Bộ Trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long giải trình tại phiên họp
Phát biểu giải trình làm rõ một số vấn đề tại phiên họp, Bộ Trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, liên quan đến ranh giới giữa xử phạt hành chính và hình sự, khi nói đến quan hệ giữa hình sự và hành chính thì một trong những quan điểm cơ bản là chúng ta phải xác định xem điểm chung và điểm riêng giữa hình sự và hành chính là ở đâu. Qua nghiên cứu, chúng ta thấy nó có một số điểm chung về đối tượng điều chỉnh. Các quy định về xử phạt vi phạm hành chính và các chế tài hành chính cũng như hình sự đều phải được quy định trong pháp luật hành chính và pháp luật hình sự. Đối tượng, chủ thể thi hành của hành chính và hình sự đều là cá nhân và tổ chức, pháp nhân. Còn khách thể bị xâm phạm ở đây có thể là các trật tự xã hội, quyền và nghĩa vụ của các đối tượng khác ngoài xã hội.
Tuy nhiên, khi xem xét đến điểm riêng và đặc thù, Bộ Trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, có một điểm cơ bản mà từ gốc chúng ta cần phải xác định rõ, đó là mức độ nguy hiểm của hành vi tạo ra. Từ trước đến nay chúng ta tiếp cận theo hướng hành chính nhẹ hơn hình sự về mức độ.
Bộ Trưởng Lê Thành Long cho biết, qua rà soát cho thấy hiện còn một số tội phạm quy định đang đan xen giữa hành chính và hình sự. Cụ thể là mức phạt tối đa của một số vi phạm hành chính cao hơn mức phạt tối thiểu của hình sự. Như vậy, ranh giới giữa hai bên chúng ta chưa xử lý dứt điểm được, nhưng chúng ta vẫn phải đi theo cách tiếp cận này. Bởi tính nghiêm khắc của xử phạt hình sự không chỉ thể hiện ở mức phạt thấp hay cao, nếu so với hình sự nó còn các yếu tố khác liên quan đến quy trình tố tụng, hậu quả pháp lý sau này. Nếu xử lý hình sự thì án tích, quy trình hình sự là một quy trình ảnh hưởng đến nhân thân con người một cách trực diện và lâu dài. Bên cạnh đó, phạt tiền hành chính tối đa không phải lúc nào cũng áp dụng mà đấy là mức trần. Còn phải căn cứ vào mức độ nguy hiểm của hành vi để phạt, khung cũng tương đối rộng. Tương tự như vậy thì không phải trong chế tài hình sự lúc nào chúng ta cũng áp dụng đúng mức thấp nhất. Như vậy, mức phạt căn cứ vào tùy trường hợp. Và một yếu tố rất quan trọng là phụ thuộc vào quyền tự quyết, mức độ khách quan và tính nghiêm túc của các cán bộ trực tiếp làm công tác này.
Liên quan đến mức phạt 200.000 đồng đối với hành vi quấy rối tình dục trong thang máy được dư luận lên tiếng vừa qua, Bộ Trưởng Lê Thành Long cho biết, Chính phủ đã có chỉ đạo Bộ Công an xem xét để sửa Nghị định 167/ /2013/NĐ-CP theo hướng tăng mức phạt lên.
Đối với vấn đề về quy định “ngừng cung cấp điện, nước” như một biện pháp cưỡng chế, Bộ Trưởng Lê Thành Long cho biết, Bộ Tư pháp sẽ tham mưu cho Chính phủ để có văn bản, đưa ra các số liệu đầy đủ hơn, kể cả về đánh giá định tính cũng như về định lượng. Chính phủ cũng đã rất cân nhắc khi bổ sung 2 biện pháp này vào với tư cách là biện pháp bổ sung để cưỡng chế thực hiện các quyết định xử phạt, xử lý vi phạm hành chính./.