ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI CHO Ý KIẾN VỀ BÁO CÁO KẾT QUẢ GIÁM SÁT VIỆC GIẢI QUYẾT, TRẢ LỜI KIẾN NGHỊ CỦA CỬ TRI GỬI ĐẾN KỲ HỌP THỨ 7 QUỐC HỘI KHÓA XIV

14/10/2019

Sáng ngày 14/10, thực hiện chương trình Phiên họp thứ 38, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Báo cáo Kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV của Ban Dân nguyện.

Giải quyết 98,97% kiến nghị cử tri

Theo Báo cáo của Ban Dân nguyện, thông qua các cuộc tiếp xúc cử tri, đã tổng hợp được 2.251 kiến nghị. Qua phân loại, lọc kiến nghị trùng còn 2.224 kiến nghị liên quan đến hoạt động của Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan tư pháp…  Đến nay 2.201 kiến nghị đã được giải quyết, trả lời (đạt 98,97% ). Các lĩnh vực nhận được nhiều sự quan tâm của cử tri là lĩnh vực tài nguyên và môi trường; giáo dục và đào tạo; giao thông vận tải; lao động, thương binh và xã hội…

Toàn cảnh phiên họp

Về hoạt động của Quốc hội có 51 kiến nghị (chiếm 2,29% tổng số), Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải cho biết, nhìn chung, cử tri đều cho rằng hoạt động của Quốc hội thời gian qua có nhiều cải tiến, đổi mới thiết thực và hiệu quả đáp ứng yêu cầu thực tiễn và nguyện vọng của cử tri. Nhiều vấn đề cử tri quan tâm đều được các ĐBQH  tiếp thu và phản ánh tại các phiên thảo luận, chất vấn ở Quốc hội. Cử tri thường xuyên theo dõi và đánh giá cao chất lượng các phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), thảo luận các dự án luật, các giám sát chuyên đề thẳng thắn, vừa mang tính phản biện cao, vùa mang tính xây dựng đảm bảo chuẩn bị nội dung tốt nhất phục vụ kỳ họp của Quốc hội. Ngoài ra, cử tri cũng rất quan tâm tới chất lượng, nội dung và tiến độ xây dựng đối với nhiều dự thảo luật, gửi góp ý trực tiếp đối với 13 Luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 7, trong đó các Luật Giáo dục (sửa đổi), Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia, Bộ luật Lao động,… nhận được nhiều ý kiến đóng góp, nhiều ý kiến đã được tiếp thu đưa vào nội dung của các Luật.

Về công tác điều hành của Chính phủ có 2.127 kiến nghị (chiếm95,64% tổng số kiến nghị), trong đó có 1.745 kiến nghị đã được giải trình, cung cấp thông tin tới cử tri (chiếm 82,90%); 113 kiến nghị đã được tiếp thu và giải quyết xong; 247 kiến nghị đang giải quyết, đó là các kiến nghị liên quan đến sửa đổi, bổ sung 91 văn bản quy phạm pháp luật cần thời gian để tổng kết, đánh giá hoặc cần kinh phí để giải quyết, như nâng cấp, xây dựng một số tuyến quốc lộ; đầu tư cơ sở hạ tầng; chế độ chính sách đối với người có công,...hiện đã có 212/247 kiến nghị trả lời nêu rõ thời hạn dự kiến giải quyết xong (tăng 10% so với kỳ trước)

Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải cho biết, các Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đều cho rằng các Bộ, ngành, các cơ quan đơn vị đều rất nghiêm túc, tích cực trả lời cử tri, nhìn chung đáp ứng yêu cầu về chất lượng và thời hạn trả lời, hầu hết các Bộ trưởng đều trực tiếp xem xét, giải quyết, ký văn bản trả lời và công khai trên cổng thông tin điện tử, qua đó cử tri, các ĐBQH có thể trực tiếp giám sát, các cơ quan báo chí có thể kịp thời tuyên truyền tới cử tri...  Một số kiến nghị liên quan đến nhu cầu cấp thiết của người dânđã được giải quyết kịp thời; một số nhóm vấn đề lớn mà người dân phản ánh cũng được quan tâm tìm giải pháp tháo gỡ, bước đầu có chuyển biến, như: vấn đề “tham nhũng vặt”; việc tiếp công dân; việc dạy thêm, học thêm; vấn đề rà soát, sửa đổi một số văn bản xử phạt vi phạm hành chính…

Về hoạt động của các cơ quan tư pháp có 36 kiến nghị (chiếm1,62% tổng số kiến nghị) liên quan đến một số vấn đề như xét xử công khai những vụ án ma túy; xem xét, giải quyết kịp thời đơn kêu oan của phạm nhân; tiếp tục rà soát, sửa đổi, các văn bản hướng dẫn thi hành Bộ luật Hình sự, Tố tụng Hình sự... Toàn bộ kiến nghị đã được Tòa án nhân dân tối cao , Viện kiểm sát nhân dân tối cao xem xét, trả lời. Tại kỳ họp trước, cử tri phản ánh việc xét xử tội phạm xâm hại trẻ em và gian lận bảo hiểm gặp nhiều vướng mắc về trình tự, thủ tục tố tụng, nhận thấy đây là một vấn đề được cử tri đặc biệt quan tâm, Tòa án nhân dân tối cao đã khẩn trương xây dựng dự thảo văn bản hướng dẫn, tổ chức nhiều hội nghị khoa học lấy ý kiến rộng rãi, đến 20/09 vừa qua Hội đồng Thẩm phán tối cao đã ban hành 02 Nghị quyết về các vấn đề nêu trên kịp thời tháo gỡ vướng mắc, bảo đảm tính thống nhất, nghiêm minh của pháp luật khi xét xử các vụ việc về xâm hại trẻ em và gian lận bảo hiểm xã hội, y tế.

Làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm trong việc trả lời không đúng, không đủ các kiến nghị của cử tri

Tuy nhiên, một số văn bản trả lời cử tri vẫn còn bất cập, chưa có đủ thông tin để đại biểu Quốc hội trả lời cử tri. Việc phối hợp giữa các Bộ, ngành, trong giải quyết kiến nghị cử tri  chưa chặt chẽ, dẫn đến một số kiến nghị chưa rõ trách nhiệm do cơ quan nào chủ trì giải quyết. Một số kiến nghị chưa được giải quyết do một số Bộ chậm ban hành văn bản hướng dẫnhoặc chậm triển khai các quy định của pháp luật. Một số kiến nghị đã được các Bộ ngành tiếp thu, mặc dù đã triển khai nhiều biện pháp thực hiện nhưng chuyển biến còn chậm nên cử tri vẫn bức xúc, tiếp tục có kiến nghị.

Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải trình bày Báo cáo

Để khắc phục những hạn chế này, Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải đề nghị Chính phủ chú trọng chỉ đạo công tác phối hợp giữa các Bộ ngành trong giải quyết các kiến nghị liên quan đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực; các kiến nghị liên quan đến chế độ chính sách của một số đông lao động; liên quan đến nhiều địa phương…  Đối với các Bộ, đề nghị chú trọng 03 nhóm vấn đề: Bộ Y tế nghiên cứu lộ trình tổ chức khám chữa bệnh cho người có thẻ Bảo hiểm y tế vào tất cả các ngày trong tuần; Bộ Giao thông vận tải hoàn thiện, trình Chính phủ ban hành Nghị định thay thế Nghị định số 86/2014/NĐ-CP quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô;  Bộ Giáo dục và Đào tạo làm rõ về trách nhiệm quản lý Nhà nước của Bộ trong việc xảy ra vụ gian lận thi cử năm 2018.

Thảo luận tại phiên họp, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao Báo cáo của Ban Dân nguyện về nội dung giám sát việc giải quyết, trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV với những kết quả cụ thể đã đạt được. Tuy nhiên, các đại biểu cho rằng công tác giải quyết kiến nghị của cử tri cũng còn một số hạn chế. Cụ thể là 04 nhóm tồn tại, hạn chế mà Ban Dân nguyện đã nêu, nhất là tình trạng trả lời chung chung, dưới dạng cung cấp thông tin, trả lời không gắn với việc giải quyết, cá biệt có nội dung trả lời chưa đúng, trả lời chậm, trả lời cho xong; tỷ lệ kiến nghị giải quyết xong còn thấp; các kiến nghị đang trong quá trình xem xét giải quyết cũng còn nhiều; nhiều kiến nghị tồn đọng qua nhiều năm, nhiều kỳ họp chưa được xử lý dứt điểm. Các đại biểu cho rằng, đây là những vấn đề cần phải tiếp tục quan tâm và giám sát.

Chủ nhiệm uỷ ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định phát biểu tại phiên họp

Góp ý về Báo cáo của Ban Dân nguyện, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cho rằng, nội dung của Báo cáo so với các năm trước có nhiều đổi mới. Tuy nhiên, theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, Báo cáo khi trình ra Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần càng chi tiết, cụ thể càng tốt, nhưng khi trình ra Quốc hội thì cần phải khái quát lại.

Phát biểu kết luận nội dung Báo cáo Kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV của Ban Dân nguyện, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ đề nghị cần phải nghiên cứu làm rõ thêm nguyên nhân, trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị trong việc trả lời không đúng, không đầy đủ các ý kiến kiến nghị của cử tri; đồng thời xem xét việc trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri đã đến được với cử tri chưa; đánh giá chất lượng trả lời qua việc phản hồi ý kiến cử tri, hiệu quả thực tế của việc trả lời các ý kiến, kiến nghị cử tri, của các bộ, ngành. Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cho rằng, cần rà soát lại các kiến nghị để đảm bảo tính thống nhất, phù hợp; các ý kiến liên quan đến các chính sách pháp luật, chính sách vĩ mô cũng cần được phân loại và chỉ rõ lộ trình xử lý.

Trên cơ sở nội dung thảo luận tại phiên họp hôm nay, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ đề nghị Ban Dân nguyện tiếp thu đầy đủ các ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để hoàn chỉnh báo cáo; chú ý rà soát thật kỹ về kỹ thuật văn bản, câu từ, nhất là các đánh giá, nhận định, bảo đảm nội dung ngắn gọn, thể hiện một cách khách quan. Sau khi hoàn chỉnh, đây sẽ trở thành báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình trước Quốc hội./.

Thu Phương – Trọng Quỳnh