Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Ngô Thị Minh, Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp PGS.TS Đinh Xuân Thảo và Trưởng Chương trình Chính sách xã hội và Quản trị công UNCEF tại Việt Nam Yoshimi Nishino chủ trì Hội thảo. Tham dự Hội thảo còn có các chuyên gia trong nước và quốc tế, đại biểu Quốc hội và đại diện các bộ, ngành liên quan.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp PGS.TS Đinh Xuân Thảo cho biết, Hiến pháp 2013 có những đổi mới quan trọng về quyền con người, các quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, đặc biệt là trẻ em và trách nhiệm của các chủ thể như Nhà nước, gia đình và xã hội trong việc giúp trẻ em thực hiện các quyền của mình.
Những điểm mới của Hiến pháp 2013 là tiền đề và là nền tảng pháp lý để có những cải tiến mạnh mẽ, đột phá trong lĩnh vực chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em, trong đó có việc sửa đổi, bổ sung Luật bảo vệ chăm sóc và giáo dục trẻ em nhằm đảm bảo sự thống nhất trong hệ thống pháp luật cũng như tạo nên một khuôn khổ pháp lý phù hợp để triển khai công tác quản lý nhà nước về trẻ em trong thời gian tới.
Hội thảo được tổ chức nhằm tạo ra diễn đàn để các đại biểu Quốc hội, các nhà hoạch định chính sách và các chuyên gia trong lĩnh vực bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em thảo luận về cơ chế giám sát thực hiện quyền trẻ em đã được quy định trong Hiến pháp và pháp luật hiện hành, qua đó đề xuất những ý kiến, khuyến nghị đóng góp vào nội dung của Dự thảo Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (sửa đổi).
Tại Hội thảo, các đại biểu đã được các chuyên gia tư vấn của UNICEF trình bày tóm tắt báo cáo nghiên cứu khả thi về việc thành lập một cơ chế giám sát quyền trẻ em độc lập ở Việt Nam.
Báo cáo đã làm rõ những vấn đề lý luận về giám sát quyền trẻ em độc lập; giới thiệu các mô hình và thực hành ở quốc tế; đánh giá hệ thống giám sát quyền trẻ em ở Việt Nam hiện nay cũng như những bất cập, hạn chế trong các quy định của pháp luật và cơ chế thực thi; đưa ra các khuyến nghị về cơ chế giám sát quyền trẻ em độc lập tại Việt Nam.
Phân tích hiện trạng hệ thống cơ quan giám sát quyền trẻ em hiện nay ở Việt Nam, nghiên cứu cho rằng hệ thống của Việt Nam còn phân mảnh, cơ chế trách nhiệm giải trình để các bên hoàn thành nghĩa vụ của mình còn hạn chế, việc tiếp cận lấy trẻ em làm trung tâm chưa được vận dụng thích đáng, thiếu các biện pháp khắc phục có hiệu quả đối với vi phạm quyền trẻ em. Vì vậy, thời gian tới cần tăng cường cơ chế giám sát quyền trẻ em hiện có hoặc có thể xem xét thiết lập một cơ chế bên ngoài để giám sát quyền trẻ em một cách hệ thống và chặt chẽ hơn.
Thảo luận tại Hội thảo, các đại biểu đánh giá, giám sát thực hiện pháp luật, các quy định của Luật bảo vệ chăm sóc và giáo dục trẻ em và thực hiện Quyền trẻ em tại Việt Nam theo Công ước quốc tế mà Chính phủ đã cam kết thực hiện là rất cần thiết. Các đại biểu cho rằng nghiên cứu của UNICEF có sự phân tích khoa học dựa trên bằng chứng, đã chỉ ra được thực tế khách quan cùng với sự phát triển của dân trí, dân chủ, nhu cầu của người dân trong việc kiểm soát, giám sát để bảo đảm tính minh bạch, liêm chính của các cơ quan nhà nước ngày càng cao.
Đánh giá cao và đồng ý với đề xuất của chuyên gia UNICEF, các đại biểu cho rằng thực tế hoàn cảnh kinh tế - xã hội của Việt Nam chưa thể thành lập hệ thống hoặc cơ quan giám sát độc lập. Do vậy, trước mắt, các đại biểu đề nghị có thể thành lập một hội đồng giám sát chung để có thể thường xuyên kiểm tra hoạt động của các nhóm trong các cơ quan giám sát này, đồng thời phải tuân thủ các quy tắc về minh bạch, khách quan trong hoạt động giám sát.