Thảo luận tại phiên họp, đa số các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản tán thành với sự cần thiết của việc xây dựng, ban hành dự án Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), nhằm thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013 về việc phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng quốc gia nói chung và huy động nguồn lực tư nhân thông qua đầu tư PPP nói riêng, góp phần hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, khắc phục những khó khăn, bất cập đang tồn tại hiện nay và đảm bảo tính pháp lý ổn định, nâng cao hiệu quả thực hiện, tính khả thi của các dự án PPP dài hạn, nhiều rủi ro, đầu tư quy mô lớn, cũng như tính pháp lý đồng bộ với các luật có liên quan.
Các đại biểu cho rằng, dự án Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư là một dự án Luật lớn, quy mô nội dung rộng. Do vậy, cần cân xây dựng thận trọng, rà soát kỹ lưỡng và có đánh giá tác động đầy đủ...
Cổng Thông tin điện tử Quốc hội trân trọng giới thiệu một số hình ảnh tại phiên họp:
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP)
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển điều hành nội dung phiên họp
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày tờ trình dự án Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo tóm tắt thẩm tra về dự án Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư
Qua nghiên cứu dự án Luật, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, đưa ra dự án luật này là muốn lập ra cơ chế pháp lý đặc thù cho hình thức hợp tác công tư, song nhiều nội dung tại dự thảo Luật này sẽ đụng chạm đến rất nhiều luật khác như: Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư công, Luật Đấu thầu, Luật Xây dựng, Luật Đất đai....và rất nhiều luật khác nữa
Chủ tịch Quốc hội lưu ý, nếu đụng chạm quá nhiều gây xáo trộn hoặc ách tắc trong thực thi pháp luật thì sau phiên họp này cần tiếp tục đặt ra để nghiên cứu một cách thận trọng
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng thống nhất đề nghị trình dự án Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư ra Quốc hội xin ý kiến các Đại biểu Quốc hội
Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu đề nghị Ban soạn thảo tham khảo kỹ ý kiến các tổ chức tài chính quốc tế và các nhà đầu tư nước ngoài khi xây dựng các quy định trong dự án Luật
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đề nghị dự thảo Luật cần quy định rõ vấn đề đổi đất lấy hạ tầng trong quá trình thực hiện các hợp đồng BOT, BT
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định để nghị Ban soạn thảo cân nhắc về phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật, có nên chăng phạm vi điều chỉnh của Luật chỉ nên tập trung vào khâu ký hợp đồng đầu tư?
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải đề nghị làm rõ cơ chế chia sẻ rủi ro trong quá trình thực hiện các hợp đồng BOT, BT
Các đại biểu cũng cho rằng, dự án Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư là một dự án Luật lớn, quy mô nội dung rộng. Do vậy, cần xây dựng thận trọng, rà soát kỹ lưỡng và có đánh giá tác động đầy đủ
Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh đặt vấn đề, PPP khác với xã hội hóa như thế nào? Có phải PPP nằm trong xã hội hóa không hay xã hội hóa nằm trong PPP?
Kết luận nội dung làm việc, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục hoàn chỉnh lại dự án Luật; giao Ủy ban Kinh tế tổ chức thẩm tra chính thức đảm bảo dự án Luật đủ điều kiện trình ra Quốc hội thảo luận.
Cũng trong chiều ngày 16/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành cho ý kiến về việc bổ sung dự toán ngân sách nhà nước năm 2019 vốn viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Ai len cho các xã đặc biệt khó khăn thuộc Chương trình 135.