Bộ trưởng Bộ Xây dựng báo cáo một số nội dung tại Phiên họp
Trong Hồ sơ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp 37, Cơ quan soạn thảo đã xác định rõ mục tiêu lồng ghép bình đẳng giới trong dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng. Theo đó, căn cứ vào đối tượng, phạm vi điều chỉnh của dự án Luật, việc lồng ghép giới trong quá trình xây dựng dự án Luật nhằm hướng tới các mục tiêu: Bảo đảm dự án Luật đáp ứng nguyên tắc cơ bản về bình đẳng giới trong việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật theo quy định tại Điều 20 Luật Bình đẳng giới năm 2006; Tạo cơ hội pháp lý để mọi cá nhân (không phân biệt nam, nữ, trẻ em hay người khuyết tật…) được bình đẳng trong việc áp dụng pháp luật; Khắc phục một số bất cập, tồn tại của hệ thống pháp luật, góp phần thúc đẩy tiến trình bảo đảm bình đẳng giới thực chất giữa nam và nữ, bảo đảm bình đẳng với người khuyết tật, trẻ em, nhóm người yếu thế trong xã hội.
Các nội dung lồng ghép bình đẳng giới tại dự án Luật cụ thể như: Lồng ghép vấn đề giới trong nguyên tắc hoạt động đầu tư xây dựng, Khoản 3 Điều 1 dự án Luật (sửa đổi, bổ sung Điều 4 Luật Xây dựng năm 2014) đã xác định một trong những nguyên tắc cơ bản trong hoạt động đầu tư xây dựng đó là việc đầu tư xây dựng, thiết kế, thi công xây dựng phải bảo đảm các yếu tố giới, bảo đảm an toàn sinh mạng, sức khỏe con người, hướng tới xây dựng công trình xanh đem lại lợi ích cho người dân. Trong việc xây dựng các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật xây dựng công trình, thiết kế, thi công xây dựng công trình cần tính toán đến sự khác biệt của mỗi giới, yếu tố đặc thù của nhóm đối tượng yếu thế trong xã hội (người khuyết tật, trẻ em…) để đưa ra các giải pháp phù hợp bảo đảm nhu cầu sử dụng thuận lợi, bảo đảm an toàn sinh mạng, sức khỏe của người sử dụng công trình. Điều này là yếu tố rất quan trọng trong việc bảo đảm chất lượng, hiệu quả của công trình xây dựng. Dự án Luật đã đưa ra nguyên tắc, tạo cơ sở pháp lý cho việc triển khai thực hiện các văn bản dưới Luật, nhằm bảo đảm yếu tố bình đẳng giới.
Lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong thẩm định dự án, thẩm định thiết kế xây dựng công trình, Khoản 12 Điều 1 dự án Luật (sửa đổi, bổ sung Điều 56 Luật Xây dựng năm 2014), khoản 24, khoản 25 Điều 1 dự án Luật (sửa đổi, bổ sung Điều 83, bổ sung Điều 83a Luật Xây dựng năm 2014) đã xác định một trong các đối tượng dự án phải được cơ quan chuyên môn về xây dựng thẩm định là “dự án, công trình có quy mô lớn hoặc có ảnh hưởng lớn đến an toàn, lợi ích cộng đồng”. Các dự án có quy mô lớn, dự án xây dựng tại các khu vực đông dân cư, có các yếu tố ảnh hưởng đến an toàn và lợi ích cộng đồng là những dự án cần phải có sự kiểm soát của cơ quan quản lý nhà nước để bảo đảm lợi ích chung của xã hội, an toàn của mọi người dân, trong đó, phụ nữ, trẻ em, người già, người khuyết tật là những đối tượng chịu ảnh hưởng nhiều hơn do hạn chế khả năng đối phó với các nguy cơ sự cố công trình xây dựng hơn so với nam giới, người khỏe mạnh. Khoản 13, khoản 14 Điều 1 dự án Luật (sửa đổi, bổ sung Điều 57, Điều 58 Luật Xây dựng năm 2014) đã quy định rõ nội dung thẩm định dự án đầu tư xây dựng, trong đó, cần đánh giá về việc lựa chọn giải pháp thiết kế phù hợp chủ trương đầu tư, nhiệm vụ thiết kế được phê duyệt, danh mục quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật áp dụng, các giải pháp bảo vệ môi trường, phòng chống cháy nổ, đánh giá sự đáp ứng yêu cầu của thiết kế bản vẽ thi công về bảo đảm an toàn công trình và biện pháp bảo đảm an toàn công trình lân cận… Khoản 24, khoản 25 Điều 1 dự án Luật (sửa đổi, bổ sung Điều 83, bổ sung Điều 83a Luật Xây dựng năm 2014) đã quy định rõ nội dung thẩm định thiết kế xây dựng, trong đó, cần đánh giá về bảo đảm an toàn công trình, sự tuân thủ quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật bắt buộc áp dụng trong thiết kế, các yêu cầu về phòng chống cháy nổ, bảo vệ môi trường…
Bên cạnh đó, các giải pháp thiết kế, quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật về xây dựng đều phải tính toán đến yếu tố giới, bảo đảm an toàn về tính mạng, sức khỏe con người; đặc biệt đối với những công trình xây dựng mang tính đặc thù như trường mầm non, trường tiểu học với đối tượng sử dụng chủ yếu là trẻ em; nhà vệ sinh cho nữ, cho người khuyết tật có thể sử dụng tại các công trình cao tầng, trung tâm thương mại… Hiện nay, trong các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật về xây dựng đã có các quy định nhằm bảo đảm bình đẳng giới, lợi ích cho trẻ em, người khuyết tật như: Thông tư số 21/2014/TT-BXD ngày 29/12/2014 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về xây dựng công trình đảm bảo người khuyết tật tiếp cận sử dụng; Quyết định số 09/2008/QĐ-BXD ngày 06/6/2008 của Bộ Xây dựng về việc ban hành Quy chuẩn xây dựng Việt Nam “Nhà ở và công trình công cộng – An toàn sinh mạng và sức khỏe”, các tiêu chuẩn kỹ thuật xây dựng trường mầm non, trường tiểu học…Trong quá trình thẩm định dự án, thẩm định thiết kế xây dựng đều phải xem xét các yếu tố nêu trên để bảo đảm lợi ích, bình đẳng cho người sử dụng công trình.
Để các yếu tố bình đẳng giới được thực hiện đầy đủ trong các hoạt động xây dựng khi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng được thông qua, Cơ quan soạn thảo kiến nghị Chính phủ, Bộ Xây dựng, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cần đảm bảo các văn bản dưới Luật hướng dẫn cụ thể thực hiện các chỉ tiêu vấn đề bình đẳng giới; Các Bộ, ngành; các cấp địa phương (đặc biệt tại các thành phố lớn đông dân cư) cần lên kế hoạch cụ thể nhằm phổ biến sâu, rộng cho các cấp, các đối tượng các nội dung phù hợp trong việc triển khai thực hiện Luật đi vào đời sống thực tế và hiệu quả; Kiến nghị kịp thời các vấn đề cần quy định chi tiết và triển khai cụ thể nội dung Luật trong việc tác động đến bình đẳng giới; Xây dựng kế hoạch kiểm tra việc thực hiện quy định của Luật và văn bản hướng dẫn Luật được thực hiện đúng, đồng bộ. Định kỳ có sơ kết, tổng kết đánh giá từng tiêu chí trong việc triển khai thực hiện Luật, trong đó chú trọng đến tiêu chí đảm bảo việc thực hiện bình đẳng giới trong Luật, tổng kết rút kinh nghiệm cho những đơn vị, địa phương làm tốt và chưa tốt, qua đó nhân rộng điển hình thực hiện tốt, hiệu quả; tìm nguyên nhân tích cực và tiêu cực để có giải pháp thích hợp khắc phục và phát huy trong từng giai đoạn.
Ngoài ra, để việc lồng ghép giới trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng đạt được hiệu quả cao, Cơ quan soạn thảo đề nghị cần tăng cường công tác tuyên truyền về bình đẳng giới trong hoạt động xây dựng đến người dân, phụ nữ thông qua hệ thống thông tin truyền thông, cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng; xuất bản những tài liệu hướng dẫn về quyền của giới nữ trong xây dựng, các tài liệu hướng dẫn hành nghề xây dựng. Đồng thời cần coi trọng công tác giám sát việc thực hiện bình đẳng giới trong các hoạt động đầu tư xây dựng tại các đoàn công tác của Quốc hội, Chính phủ và các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các cấp phù hợp với quy định của Luật./.