Thảo luận tại phiên họp, đa số ý kiến phát biểu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi) như Tờ trình của Chính phủ. Đồng thời nhấn mạnh việc ban hành Luật cần hướng tới thể chế hóa quan điểm, đường lối của Đảng về hoạt động người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; bảo đảm mọi hình thức đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đều được điều chỉnh trong Luật; hỗ trợ và tạo điều kiện thúc đẩy hoạt động người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập, nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho người lao động, đồng thời bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Cổng Thông tin điện tử Quốc hội trân trọng giới thiệu một số hình ảnh tại phiên họp:
Chiều ngày 20/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi).
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng điều hành nội dung làm việc.
Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ trình bày Tờ trình dự án Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi).
Trình bày Báo cáo thẩm tra sơ bộ dự án Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, Thường trực Ủy ban cơ bản tán thành về sự cần thiết, mục tiêu, quan điểm chỉ đạo xây dựng dự án Luật.
Thảo luận tại phiên họp, đa số ý kiến phát biểu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi) như Tờ trình của Chính phủ.
Nhiều ý kiến nhấn mạnh việc ban hành Luật cần hướng tới thể chế hóa quan điểm, đường lối của Đảng về hoạt động người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; bảo đảm mọi hình thức đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đều được điều chỉnh trong Luật.
Bên cạnh đó, việc ban hành Luật cũng cần hỗ trợ và tạo điều kiện thúc đẩy hoạt động người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập, nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho người lao động, đồng thời, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu phát biểu tại phiên họp.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Đức Hải kỳ vọng dự án Luật này cần thúc đẩy chuyển biến về chất trong hoạt động xuất khẩu lao động không chỉ về lợi ích kinh tế trực tiếp mà còn chất lượng, trình độ lao động, người lao động làm việc ở nước ngoài được đào tạo, có kinh nghiệm ở các nước phát triển quay trở về cống hiến cho đất nước.
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng cũng cho rằng cần thay đổi cách tiếp cận về thị trường lao động để có cách quy định phù hợp, đầy đủ đối tượng lao động có thể đi làm việc ở nước ngoài từ lao động chân tay, lao động giản đơn đến lao động trình độ cao.
Nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng dự án Luật này phải gắn việc làm trong nước với làm việc ở nước ngoài để sau khi người lao động hết thời hạn làm việc ở nước ngoài về nước có thể tìm được việc làm việc, tiếp tục chính sách bảo hiểm xã hội.
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển phát biểu tại phiên họp.
Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng nêu rõ, qua nghe trình bày Tờ trình, Báo cáo thẩm tra sơ bộ và thảo luận tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí với sự cần thiết sửa đổi Luật. Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy Hồ sơ dự án Luật đã đủ điều kiện để trình Quốc hội.