HỘI THẢO KHOA HỌC: MỘT SỐ VẤN ĐỀ VỀ TƯ DUY LẬP PHÁP

16/11/2022

Sáng 16/11, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Ban Chủ nhiệm Đề tài tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề “Một số vấn đề về tư duy lập pháp: Kinh nghiệm thế giới và thực trạng ở nước ta hiện nay”. TS. Lê Hải Đường, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp và TS. Phạm Trọng Nghĩa, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Xã hội - Chủ nhiệm đề tài đồng chủ trì hội thảo.

HỘI THẢO KHOA HỌC: PHÁT TRIỂN KINH TẾ BAN ĐÊM Ở VIỆT NAM

Toàn cảnh Hội thảo khoa học

Tham dự hội thảo có: đại diện một số bộ, ngành có liên quan; đại diện các Trung tâm, đơn vị thuộc Viện Nghiên cứu lập pháp; các chuyên gia, nhà nghiên cứu đến từ Viện Nghiên cứu pháp luật và kinh tế Asean, Viện Hàn Lâm Khoa học - Xã hội Việt Nam,…

Hội thảo bao gồm 02 Phiên: Phiên thứ nhất - Một số vấn đề chung về đổi mới tư duy lập pháp; Phiên thứ 2 - Kinh nghiệm quốc tế về đổi mới tư duy lập pháp. Theo đó, các chuyên gia tập trung cho ý kiến, thảo luận về: Những thành tựu và hạn chế về phát triển tư duy lập pháp qua các thời kỳ; Một số vấn đề đặt ra đối với đổi mới tư duy lập pháp trong bối cảnh xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở nước ta hiện nay; Định hướng nghiên cứu về đổi mới tư duy lập pháp;…

Ngoài ra, các chuyên gia cũng phân tích về các trường phái tư duy lập pháp trên thế giới và các yếu tố ảnh hưởng tác động; chia sẻ quy trình lập pháp của một số quốc gia trên thế giới và đưa ra nhiều khuyến nghị, bài học kinh nghiệm cho Việt Nam.

Qua thảo luận, các chuyên gia cho rằng, lập pháp là một trong những chức năng quan trọng nhất của Quốc hội. Chức năng này đã được quy định trong các Hiến pháp (năm 1946, 1959, 1980, 1992 và 2013) và đư¬ợc quy định cụ thể trong các luật tổ chức Quốc hội, Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật và trong các văn bản pháp luật khác.

 Từ khi Nhà nước ta thực hiện công cuộc đổi mới toàn diện đất nước đến nay, hoạt động lập pháp của Quốc hội ngày càng được tăng cường và đẩy mạnh. Số lượng các văn bản pháp luật được Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội ban hành ngày càng nhiều, nhằm điều chỉnh các quan hệ xã hội trong mọi lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, v.v…  Một trong những nguyên nhân quan trọng mà hoạt động lập pháp trong những năm gần đây được tăng cường, đẩy mạnh là được Đảng và Nhà nước ta luôn luôn quan tâm đến công tác lập pháp, đổi mới tư duy, sáng tạo trong hoạt động lập pháp (đổi mới quy trình lập pháp) ở nước ta. Vấn đề này được thể hiện qua việc ban hành và sửa đổi Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, bao gồm đổi mới tư duy về quy trình lập pháp (đổi mới tư duy lập pháp).

 Theo các chuyên gia, quy trình lập pháp mới đã phát huy tác dụng tích cực trong quá trình Quốc hội xem xét, thông qua luật. Số lượng luật, bộ luật được ban hành ngày càng nhiều. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được việc thực hiện quy trình lập pháp mới vẫn còn có những hạn chế, bất cập như: Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật chưa quy định cụ thể về quy trình giải trình, tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội để chỉnh lý dự thảo luật; Khả năng thích ứng của hệ thống pháp luật trước những biến chuyển nhanh chóng của thực tiễn còn hạn chế;…

Các chuyên gia cho rằng, công tác lập pháp phải không ngừng đổi mới về nhận thức và cách thức thực hiện, đưa cuộc sống vào luật, xây dựng hệ thống pháp luật kiến tạo và phát triển, đảm bảo tiếng nói phản biện của công dân; đánh giá tác động của các chính sách trong dự Luật một cách thực chất… Đồng thời, xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác xây dựng pháp luật chuyên nghiệp hóa; xây dựng đội ngũ chuyên gia trong nghiên cứu, đề xuất chính sách pháp luật cũng như thẩm tra các dự án Luật…./.

Lan Anh