Hội thảo góp ý hoàn thiện dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương

10/03/2015

Ngày 9 - 10.3, tại Quảng Ninh, Viện Nghiên cứu lập pháp và Quỹ Rosa Luxemburg (Đức) đã phối hợp tổ chức Hội thảo góp ý hoàn thiện dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

Tại hội thảo, các đại biểu đã nghe một số nội dung liên quan đến dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương như: mô hình chính quyền địa phương của đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt; cơ sở lựa chọn mô hình chính quyền địa phương khu vực nông thôn và chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND; nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương các cấp và vấn đề phân cấp, phân quyền giữa Trung ương và địa phương, giữa các cấp chính quyền địa phương với nhau; chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND và UBND, giải pháp tăng cường mối quan hệ giữa HĐND và UBND và việc tổ chức và cách thức kiểm soát quyền lực nhà nước đối với chính quyền nhà nước địa phương nơi không tổ chức HĐND...

Trao đổi về luật tổ chức chính quyền địa phương của Đức, các chuyên gia cho biết, quy mô của Hội đồng phường hay Hội đồng vùng hành chính của Đức phụ thuộc vào quy mô của phường hay vùng hành chính. Hiến pháp Đức cũng quy định, các phường phải bảo đảm quyền tự quyết định và chịu trách nhiệm về tất cả các sự việc của cộng đồng phường trong khuôn khổ pháp luật. Nói cách khác, chính quyền địa phương ở Đức hoạt động theo cơ chế tự quản, tự quyết định các vấn đề của địa phương mình. Đối với dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương của Việt Nam, các chuyên gia khuyến nghị, cần rà soát các quy định tại dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) để có quy định rõ ràng hơn về phân cấp, phân quyền giữa Trung ương và địa phương, giữa các cấp chính quyền địa phương. Quy định cụ thể các nội dung về chức năng, nhiệm vụ quyền hạn của HĐND và UBND; tránh sự trùng lặp, chồng chéo nhiệm vụ, quyền hạn, làm hạn chế hiệu quả hoạt động của HĐND, nhất là các nội dung và cơ chế thực hiện hoạt động giám sát của HĐND các cấp.

(Theo Đại biểu Nhân dân)