Thực hiện Chương trình làm việc Phiên họp thứ 42, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định việc sắp xếp các đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp xã, cấp huyện tại 6 tỉnh, thành phố: Thái Bình, Lào Cai, Khánh Hòa, Hà Nội, Cần Thơ và Cao Bằng.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng
Báo cáo thẩm tra các đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của 6 tỉnh, thành phố trên, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết: Ủy ban Pháp luật cơ bản tán thành với các phương án sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã và phương án sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy và bố trí, sắp xếp đội ngũ cán bộ, công chức trong hệ thống chính trị, những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã của các tỉnh, thành phố như đã nêu trong các Đề án của Chính phủ.
Tỉnh Thái Bình không có ĐVHC cấp huyện nào thuộc diện phải sắp xếp
Theo Tờ trình và Đề án của Chính phủ, trong giai đoạn 2019 - 2021, tỉnh Thái Bình không có ĐVHC cấp huyện nào thuộc diện phải sắp xếp.
Đối với cấp xã, tỉnh Thái Bình có 39/286 đơn vị thuộc diện phải sắp xếp, tỉnh đã dự kiến sắp xếp 47 đơn vị (chiếm 16,43%). Sau khi sắp xếp, tỉnh Thái Bình giảm 26 ĐVHC cấp xã, từ 286 đơn vị giảm xuống còn 260 đơn vị, gồm 241 xã, 10 phường và 09 thị trấn.
Ủy ban Pháp luật cơ bản tán thành với phương án sắp xếp các ĐVHC cấp xã của tỉnh Thái Bình như Chính phủ trình. Đối với đề nghị chưa thực hiện sắp xếp 06 ĐVHC cấp xã do có các yếu tố đặc thù theo quy định tại khoản 3 Điều 2 của Nghị quyết số 653 và chưa có sự đồng thuận của cử tri, Ủy ban Pháp luật đề nghị ghi nhận để tổng hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền quyết định việc sắp xếp trong giai đoạn sau.
Tại phiên họp thẩm tra, Ủy ban Pháp luật đề nghị Chính phủ, chính quyền tỉnh Thái Bình giải trình, làm rõ hơn lý do sau khi nhập xã Thái Hà vào xã Thái Sơn nhưng không thể nhập thêm xã Thái Phúc liền kề để bảo đảm tiêu chuẩn theo quy định và quan tâm, tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động, thuyết phục người dân chấp hành nghiêm túc chủ trương của Đảng và quy định của pháp luật về sắp xếp ĐVHC.
Dự kiến tỉnh Lào Cai giảm 10 ĐVHC cấp xã
Về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thuộc tỉnh Lào Cai trong giai đoạn 2019 – 2021, theo Tờ trình và Đề án của Chính phủ, trong giai đoạn 2019 – 2021, tỉnh Lào Cai có 01/09 ĐVHC cấp huyện thuộc diện bắt buộc phải sắp xếp (huyện Si Ma Cai) nhưng đề nghị chưa sắp xếp vì Si Ma Cai là huyện biên giới, vùng cao, có vai trò trọng yếu về quốc phòng, an ninh, có vị trí địa lý biệt lập, điều kiện giao thông kết nối, đi lại với các huyện xung quanh rất khó khăn; đồng thời còn có nhiều đặc điểm đặc thù, khác biệt về dân tộc, tôn giáo, văn hóa, phong tục tập quán nên không thể sắp xếp với ĐVHC liền kề liên quan.
Đối với cấp xã, tỉnh Lào Cai có 14/164 đơn vị thuộc diện bắt buộc sắp xếp, tỉnh dự kiến sắp xếp 19/164 đơn vị (chiếm 11,58%). Sau khi sắp xếp, tỉnh Lào Cai giảm 10 ĐVHC cấp xã, từ 164 đơn vị xuống còn 154 đơn vị.
Ủy ban Pháp luật cơ bản tán thành với phương án sắp xếp các ĐVHC cấp xã của tỉnh Lào Cai theo Tờ trình và Đề án của Chính phủ. Tuy nhiên, một số ý kiến thành viên Ủy ban Pháp luật đề nghị Chính phủ và tỉnh Lào Cai báo cáo, cung cấp thêm các thông tin, số liệu để làm rõ hơn lý do không thể tiếp tục sắp xếp xã Ngải Thầu với xã A Mú Sung hoặc xã Ngải Thầu với xã Nậm Chạc thuộc huyện Bát Xát vì các lý do giải trình trong Đề án còn chung chung, chưa cụ thể.
Về việc thành lập, mở rộng địa giới hành chính một số thị trấn trên địa bàn tỉnh Lào Cai
Về việc thành lập thị trấn Si Ma Cai thuộc huyện Si Ma Cai, qua xem xét hồ sơ Đề án, Ủy ban Pháp luật nhận thấy xã Si Ma Cai đã bảo đảm các tiêu chuẩn và điều kiện để thành lập thị trấn theo quy định.
Về việc điều chỉnh địa giới hành chính xã Bản Qua để mở rộng thị trấn Bát Xát thuộc huyện Bát Xát và điều chỉnh địa giới hành chính xã Xuân Giao để mở rộng thị trấn Tằng Loỏng thuộc huyện Bảo Thắng, qua xem xét hồ sơ Đề án, Ủy ban Pháp luật nhận thấy, sau khi điều chỉnh địa giới hành chính thì xã Bản Qua, xã Xuân Giao, khu vực thị trấn Bát Xát mở rộng và khu vực thị trấn Tằng Loỏng mở rộng đều chưa bảo đảm 100% các tiêu chuẩn theo quy định.
Tuy nhiên, theo quy định tại khoản 3 Điều 31 của Nghị quyết số 1211 thì việc nhập, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính mà không làm tăng đơn vị hành chính thì không áp dụng quy định về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính. Vì vậy, Ủy ban Pháp luật cơ bản tán thành với việc mở rộng địa giới hành chính thị trấn Bát Xát và thị trấn Tằng Loỏng nhưng đề nghị Chính phủ, chính quyền tỉnh Lào Cai lý giải thuyết phục hơn về phương án, lộ trình sắp xếp trong giai đoạn 2022 - 2030 và các biện pháp, giải pháp để khắc phục tiêu chí còn thiếu đối với các ĐVHC chưa bảo đảm tiêu chuẩn theo quy định.
Những vấn đề này đã được UBND tỉnh Lào Cai báo cáo, giải trình làm rõ tại tại Báo cáo số 40/BC-UBND ngày 06/02/2020; Chính phủ cũng đã có báo cáo số 46/BC-CP ngày 07/02/2020 giải trình, tiếp thu các ý kiến thẩm tra của Ủy ban Pháp luật. Ủy ban Pháp luật nhất trí với những nội dung giải trình của Chính phủ và tỉnh Lào Cai.
Phiên họp thứ 42 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Về việc điều chỉnh địa giới hành chính để mở rộng thành phố Lào Cai và điều chỉnh địa giới hành chính một số phường, xã thuộc thành phố Lào Cai, qua xem xét hồ sơ Đề án, Ủy ban Pháp luật nhận thấy, thành phố Lào Cai sau khi điều chỉnh địa giới hành chính và sắp xếp ĐVHC cấp xã thì chưa đạt tiêu chuẩn về quy mô dân số và tỷ lệ số phường trực thuộc. Vì vậy, một số ý kiến thành viên Ủy ban Pháp luật đề nghị Chính phủ, chính quyền tỉnh Lào Cai lý giải thuyết phục hơn về việc điều chỉnh địa giới ĐVHC, định hướng, giải pháp và cam kết đầu tư để thành phố Lào Cai bảo đảm tiêu chuẩn về quy mô dân số và tỷ lệ số phường trên tổng số ĐVHC cấp xã trực thuộc và lộ trình sắp xếp các ĐVHC chưa đạt tiêu chuẩn trong giai đoạn 2022 - 2030.
Về vấn đề này, Chính phủ và UBND tỉnh Lào Cai đã có báo cáo giải trình, làm rõ. Qua xem xét, Ủy ban Pháp luật thấy rằng, việc quy hoạch, xây dựng đề án điều chỉnh địa giới hành chính để mở rộng thành phố Lào Cai đã được Đảng bộ, chính quyền của tỉnh Lào Cai xây dựng từ giai đoạn 2011 - 2015.
Trong quá trình xây dựng Đề án, Chính phủ và tỉnh Lào Cai đã có sự cân nhắc kỹ về vị trí địa lý, yêu cầu bảo đảm về quốc phòng - an ninh, phù hợp quy hoạch, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Theo đó, thành phố Lào Cai là trung tâm hành chính, chính trị, kinh tế, văn hóa và khoa học kỹ thuật, dịch vụ thương mại, du lịch của tỉnh Lào Cai; là đô thị gắn với cửa khẩu quốc tế quan trọng, đầu mối giao thông quan trọng của quốc gia và giao thương quốc tế, có vai trò tiên phong trong việc thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của vùng Tây Bắc. Hơn nữa, thành phố Lào Cai là địa bàn trọng yếu về an ninh quốc phòng, góp phần giữ vững ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội và chủ quyền quốc gia. Đây là thành phố tỉnh lỵ duy nhất trên cả nước có đường biên giới trên đất liền.
Mặt khác, trong quá trình thực hiện điều chỉnh địa giới hành chính để mở rộng thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai đã chủ động sắp xếp, sáp nhập 02 phường để giảm được 01 đơn vị trong tổng số ĐVHC cấp xã của tỉnh nên theo quy định tại khoản 2 Điều 3 của Nghị quyết số 653 thì không xem xét tiêu chuẩn về ĐVHC trực thuộc đối với thành phố hoặc thị xã dự kiến hình thành sau khi sắp xếp.
Ngoài ra, theo Đề án và Báo cáo giải trình của Chính phủ thì tỉnh Lào Cai đã có quy hoạch và lộ trình để sớm nâng cấp xã Đồng Tuyển và xã Vạn Hòa thành phường thuộc thành phố Lào Cai, qua đó sẽ giúp thành phố Lào Cai bảo đảm tiêu chí về tỷ lệ số phường trên tổng số ĐVHC cấp xã theo quy định. Vì vậy, đa số ý kiến thành viên Ủy ban Pháp luật tán thành việc mở rộng địa giới hành chính thành phố Lào Cai với những nội dung như đã nêu trong Đề án và Báo cáo giải trình của Chính phủ.
Tỉnh Khánh Hòa có 03 đơn vị thuộc diện bắt buộc phải sắp xếp
Theo Tờ trình và Đề án của Chính phủ, tỉnh Khánh Hòa có 01/09 ĐVHC cấp huyện thuộc diện bắt buộc phải sắp xếp (huyện Khánh Sơn) nhưng đề nghị không sắp xếp vì lý do đặc thù về vị trí địa lý, quốc phòng, an ninh, truyền thống lịch sử, văn hóa, tín ngưỡng, phong tục, tập quán, điều kiện kinh tế - xã hội…
Đối với cấp xã, tỉnh Khánh Hòa có 03 đơn vị thuộc diện bắt buộc phải sắp xếp. Tỉnh dự kiến sắp xếp tổng số 02/140 ĐVHC cấp xã (chiếm 1,43%) và đề nghị chưa sắp xếp xã Cam Lập thuộc thành phố Cam Ranh. Sau khi sắp xếp, tỉnh Khánh Hòa giảm 01 ĐVHC cấp xã, từ 140 đơn vị xuống còn 139 đơn vị.
Qua thảo luận, Ủy ban Pháp luật cơ bản tán thành với nội dung Đề án sắp xếp các ĐVHC cấp huyện, cấp xã của tỉnh Khánh Hòa như Chính phủ trình.
Cần Thơ không có ĐVHC cấp huyện thuộc diện sắp xếp
Theo Tờ trình và Đề án của Chính phủ, thành phố Cần Thơ không có ĐVHC cấp huyện thuộc diện sắp xếp trong giai đoạn 2019 - 2021. Đối với cấp xã, thành phố Cần Thơ có 02/85 đơn vị thuộc diện phải sắp xếp, dự kiến sắp xếp tổng số 03/85 đơn vị. Sau khi sắp xếp, thành phố Cần Thơ giảm được 02 ĐVHC cấp xã, từ 85 đơn vị xuống còn 83 đơn vị.
Qua thảo luận, Ủy ban Pháp luật cơ bản tán thành với nội dung Đề án sắp xếp các ĐVHC cấp huyện, cấp xã của thành phố Cần Thơ như Chính phủ trình.
Chưa sắp xếp đối với 05 ĐVHC cấp xã của Hà Nội
Theo Tờ trình và Đề án của Chính phủ, thành phố Hà Nội không có ĐVHC cấp huyện thuộc diện sắp xếp trong giai đoạn 2019 - 2021. Đối với cấp xã, thành phố Hà Nội có 12/584 đơn vị thuộc diện bắt buộc sắp xếp, dự kiến sắp xếp tổng số 10/584 đơn vị (chiếm 1,2%). Sau khi sắp xếp, thành phố Hà Nội giảm 05 ĐVHC cấp xã, từ 584 đơn vị xuống còn 579 đơn vị.
Qua thảo luận, Ủy ban Pháp luật cơ bản tán thành với việc sắp xếp ĐVHC cấp xã của thành phố Hà Nội như trong Đề án do Chính phủ trình. Tuy nhiên, có ý kiến thành viên Ủy ban Pháp luật cho rằng, một số lý do đề nghị chưa sắp xếp đối với 05 ĐVHC cấp xã chưa thật thuyết phục như phường Hàng Đào, phường Hàng Bạc, xã Vân Hà, xã Mỹ Thành…
Ngoài ra, cả 05 ĐVHC cấp xã hình thành sau sắp xếp của thành phố Hà Nội đều chưa đạt 100% cả 02 tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số theo quy định. Vì vậy, Ủy ban Pháp luật đã đề nghị Chính phủ và chính quyền thành phố Hà Nội giải trình thêm về những nội dung nêu trên.
Về Đề án của tỉnh Cao Bằng
Thực hiện Kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp thứ 41 (tháng 01/2020), ngày 01/02/2020, Chính phủ đã có Báo cáo số 39/BC-CP về một số nội dung liên quan đến phương án sáp nhập huyện Trà Lĩnh với huyện Trùng Khánh và huyện Phục Hòa với huyện Quảng Uyên, tỉnh Cao Bằng trong giai đoạn 2019 - 2021.
Chính phủ, cấp ủy và chính quyền địa phương tỉnh Cao Bằng khẳng định đã có sự cân nhắc thận trọng, khách quan, toàn diện và kỹ lưỡng các yếu tố về truyền thống văn hóa, lịch sử, yêu cầu bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội cũng như những đặc điểm về điều kiện tự nhiên của các ĐVHC trước khi trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.
Việc sắp xếp các ĐVHC cấp huyện, cấp xã thuộc tỉnh Cao Bằng hoàn toàn phù hợp với chủ trương của Đảng, Nghị quyết số 653/2019/UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, bảo đảm đúng quy trình, thủ tục theo quy định.
Trên cơ sở xem xét các báo cáo, tài liệu có liên quan, Ủy ban Pháp luật đánh giá cao sự khẩn trương của Chính phủ trong việc thực hiện Kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tinh thần trách nhiệm và sự nỗ lực, quyết tâm rất lớn của cấp ủy, chính quyền và cả hệ thống chính trị tỉnh Cao Bằng trong việc thực hiện chủ trương của Đảng về sắp xếp ĐVHC để tinh gọn bộ máy, giảm biên chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động.
Qua thảo luận, một số ý kiến thành viên Ủy ban Pháp luật đã đề nghị Chính phủ báo cáo thêm về việc tham khảo, lấy ý kiến của các cơ quan chuyên môn trong việc bảo đảm yêu cầu về quốc phòng, an ninh trên địa bàn và làm rõ yếu tố đặc thù về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên của việc nhập các cặp huyện này như Kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để thấy được những thuận lợi, những nét tương đồng cũng như những khó khăn khi thực hiện sắp xếp ĐVHC./.