Hội thảo khoa học Góp ý xây dựng Luật tiếp cận thông tin

21/08/2015

Ngày 21- 22/8, tại thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình, Viện Nghiên cứu lập pháp phối hợp Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tại Việt Nam tổ chức hội thảo khoa học Góp ý xây dựng Luật tiếp cận thông tin. Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Đinh Xuân Thảo, Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luất Đặng Đình Luyến, Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình Nguyễn Ngọc Phương tham gia chủ trì hội thảo.

Hội thảo được tổ chức nhằm tạo ra diễn đàn để các chuyên gia trao đổi sâu sắc hơn về các vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật tiếp cận thông tin. Những ý kiến trao đổi, thảo luận tại Hội thảo sẽ là những thông tin tham khảo, hỗ trợ quan trọng cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan liên quan trong quá trình xem xét, hoàn thiện dự thảo Luật, thẩm tra dự thảo Luật trước khi trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII tới.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Đinh Xuân Thảo cho biết, tiếp cận thông tin là một trong những quyền cơ bản của con người, của công dân được ghi nhận trong nhiều Công ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Tại Việt Nam, Hiến pháp 2013 kế thừa quy định của Hiến pháp 1992 về “quyền được thông tin của công dân” và sửa đổi thành “quyền tiếp cận thông tin của công dân”.

Việc xây dựng Luật tiếp cận thông tin nhằm thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng về phát huy dân chủ, bảo đảm quyền công dân, quyền con người và cụ thể hóa tinh thần và nội dung của Hiến pháp 2013. Dự thảo Luật tiếp cận thông tin bắt đầu được xây dựng từ năm 2009, trải qua thời gian dài chuẩn bị, chỉnh lý đến tháng 8/2015 tại phiên họp thứ 40 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, dự thảo Luật đã được đưa ra thảo luận, cho ý kiến.

Thảo luận tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đa số các ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đều tán thành với sự cần thiết ban hành luật. Khẳng định việc bảo đảm quyền tiếp cận thông tin là điều kiện cần thiết để người dân thực hiện quyền làm chủ của mình, đồng thời góp phần nâng cao tính minh bạch của chính sách, nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước. Tuy nhiên, có nhiều ý kiến cho rằng, để dự thảo Luật Tiếp cận thông tin bảo đảm tính khả thi thì cần phải xem xét, giải quyết một cách thỏa đáng các vấn đề như: phạm vi điều chỉnh; phạm vi thông tin được tiếp cận; chủ thể được quyền tiếp cận; chủ thể có trách nhiệm cung cấp thông tin; điều kiện, phương thức, trình tự, thủ tục để thực hiện quyền tiếp cận thông tin; trường hợp cơ quan nhà nước được từ chối yêu cầu cung cấp thông tin; phí cung cấp thông tin; biện pháp bảo đảm thực hiện quyền tiếp cận thông tin của công dân, chế tài xử lý vi phạm; về điều khoản chuyển tiếp và thời điểm Luật có hiệu lực…

Trong hai ngày diễn ra Hội thảo, các đại biểu được nghe các chuyên gia, nhà khoa học, nhà xây dựng chính sách, pháp luật trình bày các báo cáo khoa học về Quá trình xây dựng dự thảo Luật Tiếp cận thông tin, những nội dung cơ bản của dự thảo Luật; Mức độ phù hợp của các quy định của dự thảo Luật so với các quy định liên quan của các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Đặc biệt, các đại biểu được nghe Cố vấn chính sách về phòng, chống tham nhũng UNDP Việt Nam trình bày tham luận về Tầm quan trọng của Luật Tiếp cận thông tin trong phòng chống tham nhũng tại Việt Nam.

Tại Hội thảo, các đại biểu tập trung trao đổi, góp ý, đánh giá về tính hợp lý của dự thảo Luật trong việc quy định chủ thể có trách nhiệm cung cấp thông tin và vai trò của người đứng đầu các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm cung cấp thông tin; đánh giá về phạm vi thông tin được tiếp cận và các điều kiện đảm bảo cung cấp thông tin, tiếp cận thông tin; việc bảo đảm thực thi quyền tiếp cận thông tin và những vấn đề đặt ra trong việc xây dựng cơ chế giám sát và bảo đảm việc thực thi Luật tiếp cận thông tin; đánh giá sự phù hợp của dự thảo Luật đặt trong mối tương quan với các Điều ước, các văn bản pháp lý quốc tế về quyền tiếp cận thông tin và Việt Nam đã ký kết và tham gia.

Các đại biểu cũng cho ý kiến về việc bảo đảm sự tham gia của các tổ chức xã hội, người dân trong việc thúc đẩy thực hiện quyền tiếp cận thông tin tại Việt Nam; việc tiếp cận thông tin hoạch định chính sách trong quá trình lập pháp; mức độ phù hợp của việc hạn chế thông tin được tiếp cận; việc thực thi quyền tiếp cận thông tin ở Việt Nam.

Tin và ảnh: Bảo Yến