ĐBQH Nguyễn Văn Hiển, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp chủ trì Hội nghị.
Viện trưởng Viện Nghiên cứu Lập pháp Nguyễn Văn Hiển phát biểu tại Hội nghị
Phát biểu tại Hội nghị, Viện trưởng Nguyễn Văn Hiển nêu rõ, hoạt động nghiên cứu khoa học trong nhiều năm qua đã có những đóng góp tích cực cho công tác lập pháp cũng như giám sát những vấn đề quan trọng của Quốc hội. Trong đó, Viện Nghiên cứu lập pháp đã có nhiều đề tài và có đóng góp thiết thực, cung cấp nhiều chuyên đề nghiên cứu khoa học bám sát nội dung, chương trình làm việc của Quốc hội, kịp thời cung cấp thêm thông tin, các luận cứ khoa học để các đại biểu Quốc hội nghiên cứu, tham khảo khi xem xét, quyết định các vấn đề tại kỳ họp.
Tuy nhiên, Viện trưởng Nguyễn Văn Hiển cũng chỉ rõ, một số đề tài chưa đáp ứng được yêu cầu ngay từ khâu xét duyệt và tuyển chọn đề tài, chưa thật sự thiết thực hoặc chưa bám sát hoạt động của Quốc hội, nhất là hoạt động tại Kỳ họp. Bên cạnh đó, một số đề tài còn có sự trùng lắp với các cơ sở nghiên cứu như Viện Hàn lâm, Viện Nhà nước pháp luật, Viện Khoa học pháp lý hay Đại học Quốc gia... dẫn đến đầu tư lãng phí.
Toàn cảnh hội nghị
Trong năm 2021, với 18 đề tài cấp Bộ và 1 đề tài cấp cơ sở đăng ký, Viện trưởng Nguyễn Văn Hiển nêu rõ, trong quá trình tuyển chọn, Viện Nghiên cứu lập pháp sẽ mời các nhà khoa học tham gia, tạo mạng lưới liên kết với các cơ sở nghiên cứu ngay từ khi xét duyệt đề tài để tránh được sự trùng lặp.
Bên cạnh đó, cần phân định rõ trách nhiệm của Chủ nhiệm đề tài, trách nhiệm của cơ quan chủ trì và trách nhiệm của cơ quan chủ quản. Trong quá trình quản lý, Viện Nghiên cứu lập pháp chịu trách nhiệm trước cơ quan quản lý khoa học, cơ quan tài chính cấp trên về chất lượng cũng như tài chính của đề tài. Do đó, các hội thảo, hoạt động nghiên cứu cần có sự tham gia của cơ quan chủ trì để biết được chất lượng đề tài như thế nào./.