Luật PPP ra đời giúp hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường & phát triển KT- XH của đất nước
Tại phiên họp, sau khi nghe Ban soạn thảo trình bày Tờ trình dự án Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế về dự án Luật này.
Trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, Ủy ban Kinh tế cơ bản nhất trí với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết ban hành Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) nhằm thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013 về việc phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng quốc gia nói chung và huy động nguồn lực tư nhân thông qua đầu tư PPP nói riêng, góp phần hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, khắc phục những khó khăn, bất cập đang tồn tại hiện nay và đảm bảo tính pháp lý ổn định, nâng cao hiệu quả thực hiện, tính khả thi của các dự án PPP dài hạn, nhiều rủi ro, đầu tư quy mô lớn, cũng như tính pháp lý đồng bộ với các luật có liên quan.
Toàn cảnh phiên họp
Ủy ban Kinh tế nhận thấy Hồ sơ dự án Luật đã được Cơ quan soạn thảo chuẩn bị công phu, tuân thủ đúng quy trình và yêu cầu của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đáp ứng điều kiện trình Quốc hội. Tuy nhiên, đề nghị Cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, bổ sung, luật hóa tối đa các quy định tại các văn bản dưới luật đã được áp dụng ổn định thời gian qua vào dự án Luật, giảm thiểu các quy định chờ hướng dẫn nhằm đảm bảo tính đồng bộ, công khai, minh bạch của Luật được ban hành. Đối với các nội dung không thể quy định chi tiết tại dự án Luật, cần nghiên cứu, chuẩn bị đầy đủ các văn bản hướng dẫn kèm theo, đảm bảo hiệu lực thi hành của Luật theo quy định.
Còn nhiều vấn đề cần làm rõ
Về phạm vi điều chỉnh (Điều 1), Đối tượng áp dụng (Điều 2), Áp dụng luật và điều ước quốc tế (Điều 3), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho rằng, dự án Luật này sẽ là văn bản pháp lý thống nhất, điều chỉnh các nội dung liên quan đến hoạt động đầu tư PPP. Tuy nhiên, đề nghị Cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, quy định phạm vi điều chỉnh của dự án Luật một cách rõ ràng hơn về không gian áp dụng Luật, cụ thể việc điều chỉnh các hoạt động đầu tư PPP tại Việt Nam và rà soát, nghiên cứu, đề xuất một cách đầy đủ những quy định khác nhau giữa Luật này và các luật liên quan, từ đó làm cơ sở để Quốc hội xem xét, quyết định quy định những nội dung đặc thù đối với đầu tư PPP ngay tại dự thảo Luật hay sửa đổi, bổ sung các luật liên quan như Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai... nhằm bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.
Về lĩnh vực đầu tư của dự án PPP, để bảo đảm tính công khai, minh bạch và thống nhất về lĩnh vực đầu tư, Ủy ban Kinh tế đề nghị Cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, rà soát, quy định rõ hơn về các lĩnh vực đầu tư theo hình thức PPP ngay tại dự án Luật, cũng như phải làm rõ nguyên tắc chỉ bổ sung lĩnh vực đầu tư PPP đã có trong kế hoạch đầu tư công trung hạn nhằm tạo cơ sở pháp lý rõ ràng cho các bên trong lựa chọn hình thức đầu tư phù hợp.
Liên quan đến quy mô đầu tư của dự án PPP, Ủy ban Kinh tế đề nghị Cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, quy định cụ thể quy mô đầu tư tối thiểu đối với các lĩnh vực cũng như làm rõ hơn căn cứ, cơ sở của việc không quy định quy mô tổng mức đầu tư tối thiểu đối với dự án áp dụng loại hợp đồng kinh doanh - quản lý.
Về Hội đồng thẩm định dự án PPP, Ủy ban Kinh tế cho rằng việc thành lập Hội đồng thẩm định dự án PPP là cần thiết vì cho dù dự án đầu tư từ nguồn lực công hay tư hay kết hợp công tư thì việc xem xét tính khả thi, chú trọng hiệu quả đầu tư của dự án đóng vai trò rất quan trọng, đảm bảo dự án được phân tích một cách thấu đáo, khách quan, độc lập trước khi trình cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư và phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi, tránh lãng phí trong đầu tư, cũng như bảo đảm lợi ích, trách nhiệm của các bên trong quá trình triển khai thực hiện dự án. Tuy nhiên, việc thành lập Hội đồng thẩm định dự án cũng phải bảo đảm nguyên tắc hiệu quả, chất lượng, gắn với chuyên môn, tiết kiệm cả về thời gian và chi phí cho các bên, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, tránh việc thẩm định chỉ mang tính hình thức, thủ tục. Đề nghị Cơ quan soạn thảo tiếp tục xem xét, nghiên cứu quy định cụ thể việc thành lập, tổ chức và hoạt động của Hội đồng thẩm định phù hợp với từng loại dự án PPP. Đồng thời, đề nghị làm rõ các trường hợp cần thiết quy định tại khoản 2 và khoản 4 Điều 6 dự thảo Luật, bảo đảm tính công khai, minh bạch của dự án Luật.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo
Bên cạnh đó, Ủy ban Kinh tế đề nghị Cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, quy định thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư dự án PPP gắn với việc phân loại dự án, phù hợp với đặc thù của hình thức đầu tư PPP, tạo điều kiện cho việc triển khai dự án một cách hiệu quả, có tính khả thi và bảo đảm lợi ích của các bên.
Nhấn mạnh việc lựa chọn nhà đầu tư dự án PPP cần phải được thực hiện thông qua đấu thầu cạnh tranh, công khai, minh bạch theo quy định của pháp luật, hạn chế tối đa việc chỉ định thầu hoặc đấu thầu hạn chế để tránh rủi ro về lợi ích nhóm, lãng phí, thất thoát, giảm tính cạnh tranh và lựa chọn nhà đầu tư không có đủ năng lực thực hiện dự án, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, Ủy ban Kinh tế đề nghị Cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, quy định cụ thể hơn về điều kiện áp dụng theo hướng thu hẹp các trường hợp chỉ định thầu hoặc đấu thầu hạn chế tại dự thảo Luật.
Ngoài ra, Ủy ban Kinh tế đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, rà soát quy định về việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp và các nội dung khác có liên quan phù hợp với quy định tại Luật Doanh nghiệp, bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật. Đồng thời, nghiên cứu, bổ sung quy định phù hợp ngay tại dự thảo Luật về quy trình, thủ tục lựa chọn nhà đầu tư và các nội dung liên quan áp dụng đối với từng loại hợp đồng PPP có tính chất và cách thức thực hiện khác nhau nhằm bảo đảm tính khả thi trong triển khai thực hiện các hợp đồng PPP trên thực tế, cũng như bảo đảm hoạt động đầu tư PPP công khai, minh bạch, hiệu quả, khắc phục tình trạng tiêu cực, gây thất thoát tài sản của Nhà nước và tài sản của các tổ chức, cá nhân liên quan trong hợp đồng PPP.
Về nguồn vốn thực hiện dự án PPP, Ủy ban Kinh tế yêu cầu Ban soạn thảo nghiên cứu, làm rõ hơn trong dự thảo Luật hạng mục đầu tư nào sử dụng vốn hỗ trợ của Nhà nước thì áp dụng thủ tục đầu tư công, hạng mục đầu tư nào sử dụng vốn đầu tư tư nhân thì áp dụng thủ tục đầu tư thông thường, tránh việc thủ tục đầu tư dự án PPP vẫn còn nặng về thủ tục đầu tư công, như vậy sẽ khó thu hút đầu tư từ khu vực tư nhân.
Ngoài những nội dung nêu trên, Ủy ban Kinh tế đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục rà soát các quy định khác tại dự thảo Luật, tránh tình trạng quy định chung chung như “theo quy định của pháp luật” gây khó khăn trong thực tế triển khai; rà soát, không quy định lại những nội dung đã được quy định tại các luật khác, tránh trùng lặp, xung đột pháp luật, đồng thời tiếp tục rà soát, chỉnh lý về từ ngữ, câu chữ và kỹ thuật văn bản để hoàn thiện dự án Luật.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh, trên cơ sở Báo cáo thẩm tra dự án Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư, Ủy ban Kinh tế trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến./.