HỘI THẢO KHOA HỌC: PHÁT TRIỂN KINH TẾ BAN ĐÊM Ở VIỆT NAM

11/11/2022

Sáng 11/11, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội phối hợp với Ban Chủ nhiệm đề tài tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam – Thực trạng và giải pháp”. TS. Lê Hải Đường, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp chủ trì hội thảo.

KINH NGHIỆM MỘT SỐ QUỐC GIA TRÊN THẾ GIỚI VỀ QUYỀN SỞ HỮU ĐỐI VỚI TÀI SẢN ẢO VÀ KHUYẾN NGHỊ CHO VIỆT NAM

HỘI THẢO THỂ CHẾ VỀ NÔNG NGHIỆP CÔNG NGHỆ CAO

Toàn cảnh Hội thảo "Phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam – Thực trạng và giải pháp”

Tham dự hội thảo có các chuyên gia, nhà khoa học đến từ: Viện Nghiên cứu phát triển bền vững vùng; Hiệp hội Kế toán và kiểm toán Việt Nam; Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân,...; đại diện các Trung tâm, đơn vị thuộc Viện Nghiên cứu lập pháp.

Phát biểu khai mạc hội thảo, TS. Lê Hải Đường, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp cho biết, kinh tế ban đêm đang ngày càng được nhiều quốc gia chú trọng khai thác và được coi là một động lực tăng trưởng kinh tế mới. Hình ảnh truyền thống của những khu vực trung tâm thành phố yên tĩnh, vắng vẻ vào ban đêm hiện nay không còn xuất hiện trong thực tế ở nhiều nước. Kinh tế ban đêm đã hiện hữu ở các thành phố, đặc biệt những nơi có nhiều khách du lịch và trở thành một phần quan trọng trong cuộc sống của các trung tâm thành phố và thủ đô.

Theo TS. Lê Hải Đường, mặc dù chưa có báo cáo, thống kê cụ thể về đóng góp của Kinh tế ban đêm vào phát triển kinh tế - xã hội của cả nước nhưng từ lâu một số hoạt động đêm đã trở thành một nét sinh hoạt văn hóa, đời sống của một bộ phận người dân địa phương và địa điểm không thể bỏ qua của khách du lịch.

Việt Nam cũng được đánh giá là quốc gia có tiềm năng phát triển kinh tế ban đêm bởi nền chính trị ổn định, không có nguy cơ khủng bố; hoạt động du lịch ngày càng phát triển mạnh mẽ, đặc biệt là du lịch quốc tế; quá trình đô thị hóa diễn ra khá nhanh chóng; lực lượng dân số trẻ dồi dào và sự gia tăng số lượng tầng lớp trung lưu. Tuy vậy, hoạt động kinh tế ban đêm ở Việt Nam còn có nhiều hạn chế như: hoạt động còn nghèo nàn, đơn điệu và manh mún ở một số đô thị và trung tâm du lịch lớn;...

Bên cạnh đó, hoạt động kinh tế ban đêm còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, thách thức liên quan tới vấn đề an ninh trật tự, an toàn xã hội địa phương. Các vấn đề như: ô nhiễm tiếng ồn, ánh sáng, rác thải; phòng cháy chữa cháy, tình trạng chiếm dụng trái phép không gian công cộng phục vụ cho hoạt động kinh doanh (lấn chiếm vỉa hè, lòng đường) và tệ nạn xã hội (như: tội phạm, mại dâm, lai căng về văn hóa) phát sinh khó lường và gây khó khăn cho công tác quản lý,… Áp lực về cung cấp hệ thống hạ tầng thiết yếu như: xử lý chất thải, cung cấp điện, nước,… ngày càng tăng. Một trong những nguyên nhân quan trọng làm cản trở sự phát triển của các hoạt động kinh tế ban đêm thời gian qua ở Việt Nam, đó chính là: mô hình kinh tế ban đêm còn khá mới mẻ và chưa được nhận thức đầy đủ nên các Bộ, ngành, địa phương gặp trở ngại trong việc ban hành chính sách và quản lý các khu vực trung tâm, đô thị vào ban đêm.

Do đó, TS. Lê Hải Đường nhấn mạnh, hội thảo “Phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam – thực trạng và giải pháp” nhằm đánh giá tình hình phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam cũng như tìm ra giải pháp nhằm hoàn thiện chính sách, pháp luật thúc đẩy phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam.

Tại hội thảo các chuyên gia, nhà khoa học đã tập trung làm rõ những mặt được cũng như hạn chế hiện nay trong việc phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam đồng thời đề xuất nhiều giải pháp cụ thể nhằm hoàn thiện chính sách, pháp luật.

Nhấn mạnh kinh tế đêm là bộ phận không tách rời của nền kinh tế, các chuyên gia cho rằng, phát triển kinh tế đêm nhằm thúc đẩy tiêu dùng trong nước và phát triển du lịch. Bên cạnh đó, phát triển kinh tế ban đêm sẽ góp phần phát triển nền kinh tế, tạo công ăn việc làm, thu nhập cho người lao động và tận dụng tối đa các tài nguyên, nguồn lực tại chỗ để thu hút khách du lịch, tạo động lực mới cho sự phát triển xã hội. Lợi thế của kinh tế ban đêm là thu hút khách du lịch và tạo điểm nhấn, màu sắc cho từng địa phương, từng vùng miền, từng khu vực.

Cũng theo các chuyên gia, tại Việt Nam, kinh tế đêm đã được quan tâm với một số dịch vụ phổ biến đã được triển khai trên thực tế ở một số đô thị du lịch lớn như TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Hội An.. . Những hình thức kinh tế đêm phổ biến ở những điểm đến này bao gồm: các khu chợ đêm, phố ăn đêm, các chuỗi cửa hàng tiện lợi 24/24, các tuyến phố đi bộ, tuyến phố dịch vụ ẩm thực,.. Một số địa phương là trung tâm du lịch như Hội An, Nha Trang. Bên cạnh những kết quả đạt được, phát triển kinh tế đêm trong hoạt động du lịch cũng gặp phải những khó khăn, vướng mắc như: Thiếu các chính sách đặc thù để khuyến khích phát triển kinh tế đêm; Sản phẩm, dịch vụ ban đêm tại hầu hết địa phương vẫn chưa thực sự đa dạng;…

Trên cơ sở phân tích, đánh giá thực trạng, các chuyên gia kiến nghị, kinh tế đêm cần được đầu tư đa dạng và phong phú tạo điều kiện tăng khả năng giữ chân được du khách. Từ đó, tạo môi trường thuận lợi cho việc vận hành cách hoạt động, dịch vụ kèm theo, thu hút đầu tư vào các loại hình dịch vụ mang tính đặc thù này.

Ngoài ra, nhiều ý kiến cũng đề xuất cần có nhận thức đầy đủ về vai trò của kinh tế đêm đối với phát triển du lịch; có quan rõ ràng về xây dựng và hoàn thiện khung pháp lý điều chỉnh hoạt động kinh tế đêm ở Việt Nam; tạo điều kiện cho các địa phương chủ động xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế đêm gắn với du lịch;…./.

Lê Anh - Hải Vân