PHÓ CHỦ TỊCH QUỐC HỘI NGUYỄN KHẮC ĐỊNH CHỦ TRÌ PHIÊN HỌP THỨ 4 HỘI ĐỒNG KHOA HỌC CỦA ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI

23/12/2022

Sáng 23/12, tại Nhà Quốc hội, Hội đồng khoa học của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Phiên họp thứ 4. Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng khoa học Nguyễn Khắc Định chủ trì Phiên họp.

PHÓ CHỦ TỊCH QUỐC HỘI NGUYỄN KHẮC ĐỊNH CHỦ TRÌ PHIÊN HỌP THỨ NHẤT CỦA HỘI ĐỒNG KHOA HỌC CỦA ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI

Toàn cảnh Phiên họp thứ tư của Hội đồng khoa học 

Tham dự Phiên họp có: Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Phó Chủ tịch Hội đồng khoa học Lê Quang Huy; Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp, Phó Chủ tịch Hội đồng khoa học Nguyễn Văn Hiển; cùng các thành viên Hội đồng khoa học của Ủy ban Thường vụ Quốc hội;...

Phát biểu khai mạc Phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, Hội đồng khoa học nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV được thành lập tháng 9/2021 với 27 thành viên, bao gồm các nhà khoa học trên các lĩnh vực liên quan đến hoạt động của Quốc hội, các thành viên là đại diện lãnh đạo các cơ quan của Quốc hội. Trong năm 2022, Hội đồng khoa học đã tổ chức 04 Phiên họp thường kỳ. Tại Phiên họp thứ tư này, Hội đồng khoa học sẽ tiến hành tổng kết quả công tác năm 2022 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2023; xem xét, cho ý kiến về định hướng một số nội dung nghiên cứu khoa học năm 2024.

Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, trong năm vừa qua, Hội đồng khoa học đã có nhiều đóng góp vào hoạt động của Quốc hội theo hướng gắn liền với chương trình nghiên cứu và chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội. Trong đó, tại Phiên họp thứ hai, Hội đồng khoa học đã tổ chức “Góp ý sửa đổi Luật đất đai theo Nghị quyết số 18 – NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII”; và Phiên họp thứ ba đã góp ý vào dự thảo “Quy định của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống “lợi ích nhóm”, tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật”…

Nhắc lại chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ về công tác xây dựng pháp luật phải lấy ý kiến của các nhà khoa học nhằm nâng tầm khoa học, trí tuệ trong các quyết định của Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu rõ, hầu hết các hội nghị, hội thảo, tọa đàm được tổ chức đều mời các thành viên của Hội đồng khoa học tham gia để đóng góp ý kiến. Tất cả các ý kiến phát biểu đều được tổng hợp, báo cáo đầy đủ.

Phó Chủ tịch Quốc hội cũng cho biết, vừa qua, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã có chỉ đạo chung về mặt nguyên tắc, “tất cả các ý kiến phát biểu đều phải được tiếp thu, giải trình đầy đủ; ý kiến nào không tiếp thu phải giải trình”. Đây cũng là một trong những điểm đổi mới trong hoạt động của Quốc hội.

Ghi nhận sự tham gia, đóng góp trí tuệ của cá nhân, tập thể các nhà khoa học trong mọi hoạt động của Hội đồng khoa học thời gian qua, Phó Chủ tịch Quốc hội mong muốn, các nhà khoa học tiếp tục đóng góp ý kiến để rút ra kinh nghiệm, từ đó có những đề xuất, định hướng sát thực trong hoạt động năm 2023 của Hội đồng khoa học.

Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng khoa học của UBTVQH Nguyễn Khắc Định 

Báo cáo tại Phiên họp về kết quả hoạt động của Hội đồng khoa học trong năm 2022, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Nguyễn Văn Hiển nêu rõ, trong năm 2022, Hội đồng khoa học nhiệm kỳ 2021-2026 đã thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, tích cực hoạt động, cho ý kiến, cung cấp các luận cứ khoa học và thực tiễn phục vụ cho hoạt động của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội,... Cụ thể: Hội đồng khoa học đã thực hiện nhiệm vụ tư vấn về Danh mục nhiệm vụ khoa học năm 2023 theo đúng quy trình, tiến độ và xác định được Danh mục các nhiệm vụ khoa học đáp ứng yêu cầu của thực tiễn; Tổ chức các phiên họp, hội thảo đóng góp ý kiến về mặt khoa học đối với những vấn đề khó, phức tạp, những vấn đề có ý kiến khác nhau trong các dự án luật, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, các vấn đề quan trọng của đất nước…, phục vụ có hiệu quả cho việc hoàn thiện các dự án Luật và các nhiệm vụ thuộc chức năng, nhiệm vụ của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội;...

Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Nguyễn Văn Hiển nhấn mạnh, Hội đồng khoa học đã tổ chức hai phiên họp để cho ý kiến vào những nội dung khó, phức tạp, chuyên sâu và có phạm vi ảnh hưởng rộng lớn và một cuộc hội thảo phối hợp với Ủy ban Xã hội của Quốc hội và Quỹ Rosa Luxemburg, Cộng hòa Liên bang Đức. Cách thức tổ chức linh hoạt, đa dạng này đã mang lại hiệu quả rõ nét trong hoạt động của Hội đồng khoa học, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả trong công tác nghiên cứu, tư vấn và tham mưu giúp Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.

Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Nguyễn Văn Hiển cũng cho biết, ngoài các phiên họp toàn thể thì Viện Nghiên cứu lập pháp mời các thành viên Hội đồng khoa học tham gia vào các hoạt động chuyên môn của Viện dưới hình thức tham gia các cuộc hội thảo khoa học, tọa đàm, cho ý kiến góp ý về dự thảo các dự án luật, các vấn đề quan trọng của đất nước; hội thảo, tọa đàm thuộc phạm vi của nhiệm vụ khoa học; tham gia các cuộc họp Hội đồng tư vấn thuộc lĩnh vực khoa học và công nghệ.

Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp, Phó Chủ tịch Hội đồng khoa học của UBTVQH Nguyễn Văn Hiển

Bên cạnh những kết quả đạt được, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Nguyễn Văn Hiển cũng thẳng thắn nêu rõ một số hạn chế, tồn tại trong thực tế hoạt động của Hội đồng khoa học năm 2022 như: Việc huy động các chuyên gia, nhà khoa học, nhất là các chuyên gia, nhà khoa học trên các ngành, lĩnh vực khác nhau công tác ngoài khối cơ quan Quốc hội tham gia các hoạt động của Hội đồng khoa học còn gặp khó khăn; Việc tổ chức các cuộc họp thường niên của Hội đồng khoa học còn hạn chế;...

Về phương hướng, nhiệm vụ của Hội đồng khoa học, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Nguyễn Văn Hiển cho biết, bám sát Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và chỉ đạo của đồng chí Chủ tịch Quốc hội, các đồng chí Phó Chủ tịch Quốc hội, Hội đồng khoa học tổ chức đầy đủ các phiên họp theo đúng Chương trình công tác, tổ chức nghiên cứu “từ sớm, từ xa” các dự án luật khó, phức tạp, còn nhiều ý kiến khác nhau để nâng cao hơn nữa công tác nghiên cứu, tư vấn và tham mưu.

Theo đó, trong năm 2023 Hội đồng khoa học sẽ tổ chức: Cho ý kiến về Danh mục nhiệm vụ khoa học năm 2024; Cho ý kiến về một số dự án Luật phục vụ kỳ họp thứ 5 và thứ 6, Quốc hội khóa XV khi được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Lãnh đạo Quốc hội yêu cầu; Tổ chức Hội thảo khoa học đánh giá 10 năm thi hành Hiến pháp năm 2013;...-

Bên cạnh đó, Hội đồng khoa học sẽ tiếp tục tổ chức các hình thức hoạt động phù hợp để nâng cao hiệu quả trong công tác nghiên cứu, tham mưu đóng góp ý kiến về mặt khoa học đối với những vấn đề khó, phức tạp, những vấn đề có ý kiến khác nhau trong các dự án luật, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, các vấn đề quan trọng của đất nước. Đồng thời, tham mưu, tư vấn hiệu quả hơn nữa để giúp Uỷ ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo việc xây dựng, tổ chức thực hiện chương trình, kế hoạch hoạt động khoa học và công nghệ; phối hợp thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và công nghệ trong cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và Văn phòng Quốc hội.

Điều hành nội dung Phiên họp, Phó Chủ tịch Hội đồng khoa học Lê Quang Huy đề nghị các thành viên Hội đồng khoa học cho ý kiến tập trung vào hai nội dung cụ thể: (1) Xem xét, cho ý kiến về dự thảo Báo cáo kết quả công tác năm 2022 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2023 của Hội đồng khoa học của Ủy ban Thường vụ quốc hội; (2) Xem xét, cho ý kiến về định hướng một số nội dung nghiên cứu khoa học năm 2024.

Cho ý kiến tại Phiên họp, các thành viên Hội đồng khoa học cơ bản thống nhất cao với dự thảo Báo cáo tổng kết công tác năm 2022, phương hướng nhiệm vụ năm 2023. Cho rằng, dự thảo Báo cáo được chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng, các thành viên nhấn mạnh, nội dung báo cáo đã phản ánh thực chất, sinh động hoạt động của Hội đồng khoa học trong năm 2022.

TS. Bùi Sỹ Lợi, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội, thành viên Hội đồng khoa học

Tuy nhiên, để hoàn thiện Báo cáo, nhiều ý kiến đề nghị, cần bổ sung thêm đánh giá về hình thức, phương thức hoạt động của Hội đồng khoa học; gắn kết chặt chẽ hoạt động của Hội đồng khoa học với Hội đồng Dân tộc và các Uỷ ban của Quốc hội; huy động các thành viên Hội đồng khoa học dưới các hình thức khác nhau tham gia vào quá trình triển khai các Đề tài khoa học; tập hợp các báo cáo khoa học thành Kỷ yếu khoa học hàng năm;.... Đồng thời, đề xuất nhiều giải pháp cụ thể nhằm phát huy trí tuệ tập thể, đóng góp về mặt khoa học phục vụ tốt các nhiệm vụ được giao, góp phần vào thành công trong hoạt động của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Kết luận Phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, đã có 08 ý kiến đóng góp với thành phần phát biểu đa dạng, phong phú. Trong đó, các ý kiến đều cơ bản đồng tình với dự thảo báo cáo, đồng thời, phân tích đánh giá, làm sâu sắc thêm nhiều nội dung trọng tâm.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh, trong năm 2022 Hội đồng khoa học đã thực hiện đúng yêu cầu, chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, hoàn thành tốt nhiệm vụ đề ra. Trong đó, các quy chế, kế hoạch được ban hành kịp thời, đúng quy định, bảo đảm đúng pháp luật, bảo đảm nguyên tắc dân chủ và khả thi; các phiên họp thường kỳ diễn ra đầy đủ; các thành viên Hội đồng khoa học tham gia tích cực, phát huy trí tuệ tập thể với tinh thần, trách nhiệm cao… Qua đó, đã đóng góp tích cực vào hoạt động của Quốc hội theo hướng gắn liền với chương trình nghiên cứu và chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội.

Ghi nhận và đánh giá cao 06 kết quả nổi bật đạt được, tuy nhiên, Phó Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý, kết quả thu được mới chỉ là bước đầu, Hội đồng khoa học cần tiếp tục đổi mới trên tinh thần cầu thị, lắng nghe nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động trong thời gian tới.

Về phương hướng, nhiệm vụ năm 2023, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, tập trung và phát huy trí tuệ của các nhà khoa học trong các hoạt động của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ, các cơ quan của Quốc hội về xây dựng pháp luật, giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và tổ chức hoạt động của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; làm sâu sắc, có trí tuệ, có tính khoa học hơn, thiết thực và gắn kết với hoạt động của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng khoa học của UBTVQH Nguyễn Khắc Định 

Rà soát lại 137 nhiệm vụ lập pháp của Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV theo Kết luận 19-KL/TW của Bộ Chính trị về định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV và Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15 ngày 5/11/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội triển khai thực hiện Kết luận số 19-KL/TW của Bộ Chính trị và Đề án Định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV; 107 nhiệm vụ trong Chương trình hành động của Đảng đoàn Quốc hội thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII;..., Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, đây là những vấn đề có ý nghĩa thiết thực với hoạt động của Quốc hội cần tập trung nghiên cứu. Đồng thời, Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị, dựa trên cơ sở đó cần xác định cụ thể Danh mục phù hợp để mời các thành viên Hội đồng khoa học cả trong và ngoài cơ quan tham gia góp ý, phản biện.

Ngoài ra,Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đánh giá cao Viện Nghiên cứu lập pháp đã có nhiều đổi mới, thực hiện tốt nhiệm vụ là cơ quan đầu mối, cơ quan thường trực Hội đồng khoa học. Để tiếp tục hoàn thiện báo cáo, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, Viện Nghiên cứu lập pháp tiếp thu đầy đủ các ý kiến phát biểu, khẩn trương thoàn chỉnh Báo cáo tổng kết để trình Ủy ban thường vụ Quốc hội.

Một số hình ảnh tại Phiên họp thứ tư của Hội đồng khoa học:

Toàn cảnh Phiên họp thứ tư của Hội đồng khoa học của Ủy ban Thường vụ Quốc hội 

Phó Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng khoa học Nguyễn Khắc Định; Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Phó Chủ tịch Hội đồng khoa học Lê Quang Huy đồng chủ trì Phiên họp.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh, trong năm vừa qua, Hội đồng khoa học đã có nhiều đóng góp vào hoạt động của Quốc hội theo hướng gắn liền với chương trình nghiên cứu và chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội. Trong đó, tại Phiên họp thứ hai, Hội đồng khoa học đã tổ chức “Góp ý sửa đổi Luật đất đai theo Nghị quyết số 18 – NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII”; và Phiên họp thứ ba đã góp ý vào dự thảo “Quy định của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống “lợi ích nhóm”, tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật”…

Các thành viên Hội đồng khoa học của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tham dự Phiên họp 

Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Nguyễn Văn Hiển trình bày dự thảo “Báo cáo tổng kết công tác năm 2022, phương hướng nhiệm vụ năm 2023” và dự thảo Định hướng một số nội dung nghiên cứu trong năm 2023 của Hội đồng khoa học của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

GS. TS Võ Khánh Vinh, thành viên Hội đồng khoa học cơ bản đồng tình với dự thảo Báo cáo. Đồng thời, nhấn mạnh báo cáo đã thể hiện chân thực, sinh động hoạt động của Hội đồng khoa học năm 2022

TS.Bùi Sỹ Lợi, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội, thành viên Hội đồng khoa học tán thành với những nội dung trọng tâm của Báo cáo, đề nghị làm rõ hơn về

Các thành viên Hội đồng khoa học của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tham dự Phiên họp 

Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành góp ý trực tiếp vào kết quả công tác năm 2022 và nhiệm vụ năm 2023 của Hội đồng khoa học

TS.Lưu Bình Nhưỡng - Phó Trưởng Ban Dân nguyện, thành viên Hội đồng khoa học đề nghị tập hợp các báo cáo khoa học thành Kỷ yếu khoa học hàng năm

PGS.TS Hoàng Thế Liên, thành viên Hội đồng khoa học góp ý vào dự thảo Báo cáo và định hướng một số nội dung nghiên cứu khoa học năm 2024

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định chụp ảnh lưu niệm cùng các thành viên Hội đồng khoa học của Ủy ban Thường vụ Quốc hội 

Lê Anh - Nghĩa Đức