Toàn cảnh phiên họp
Tại phiên họp, sau khi nghe Bộ trưởng Bộ Tài Chính Đinh Tiến Dũng trình bày Tờ trình dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về xử lý tiền thuế nợ đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính- Ngân sách về dự thảo Nghị quyết này.
Trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- Ngân sách Nguyễn Đức Hải cho biết, Thường trực Ủy ban Tài chính- Ngân sách cơ bản nhất trí về sự cần thiết ban hành Nghị quyết và cho rằng, theo Điều 65 của Luật Quản lý thuế hiện hành quy định 3 trường hợp được xóa nợ thuế, theo đó Chính phủ, Bộ Tài chính đã hướng dẫn xử lý xóa nợ tiền thuế, tiền phạt cho người nộp thuế kịp thời, đúng quy định của pháp luật. Tuy nhiên, số nợ đọng thuế không có khả năng thu hồi được xử lý xóa nợ theo quy định của Luật Quản lý thuế hiện hành rất thấp (chỉ bằng 0,51% số nợ không còn khả năng thu), trong khi các khoản nợ thuế này đều bị tính tiền chậm nộp (0,03%/ngày), dẫn đến số nợ đọng thuế không có khả năng thu ngày càng tăng cao qua các năm, tạo gánh nặng quản lý cho cơ quan thuế mặc dù đối tượng đã không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước và không còn đối tượng để thu các khoản nợ này. Bên cạnh đó, Luật Quản lý thuế hiện hành không quy định việc khoanh nợ, trong khi việc thực hiện xóa nợ thuế đối với 3 nhóm đối tượng trong Luật Quản lý thuế hiện hành có nhiều bất cập, không thể thực hiện được. Ngoài ra, Theo quy định tại Điều 152 của Luật Quản lý thuế số 38thì đối với các khoản thuế được miễn, giảm, không thu, xóa nợ phát sinh trước ngày 01 tháng 7 năm 2020 thì tiếp tục xử lý theo quy định của Luật Quản lý thuế hiện hành.
Do vậy, Thường trực Ủy ban Tài chính- Ngân sách nhất trí về sự cần thiết ban hành Nghị quyết của Quốc hội để thực hiện việc khoanh nợ tiền thuế, xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế không có khả năng nộp ngân sách theo đề nghị của Chính phủ. Đồng thời, tán thành bổ sung dự án Nghị quyết này vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019 và việc trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến vào nội dung của dự án Nghị quyết cùng với việc xem xét, quyết định bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- Ngân sách Nguyễn Đức Hải đánh giá, hồ sơ trình Nghị quyết đã đảm bảo phù hợp với Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và nhất trí trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2019) theo trình tự, thủ tục rút gọn như Tờ trình của Chính phủ.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- Ngân sách Nguyễn Đức Hải trình bày Báo cáo thẩm tra
Về tên gọi của dự thảo Nghị quyết, Thường trực Ủy ban Tài chính- Ngân sách cho rằng, khái niệm về “tiền thuế nợ” chưa được quy định tại Luật Quản lý thuế hiện hành và mới được quy định tại Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 năm 2019 nhưng Luật này có hiệu lực từ ngày 01/7/2020. Do đó, đề nghị Chính phủ nghiên cứu để sửa đổi lại tên của Nghị quyết phù hợp với Luật Quản lý thuế hiện hành, phù hợp với nội hàm của các điều, khoản trong dự thảo Nghị quyết. Theo đó đề nghị quy định theo hướng: “Nghị quyết về xử lý tiền nợ thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt chậm nộp đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước” hoặc có thể quy định là: “Nghị quyết về khoanh tiền nợ thuế, xóa tiền chậm nộp, tiền phạt chậm nộp đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước”.
Về nguyên tắc xử lý nợ, Thường trực Ủy ban Tài chính- Ngân sách cơ bản nhất trí với Tờ trình của Chính phủ, tuy nhiên để bảo đảm minh bạch, gắn trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền khoanh nợ, xóa nợ, đề nghị Chính phủ Bổ sung vào cuối khoản 1 nguyên tắc quy định về trách nhiệm của người đứng đầu theo quy định của pháp luật và theo quy định của tổ chức Đảng. Bên cạnh đó, để khuyến khích, tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp quay lại sản xuất kinh doanh, đề nghị chỉnh lý quy định tại khoản 4 Điều 3 theo hướng: chỉ thu hồi đối với các trường hợp được xóa do bỏ trốn, bỏ địa chỉ kinh doanh và trường hợp do vi phạm pháp luật (khoản 4 và 5 Điều 4).
Liên quan đến thẩm quyền khoanh nợ, xóa nợ và hồ sơ, trình tự thủ tục xử lý nợ, Thường trực Ủy ban Tài chính- Ngân sách cơ bản nhất trí với dự thảo Nghị quyết, vì thẩm quyền việc khoanh nợ, xóa nợ được quy định phù hợp với Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, dự thảo Nghị quyết có nhiều đối tượng (759.319 đối tượng), với số tiền thuế được khoanh nợ, xóa nợ lớn (11.895 tỷ đồng), có thể được xử lý cho cả nhóm đối tượng, do vậy cần thiết phải có Hội đồng tư vấn khoanh nợ, xóa nợ để thực hiện việc tư vấn cho người có thẩm quyền quyết định khoanh nợ, xóa nợ, góp phần tăng cường cơ chế kiểm soát, bảo đảm công khai, minh bạch, song cần quy định rõ trách nhiệm quyết định là cá nhân người được giao thẩm quyền xóa nợ thuế. Đồng thời, giao Chính phủ quy định về cơ cấu, thành phần, chức năng và phương thức hoạt động của Hội đồng tư vấn về khoanh nợ, xóa nợ thuế trong dự thảo Nghị quyết này.
Để hoàn thiện dự thảo Nghị quyết, Thường trực Ủy ban Tài chính- Ngân sách đề nghị Chính phủ nghiên cứu bổ sung vào Điều 7 quy định về trách nhiệm của Kiểm toán nhà nước trong việc xây dựng kế hoạch kiểm toán hằng năm thực hiện việc kiểm toán việc khoanh nợ, xóa nợ tiền chậm nộp, tiền phạt theo Nghị quyết này. Đồng thời, cân nhắc, làm rõ việc xử lý tiền nợ thuế đối với các doanh nghiệp nhà nước, vì doanh nghiệp nhà nước là pháp nhân do Nhà nước làm đại diện chủ sở hữu và hiện nay đang trong tiến trình cổ phần hóa, sắp xếp lại các doanh nghiệp nhà nước. Do vậy, việc khoanh nợ, xóa nợ tiền thuế cần được xử lý trong quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp; rà soát, báo cáo rõ việc xử lý tiền thuế nợ đối với các khoản nợ liên quan đến tiền sử dụng đất, tiền thuê đất… trong dự thảo Nghị quyết này, theo đó sẽ khoanh nợ, xóa nợ đối với các trường hợp cụ thể nào liên quan đến đất đai. Đặc biệt, cập nhật các số liệu liên quan đến tình hình nợ thuế tại các phụ lục kèm theo đến thời điểm gần nhất, đồng thời rà soát để đảm bảo chính xác về các số liệu kèm theo.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- Ngân sách Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh, trên cơ sở Báo cáo thẩm tra sơ bộ về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về xử lý tiền thuế nợ đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước, Thường trực Ủy ban Tài chính- Ngân sách báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến./.