TẠO CƠ CHẾ VƯỢT TRỘI, ĐỘT PHÁ, KHAI THÁC HIỆU QUẢ CÁC TIỀM NĂNG, THẾ MẠNH CỦA THỦ ĐÔ

16/09/2023

Tại Hội thảo Góp ý dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) do Viện Nghiên cứu lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội phối hợp cùng Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tổ chức vào chiều 15/9, nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng, quy định tại Luật sửa đổi cần tạo cơ chế vượt trội, đột phá nhằm khai thác hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh của Thủ đô.

HỘI THẢO GÓP Ý DỰ THẢO LUẬT THỦ ĐÔ (SỬA ĐỔI)

Toàn cảnh Hội thảo

TS. Nguyễn Văn Hiển, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Phương Thủy đồng chủ trì hội thảo. Tham dự Hội thảo có đại diện Thường trực Ủy ban Pháp luật, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội; đại diện Đoàn ĐBQH TP. Hà Nội; các chuyên gia, nhà khoa học;…

Phát biểu khai mạc hội thảo, TS. Nguyễn Văn Hiển, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp cho biết, Luật Thủ đô được Quốc hội thông qua ngày 21/11/2012 và có hiệu lực từ ngày 1/7/2013. Luật này đã tạo ra động lực rất lớn cho phát triển kinh tế, xã hội Thủ đô những năm vừa qua.

Tuy nhiên, sau 10 năm đi vào đời sống, bên cạnh những kết quả đạt được, Luật Thủ đô đã bộc lộ những vướng mắc, đòi hỏi phải sớm sửa đổi cho phù hợp với điều kiện thực tiễn, tạo động lực phát triển mới, từ những chính sách đặc thù, đột phá để Thủ đô phát huy các tiềm năng, thế mạnh, khẳng định vị thế đầu tàu của cả nước. Vì vậy, trong Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 6 (10/2023) tới đây.

TS. Nguyễn Văn Hiển, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp

TS. Nguyễn Văn Hiển nhấn mạnh, với vai trò là cơ quan tham mưu, nghiên cứu, Viện nghiên cứu lập pháp phối hợp với Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tổ chức hội thảo lấy ý kiến của các chuyên gia, các nhà khoa học – là kênh thông tin độc lập nhằm phục vụ quá trình thẩm tra cũng như cho ý kiến tại Phiên họp 26 của Ủy ban thường vụ Quốc hội trước khi trình Quốc hội.

Bày tỏ tán thành cao với sự cần thiết sửa đổi Luật Thủ đô, các chuyên gia tập trung góp ý toàn diện vào những nội dung trọng tâm của dự thảo như: Tổ chức chính quyền tại Tp. Hà Nội; công tác xây dựng quy hoạch Thủ đô; Chính sách ưu đãi đầu tư; Huy động nguồn lực đầu tư phát triển; Thẩm quyền của chính quyền thành phố;…

Liên quan đến quy định về phát triển y tế Thủ đô và chăm sóc sức khỏe Nhân dân, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Đặng Đình Luyến đề nghị cơ quan soạn thảo cần quy định rõ cơ sở, căn cứ để quy định chế độ tài chính, các giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, giá dịch vụ cấp cứu ngoại viện,…  nêu tại khoản 3 Điều này để bảo đảm hợp lý, bảo đảm quyền, lợi ích chính đáng của công dân và thống nhất hệ thống pháp luật.

Bên cạnh đó, ông Đặng Đình Luyến cũng cho rằng, quy định “việc hỗ trợ đất sản xuất cho hộ dân tộc thiểu số nghèo sinh sống ở xã vùng dân tộc thiểu số và miền núi làm nghề nông, lâm nghiệp không có hoặc thiếu từ 50% đất sản xuất trở lên; Trường hợp không bố trí được đất sản xuất thì hỗ trợ chuyển đổi nghề, tìm việc làm” như tại dự thảo Luật là không đồng bộ, không thống nhất với quy định của Nghị quyết số 88/2019/QH14 của Quốc hội về Phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, trong đó có đề ra nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu là: Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt.

Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Đặng Đình Luyến góp ý tại hội thảo

Vì vậy, ông Đặng Đình Luyến đề nghị cơ quan soạn thảo sửa lại quy định của dự thảo Luật nhằm bảo đảm chính sách của Nhà nước về giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt của các hộ đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, bảo đảm thống nhất với quyết số 88/2019/QH14 của Quốc hội.

Góp ý vào quy định Phát triển các khu công nghệ cao, TS. Vương Quang Lượng, Trưởng phòng Nghiên cứu và dự báo thị trường, Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương cho biết, trên địa bàn các huyện ở Hà Nội hiện đã và đang quy hoạch phát triển các Khu công nghiệp, trong tương lai, một số huyện này có thể phát triển lên thành quận.

Do đó, TS. Vương Quang Lượng kiến nghị cần nghiên cứu bổ sung thêm nội dung về “khuyến khích” hoặc “thúc đẩy” các Khu công nghiệp hiện có và Khu công nghiệp đã được quy hoạch để “từng bước” phát triển thành khu công nghiệp công nghệ cao và khu công nghiệp sinh thái để bảo đảm môi trường đô thị Hà Nội trong tương lai.

TS. Hoàng Thị Ngân, nguyên Vụ trưởng Vụ Tổ chức Hành chính nhà nước và Công vụ, Văn phòng Chính phủ 

Quan tâm tới quy định về thẩm quyền của chính quyền thành phố, TS. Hoàng Thị Ngân, nguyên Vụ trưởng Vụ Tổ chức Hành chính nhà nước và Công vụ, Văn phòng Chính phủ nhấn mạnh, việc trao những thẩm quyền vượt trội cho Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân thành phố là phù hợp với định hướng chính sách của dự án Luật.

Theo TS. Hoàng Thị Ngân, thủ tục để thực hiện ủy quyền bao quát nhiều vấn đề pháp lý, kể cả điều kiện, phạm vi, hậu quả của ủy quyền và cả các bảo đảm về tài chính, nguồn nhân lực và các điều kiện cần thiết khác để thực hiện các nhiệm vụ được ủy quyền. Hiện nay, Luật ban hành quyết định hành chính đang được nghiên cứu xây dựng và đặt ra nhiều vấn đề về ủy quyền. Vì vậy, cơ quan soạn thảo nên cân nhắc quy định “Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội quy định trình tự giải quyết các thủ tục hành chính để thực hiện việc ủy quyền” và cũng cần làm rõ phạm vi của giải quyết các thủ tục hành chính.

Cũng tại hội  thảo, các ý kiến chuyên gia lưu ý, mặc dù dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) có nhiều ý tưởng, đề xuất đột phá, có nhiều điểm khác biệt với nhiều luật và văn bản dưới luật hiện hành. Tuy nhiên, các vấn đề còn chưa thống nhất hoặc mâu thuẫn với các luật khác cần tính đến lộ trình và đánh giá tác động trên cơ sở tính toán đến các yếu tố về chủ trương của Đảng; Luật và các văn bản dưới luật hiện hành; nguồn lực của Hà Nội; cơ chế giám sát, trách nhiệm giải trình, minh bạch.

Bên cạnh đó, quy định giao quyền cho Hà Nội về quyết định biên chế cán bộ, công chức, số lượng viên chức là cần thiết, song cần làm rõ quy trình theo hướng quá trình tuyển dụng cần có sự tham gia của cơ quan đại diện Bộ Nội vụ trong hội đồng tuyển dụng nhằm tăng cường giám sát, đảm bảo tính minh bạch.

Ngoài ra, dự thảo cần bổ sung điều khoản về cơ chế minh bạch, giám sát, giải trình của các nội dung về phân cấp, phân quyền, trong đó quy định cụ thể việc thực hiện cơ chế báo cáo đối với các nội dung được phân cấp, phân quyền nhằm đảm bảo hiệu lực, hiệu quả trong phân cấp, phân quyền.

Phát biểu kết luận hội thảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Nguyễn Văn Hiển ghi nhận và đánh giá cao ý kiến góp ý tâm huyết, trách nhiệm của các chuyên gia, nhà khoa học. Đồng thời, cho biết, kết quả của hội nghị sẽ được nghiên cứu, tổng hợp đầy đủ góp phần cung cấp thông tin tham khảo phục vụ quá trình thẩm tra cũng như cho ý kiến hoàn thiện dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi)./.

Lê Anh - Ngọc Thúy