ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI THẢO LUẬN VỀ CÁC VẤN ĐỀ CÒN Ý KIẾN KHÁC NHAU CỦA DỰ ÁN LUẬT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT XÂY DỰNG

23/03/2020

Thực hiện chương trình Phiên họp thứ 43, chiều 23/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận về các vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng. Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển điều hành nội dung làm việc.

 

Toàn cảnh Phiên họp

Báo cáo một số nội dung lớn trong tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng nêu rõ: Tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng đã có nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội phát biểu tại các Tổ và tại Hội trường. Sau kỳ họp Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường phối hợp với Ban soạn thảo và các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật theo ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội.

Tại Phiên họp thứ 43 này, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội một số nội dung lớn trong tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật này như sau:

Về tên gọi, phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng của dự thảo Luật và sự thống nhất của hệ thống pháp luật, đa số ý kiến đại biểu Quốc hội tán thành sự cần thiết ban hành Luật cùng với phạm vi điều chỉnh và tên gọi như dự thảo Luật, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường nhất trí với đa số ý kiến đại biểu Quốc hội là tán thành sự cần thiết ban hành Luật cùng với phạm vi điều chỉnh và tên gọi như dự thảo Luật.

Luật Xây dựng hiện hành có hiệu lực từ đầu năm 2015, một số văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật mới được ban hành, việc đánh giá, tổng kết chưa thể đầy đủ, toàn diện. Vì vậy, trước mắt chỉ tập trung sửa đổi, bổ sung những nội dung thuộc 3 nhóm chính sách lớn như Chính phủ đã trình Quốc hội trong Tờ trình số 366/TTr-CP ngày 28/8/2019. Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường và Ban soạn thảo cùng các cơ quan liên quan  đã và sẽ tiếp tục rà soát kỹ các luật liên quan để tránh mâu thuẫn, chồng chéo pháp luật trong việc: sửa đổi, bổ sung quy định về cấp giấy phép xây dựng có thời hạn trong dự thảo Luật cho phù hợp với Luật Đất đai; cân nhắc việc sử dụng hợp lý thuật ngữ “phá dỡ” trong dự thảo Luật này và Luật Nhà ở với thuật ngữ “tháo dỡ” trong Luật Xử lý vi phạm hành chính; sửa đổi, bổ sung quy định về chủ đầu tư, nhà đầu tư trong dự thảo Luật để thống nhất với quy định về nhà đầu tư trong Luật Đầu tư; thống nhất khái niệm về nhà ở riêng lẻ, dự án đầu tư xây dựng nhà ở, dự án đầu tư xây dựng khu đô thị trong dự thảo Luật và Luật Nhà ở...

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng báo cáo một số nội dung

Về quy hoạch xây dựng và cấp phép xây dựng công trình có thời hạn trên đất có quy hoạch chậm triển khai, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường nhận thấy, các nội dung quy định về quy hoạch xây dựng tại Luật Quy hoạch đô thị 2009 và Luật Xây dựng 2014 đã được rà soát, sửa đổi, bổ sung trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 luật có liên quan đến quy hoạch, đảm bảo phù hợp, thống nhất với Luật Quy hoạch; đã làm rõ loại quy hoạch nào thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia, quy hoạch nào là quy hoạch có tính kỹ thuật chuyên ngành; đồng thời, đã quy định cụ thể về điều kiện, trình tự điều chỉnh cục bộ quy hoạch xây dựng nhằm đảm bảo việc triển khai thực hiện phù hợp với quy định tại Luật Quy hoạch. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện có phát sinh vướng mắc liên quan tới việc tổ chức lập và phê duyệt quy hoạch phân khu của khu chức năng . Do đó, quy định này được sửa đổi, bổ sung về thẩm quyền phê duyệt quy hoạch phân khu xây dựng tại Điều 34 như trong dự thảo Luật.

Về phân loại và cấp công trình xây dựng, dự án đầu tư xây dựng, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, trong dự thảo Luật vẫn kế thừa quy định về phân loại, cấp công trình tại Luật hiện hành, nhưng đã loại bỏ một số tiêu chí phân cấp đã được quy định trong quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn kỹ thuật chuyên ngành (về thời hạn sử dụng, vật liệu xây dựng và yêu cầu kỹ thuật). Theo đó, giữ nguyên cách phân cấp công trình theo quy mô, tầm quan trọng và thông số kỹ thuật khác để phục vụ quản lý các hoạt động đầu tư xây dựng; cấp công trình phục vụ thiết kế xây dựng được quy định trong tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; cấp công trình để quản lý các nội dung khác được thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan.

Về dự án đầu tư xây dựng khu đô thị, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường nhận thấy, dự án đầu tư xây dựng khu đô thị có một số đặc thù như: đa dạng về hình thức và mục tiêu, có yêu cầu cao đối với tính đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, sử dụng nguồn lực tài nguyên lớn về đất đai, có tác động lớn đến phát triển kinh tế - xã hội, đời sống của một bộ phận lớn dân cư đô thị, thường triển khai đầu tư xây dựng trong thời gian dài, vừa thi công xây dựng, vừa kinh doanh khai thác... Do vậy, để quản lý, kiểm soát chặt chẽ hơn các vấn đề nêu trên, dự thảo Luật đã bổ sung khái niệm (khoản 15a Điều 3 về giải thích từ ngữ), về hồ sơ, công tác thẩm định dự án và bàn giao công trình (sửa đổi Điều 54, 58 và 124) do đó không phát sinh thủ tục hành chính mới, không thay đổi trách nhiệm của các chủ thể liên quan.

Thảo luận về dự án Luật tại Phiên họp, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao sự đồng thuận cao giữa Cơ quan soạn thảo và Cơ quan thẩm tra trong nhiều nội dung của dự án Luật này, tuy nhiên còn một số vấn đề cần phải được nghiên cứu, rà soát kỹ lưỡng.

Cho ý kiến tại Phiên họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng đề nghị liên quan đến một số quy định về những công trình cấp bách thì cần quan tâm nhiều hơn, vì công trình này có liên quan nhiều thủ tục; đồng thời việc quy định rõ công trình cấp bách là công trình được xây dựng mới hoặc sửa chữa, cải tạo có yêu cầu triển khai theo nhiệm vụ cấp bách theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ trong dự án Luật là hoàn toàn phù hợp.

Phát biểu ý kiến tại Phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đề nghị rà soát rõ, tránh có sự chồng chéo, mâu thuẫn của Luật này đối với một số Luật hiện hành trong hệ thống pháp luật Việt Nam như Luật Quy hoạch đô thị. Ngoài ra cũng phải cân nhắc đối với các vấn đề về cải cách hành chính trong quy hoạch khu phân khu; liên thông đầu mối chủ trì thẩm định thiết kế kỹ thuật về phòng cháy chữa cháy, bảo vệ môi trường.

Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho ý kiến

Phát biểu trong Phiên họp, Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đánh giá cao việc Cơ quan soạn thảo và Cơ quan thẩm tra đã có sự đồng thuận cao, Dự luật lần này giảm bớt các quy định về thủ tục hành chính; lựa chọn được các mô hình quản lý dự án. Tuy nhiên, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng, Dự luật không chỉ quan tâm đến vấn đề xây mới mà cần quan tâm, nghiên cứu thêm đối với các quy định về thiết kế, thi công trong cải tạo sửa chữa xây dựng để có cơ sở thuận tiện khi triển khai trong thực tiễn.

Kết luận nội dung làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghi Cơ quan soạn thảo và Cơ quan thẩm tra tiếp thu ý kiến của các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, hoàn chỉnh dự án Luật để gửi xin ý kiến các đại biểu Quốc hội và sau đó trình ra Quốc hội tại Kỳ họp tới đây./.

Hồ Hương- Nghĩa Đức