Hội thảo Thực trạng chính sách, pháp luật về khoa học và công nghệ ở nước ta hiện nay

27/09/2024

Sáng 27/9, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội phối hợp với Ban Chủ nhiệm Đề tài tổ chức Hội thảo “Thực trạng chính sách, pháp luật về khoa học và công nghệ ở nước ta hiện nay”. TS. Nguyễn Văn Hiển – Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp và TS. Nguyễn Ngọc Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội – Chủ nhiệm Đề tài khoa học đồng chủ trì hội thảo.

MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN SỬ DỤNG NGÔN NGỮ TRONG VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT

Toàn cảnh hội thảo

Tham dự hội thảo có: TS. Nguyễn Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, thành viên HĐKH của UBTVQH; đại diện một số cơ quan có liên quan; các chuyên gia, nhà khoa học trong lĩnh vực khoa học, công nghệ.

Phát biểu khai mạc hội thảo, TS. Nguyễn Ngọc Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội – Chủ nhiệm Đề tài cho biết, Luật KH&CN được Quốc hội Khóa XIII, kỳ họp thứ 5 thông qua ngày 18/6/2013 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2014 bao gồm 11 chương, 81 điều. Sau 10 năm triển khai thi hành, Luật KH&CN 2013 đã phát huy vai trò quan trọng trong việc tạo hành lang pháp lý cơ bản và quan trọng cho việc tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, đồng bộ tổ chức, cơ chế quản lý, cơ chế hoạt động KH&CN.

Tuy nhiên, quá trình triển khai thi hành Luật KH&CN 2013 cho thấy vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế cả về chính sách pháp luật và đòi hỏi từ thực tiễn như: Thực tế đòi hỏi phải điều chỉnh hành lang pháp lý, cơ chế chính sách cho thích ứng, kịp thời, phù hợp khi Việt Nam hội nhập sâu rộng, toàn diện vào thế giới, nhất là các làn sóng công nghệ mới phát triển nhanh như: trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây; …

TS. Nguyễn Ngọc Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường – Chủ nhiệm Đề tài phát biểu khai mạc hội thảo

Ngoài ra, một số quy định trong Luật hiện hành hiện chưa phù hợp như: Vấn đề giao quyền sở hữu kết quả KH&CN có sử dụng NSNN cho cơ quan chủ trì theo cơ chế tự động; vấn đề đặt hàng nhiệm vụ KH&CN từ các Bộ trưởng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh/thành phố gắn với trách nhiệm triển khai ứng dụng các kết quả KH&CN chưa phù hợp; vấn đề tập trung nguồn lực chủ yếu cho các chương trình KH&CN để tạo ra tri thức; vấn đề phân cấp, phân quyền trong quản lý hoạt động KH&CN; một số quy định mới dừng ở nguyên tắc chung, chưa được xác định một cách cụ thể, dẫn đến khó hoặc chậm đi vào cuộc sống.

TS. Nguyễn Ngọc Sơn nhấn mạnh, trước những bất cập, hạn chế nêu trên, việc sửa đổi Luật KH&CN 2013 là cần thiết; đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn. Do đó, Đề tài khoa học trong quá trình nghiên cứu hướng tới việc đưa ra những kiến nghị/đề xuất thiết thực phục vụ hoàn thiện, chính sách pháp luật về khoa học, công nghệ, đặc biệt gắn với việc sửa đổi Luật KH&CN.

 TS. Nguyễn Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, thành viên HĐKH của UBTVQH góp ý tại hội thảo

Tại hội thảo các chuyên gia tập trung cho ý kiến làm rõ những vấn đề lý luận cơ bản về chính sách pháp luật về khoa học và công nghệ; cơ sở chính trị, pháp lý hoàn thiện chính sách pháp luật về khoa học và công nghệ ở nước ta. Đồng thời, phân tích thực trạng chính sách pháp luật về khoa học và công nghệ hiện nay và những hạn chế, bất cập đặt ra, trong đó trọng tâm phân tích, đánh giá về những hạn chế, bất cập về Luật Khoa học và công nghệ năm 2013 và các quy định khác có liên quan.

Bên cạnh đó, trên cơ sở thảo luận chính sách, pháp luật về khoa học, công nghệ của một số nước trên thế giới và kinh nghiệm tham khảo cho Việt Nam; các chuyên gia đưa ra nhiều kiến nghị, đề xuất hoàn thiện pháp luật; tiếp tục đổi mới chính sách phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong bối cảnh mới.

TS. Hoàng Thị Ngân, nguyên Vụ trưởng Vụ Tổng hợp và hành chính công vụ, Văn phòng Chính phủ

Theo các chuyên gia, trong xu thế hội nhập hiện nay, khoa học và công nghệ là chìa khóa, là yếu tố quyết định giúp cho việc rút ngắn quá trình công nghiệp hóa và hiện đại hóa, đưa Việt Nam bắt kịp với các quốc gia tiên tiến trên thế giới. Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã không ngừng xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật về KH&CN, đặc biệt là ban hành Luật KH&CN năm 2013. Nhờ đó, đã thúc đẩy sự phát triển khoa học công nghệ ở Việt Nam, kinh tế - xã hội của đất nước đã có những bước tiến đáng kể, chất lượng cuộc sống của nhân dân được nâng cao, quốc phòng và an ninh được củng cố. Tuy nhiên, cùng với những kết quả đã đạt được, chính sách pháp luật trong lĩnh vực này đã bộc lộ những bất cập không còn phù hợp; bên cạnh đó, thực tế doanh nghiệp trong nước còn ít quan tâm đầu tư cho nghiên cứu và phát triển KH&CN; đầu tư cho hoạt động khoa học công nghệ còn thấp, cơ cấu chưa phù hợp, hiệu quả chưa cao; đội ngũ cán bộ trong lĩnh vực khoa học công nghệ còn thiếu về số lượng;...

Các chuyên gia tham dự hội thảo

Vì vậy, việc hoàn thiện chính sách, pháp luật đặc biệt là sửa đổi Luật KH&CN 2013 cần tập trung: Đổi mới hoạt động nghiên cứu, phát triển và đổi mới sáng tạo một cách đồng bộ; Phát triển tiềm lực khoa học và công nghệ; Thu hút đầu tư, tạo thuận lợi sử dụng ngân sách cho khoa học, công nghệ;…

Ngoài ra, các chuyên gia cho rằng, cần quan tâm phổ biến tri thức khoa học và công nghệ; phương thức triển khai chương trình, nhiệm vụ khoa học, công nghệ; sử dụng ngân sách, thu hút đầu tư; phát triển hạ tầng; phát triển thị trường khoa học công nghệ. Nghiên cứu mở rộng phạm vi, đối tượng điều chỉnh của Luật sang khu vực ngoài công lập để thúc đẩy nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo, đóng góp ngày càng hiệu quả vào phát triển kinh tế - xã hội, góp phần công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Kết luận hội thảo, TS. Nguyễn Ngọc Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường – Chủ nhiệm Đề tài, ghi nhận và đánh giá cao các ý kiến tham góp tại hội thảo. Trong khuôn khổ chương trình, các chuyên gia đã đóng góp toàn diện, sâu sắc nhiều nội dung trọng tâm; làm rõ những vấn đề lý luận cơ bản  cũng như đưa ra đề xuất, kiến nghị hoàn thiện chính sách, pháp luật về khoa học và công nghệ.

Nhấn mạnh tính thiết thực của nội dung nghiên cứu, gắn với thời điểm sửa đổi Luật KH&CN 2013, TS. Nguyễn Ngọc Sơn cho biết, Ban Chủ nhiệm Đề tài sẽ khẩn trương nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ ý kiến tại hội thảo để xây dựng và hoàn thiện nội dung Đề tài đảm bảo chất lượng, tiến độ theo yều cầu đề ra.

***Một số hình ảnh tại Hội thảo:

Toàn cảnh hội thảo

TS. Nguyễn Ngọc Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường – Chủ nhiệm Đề tài phát biểu khai mạc hội thảo

Các chuyên gia tham dự hội thảo

 TS. Nguyễn Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, thành viên HĐKH của UBTVQH góp ý tại hội thảo

Ths. Nguyễn Thanh Tùng, Viện Nhà nước và Pháp luật, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam 

TS. Hoàng Thị Ngân, nguyên Vụ trưởng Vụ Tổng hợp và hành chính công vụ, Văn phòng Chính phủ

Các chuyên gia tham dự hội thảo

TS. Đào Trọng Cường, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam 

ThS.NCS. Nguyễn Thị Long, Trường Đại học Luật Hà Nội

ThS.NCS. Lê Hồng Thái, Viện Chiến lược Khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp

TS. Phạm Ngọc Huyền, Giảng viên khoa Văn bản và Công nghệ hành chính, Học viện hành chính Quốc gia

Ông Hoàng Anh Tuấn, Chuyên gia phát biểu tại hội thảo

Đại diện Hội khoa học và Kỹ thuật Hà Nội góp ý tại hội thảo

Viện Nghiên cứu lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội phối hợp với Ban Chủ nhiệm Đề tài tổ chức Hội thảo “Thực trạng chính sách, pháp luật về khoa học và công nghệ ở nước ta hiện nay”./.

Lê Anh - Phạm Thắng