

Bảo Yến - Nghĩa Đức

Các bài viết khác