HỘI ĐỒNG KHOA HỌC CỦA ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI PHÊ DUYỆT DANH MỤC ĐỀ TÀI NGHIÊN CỨU KHOA HỌC NĂM 2022

22/03/2021

Chiều 22/3, tại Nhà Quốc hội, Hội đồng khoa học của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã họp phê duyệt Danh mục đề tài nghiên cứu khoa học năm 2022. Ts. Uông Chu Lưu, Phó Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng khoa học chủ trì hội nghị

Toàn cảnh Hội nghị 

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng khoa học Ts. Uông Chu Lưu cho biết, danh mục nhiệm vụ khoa học và công nghệ năm 2020, trên cơ sở các đề xuất của Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các cơ quan thuộc UBTVQH và Văn phòng Quốc hội, Viện Nghiên cứu lập pháp đã tổng hợp, rà soát, xin ý kiến Hội đồng khoa học của Viện, tổ chức các Hội đồng tư vấn xác định nhiệm vụ theo quy định và lãnh đạo Viện Nghiên cứu lập pháp đã cho ý kiến bước đầu. Thực hiện chỉ đạo của Thường trực Hội đồng khoa học, Viện Nghiên cứu lập pháp đã lập dự kiến Danh mục các nhiệm vụ khoa học (phân thành 3 nhóm: Nhóm ưu tiên 1: gồm các nhiệm vụ đề xuất sẽ triển khai; Nhóm ưu tiên 2: gồm các nhiệm vụ có thể được triển khai và Nhóm 3 đề xuất không thực hiện) và gửi xin ý kiến bằng văn bản tới các đồng chí thành viên Hội đồng khoa học của UBTVQH, báo cáo Thường trực Hội đồng khoa học về dự kiến tiếp thu.

Phó Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng khoa học Ts. Uông Chu Lưu nhấn mạnh, việc chuẩn bị dự kiến danh mục nhiệm vụ khoa học và công nghệ đã được thực hiện qua nhiều bước, theo đúng quy định, rất cận trọng và công phu. Nghiên cứu khoa học luôn luôn phải chủ động đi trước một bước để chuẩn bị cơ sở lý luận, cơ sở khoa học giúp cho các quyết sách của Quốc hội được chính xác và hiệu quả.

Phó Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng khoa học Ts. Uông Chu Lưu 

Trình bày Tờ trình Dự kiến Danh mục Đề tài nghiên cứu khoa học năm 2022, Ts. Nguyễn Văn Hiển, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp cho biết, Viện đã nhận được 96 đề xuất nhiệm vụ khoa học cấp bộ, 07 đề xuất nhiệm vụ khoa học cấp cơ sở. Nội dung các đề xuất khá đa dạng, liên quan đến nhiều lĩnh vực, như: nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện các chính sách, pháp luật trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, tổ chức bộ máy nhà nước, khoa học, công nghệ, bảo đảm, bảo vệ quyền con người  quyền công dân, tăng cường các giải pháp nâng cao chất lượng công tác xây dựng pháp luật, giám sát tối cao, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, hoàn thiện tổ chức và hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, cơ quan tham mưu, giúp việc cho Quốc hội, UBTVQH… Trong đó, nhiều đề xuất có tính mới, thời sự, phục vụ trực tiếp cho hoạt động của Quốc hội, UBTVQH, các cơ quan của Quốc hội sẽ được triển khai trong năm 2020, 2030 và những năm tiếp theo. Tuy nhiên, cũng có không ít đề xuất còn trùng lắp với các công trình đã và đang nghiên cứu tại các cơ sở nghiên cứ khoa học và công nghệ trong 5 năm gần đây, có đề xuất chưa bảo đảm tính kịp thời và nếu thực hiện sẽ chậm so với chương trình xây dựng luật, pháp lệnh.

Ts. Nguyễn Văn Hiển, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp

Ts. Nguyễn Văn Hiển, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp đề nghị Hội đồng khoa học xem xét thông qua về nguyên tắc Danh mục đề xuất nhiệm vụ khoa học cấp bộ, cấp cơ sở dự kiến thực hiện từ năm 2022. Để đảm bảo tính khoa học, thực tiễn và nâng cao khả năng ứng dụng của đề tài, Viện Nghiên cứu lập pháp kiến nghị Hội đồng khoa học của UBTVQH cho định hướng ưu tiên triển khai các đề tài phục vụ trực tiếp cho quá trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội.

Cho ý kiến vào Danh mục đề tài, đa số ý kiến các thành viên Hội đồng khoa học cơ bản thống nhất với danh mục nhiệm vụ khoa học công nghệ năm 2022 gồm: 15 nhiệm vụ khoa học cấp bộ (trong đó có 09 nhiệm vụ khoa học ưu tiên 1 và 06 nhiệm vụ khoa học ưu tiên 2) và 04 nhiệm vụ khoa học cấp cơ sở. Đồng thời, nhấn mạnh, danh mục phải đáp ứng đầy đủ các yêu cầu mang tính nguyên tắc được quy định trong Quy chế quản lý khoa học và công nghệ trong các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan thuộc UBTVQH, Đoàn ĐBQH và Văn phòng Quốc hội phù hợp với bối cảnh cụ thể, phục vụ thiết thực cho hoạt động của Quốc hội./.

Lê Anh