TIẾP TỤC HOÀN THIỆN PHÁP LUẬT VỀ KINH TẾ TUẦN HOÀN

13/10/2022

Sáng 13/10, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Ban Chủ nhiệm Đề tài nghiên cứu “Pháp luật về Kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam – Thực trạng và kiến nghị” tổ chức Hội thảo Góp ý dự thảo Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài. TS.Lê Hải Đường, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp chủ trì Hội thảo.

''PHÁP LUẬT VỀ KINH TẾ TUẦN HOÀN – MỘT SỐ VẤN ĐỀ ĐẶT RA''

Toàn cảnh Hội thảo

Tham dự hội thảo có: PGS.TS Hoàng Văn Tú - Nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp, Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội Nguyễn Thị Kim Anh; các chuyên gia, nhà khoa học đến từ Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công thương, Viện Chiến lược Chính sách Tài nguyên và Môi trường, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam; Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam;…

Phát biểu khai mạc, TS. Lê Hải Đường, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp cho biết, phát triển kinh tế tuần hoàn (KTTH) trở thành xu hướng của các quốc gia, giúp giải quyết hiệu quả bài toán giữa lợi ích kinh tế và môi trường. Nhấn mạnh, phát triển kinh tế tuần hoàn là yêu cầu tất yếu của phát triển bền vững trong bối cảnh mới, TS. Lê Hải Đường nhấn mạnh, để thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam bên cạnh việc thực hiện đồng bộ các giải pháp cần tiếp tục nhận diện những vấn đề đặt ra trong quy định pháp luật, từ đó tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về lĩnh vực này là vô cùng cần thiết.

TS. Lê Hải Đường, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp 

Đề tài nghiên cứu khoa học cấp bộ “Pháp luật về Kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam – Thực trạng và kiến nghị” có mục đích cơ bản nhất là xây dựng luận cứ khoa học nhằm tiếp tục hoàn thiện pháp luật về kinh tế tuần hoàn. Theo đó, Đề tài đã tập trung nghiên cứu, làm rõ cơ sở lý luận về KTTH, pháp luật về KTTH; nghiên cứu, đánh giá thực trạng pháp luật về KTTH ở Việt Nam. Đồng thời, đề xuất quan điểm, kiến nghị giải pháp tiếp tục hoàn thiện pháp luật về KTTH trong thời gian tới.

Đề tài tiếp cận xây dựng, hoàn thiện pháp luật về kinh tế tuần hoàn là một hoạt động pháp lý, cụ thể là hoạt động xây dựng pháp luật. Kết quả nghiên cứu của Đề tài nhằm góp phần đóng góp thêm, làm sáng tỏ hơn những vấn đề, khía cạnh liên quan đến cơ sở lý luận hoàn thiện pháp luật về KTTH, như:  Xây dựng khái niệm, chỉ ra đặc điểm, những nội dung cơ bản và vai trò của pháp luật về KTTH;  Tổng kết kinh nghiệm của nước ngoài và kiến nghị một số giải pháp phù hợp với Việt Nam về phát triển KTTH;…

Ngoài phần Mở đầu, tổng quan, kết luận, phụ lục, tài liệu tham khảo, Đề tài được kết cấu truyền thống gồm 3 chương: Chương I - Những vấn đề lý luận về pháp luật Kinh tế tuần hoàn; Chương II - Thực trạng pháp luật về Kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam; Chương III - Bối cảnh, quan điểm và giải pháp hoàn thiện pháp luật về Kinh tế tuần hoàn.

PGS.TS Nguyễn Thế Chinh – Nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Chính sách Tài nguyên và Môi trường

Tại hội thảo, các chuyên gia nhấn mạnh, Đề tài nghiên cứu có tính thời sự, rất có ý nghĩa trong bối cảnh thế giới đang đối mặt với tình trạng biến đổi khí hậu khôn lường, ảnh hưởng tới an ninh lương thực, an ninh nguồn nước, an ninh năng lượng… Việt Nam cũng đối mặt với những thách thức này. Kết quả nghiên cứu của Đề tài sẽ cung cấp cho đại biểu Quốc hội bức tranh tổng thể hệ thống pháp luật về kinh tế tuần hoàn của Việt Nam, cũng như kinh nghiệm thế giới, từ đó, hướng tới việc hoàn thiện thể chế về lĩnh vực này.

Cơ bản nhất trí với Bố cục, nội dung cơ bản Đề tài, các chuyên gia cho rằng, kết cấu thể hiện rất rõ ràng, logic, gắn bó chặt chẽ với tên, nội hàm của Đề tài. Đề tài đã đảm bảo thực hiện theo mục tiêu, nội dung nghiên cứu của đề tài.

Cũng theo các chuyên gia, Đề tài sử dụng các phương pháp nghiên cứu cơ bản phù hợp, giúp cho việc nghiên cứu thêm phong phú, có tính thuyết phục cao. Văn phong mạch lạc giữa cơ sở lý thuyết và sự vận dụng của cơ sở lý luận vào nghiên cứu nội dung của đề tài; cách viết dung dị, dễ hiểu, có nhiều thông tin, lôi cuốn người đọc.

Đánh giá cao Nhóm nghiên cứu đã có sự nghiên cứu nghiêm túc, tìm tòi để phát hiện vấn đề từ lý luận đến thực tiễn, từ thực trạng pháp luật đến đề xuất giải pháp nhằm hoàn thiện pháp luật về kinh tế tuần hoàn, các chuyên gia nhận định, Đề tài đã cung cấp nhiều thông tin về kinh nghiệm quốc tế của nhiều nước, từ đó rút ra các bài học kinh nghiệm cho Việt Nam, làm cơ sở để hoàn thiện pháp luật về kinh tế tuần hoàn.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội Nguyễn Thị Kim Anh

Bên cạnh đó, các ý kiến chuyên gia cũng đưa ra nhiều góp ý cụ thể đối với một số nội dung Ban Chủ nhiệm Đề tài cần tiếp tục hoàn thiện như: Cân nhắc mở rộng thêm nội dung “chính sách về kinh tế tuần hoàn”; Bổ sung đánh giá về thành tựu hoàn thiện pháp luật về kinh tế tuần hoàn lĩnh vực nông nghiệp; Làm rõ hơn cơ chế kết nối giữa các chủ thể làm kinh tế tuần hoàn, chính sách pháp luật về phát triển năng lượng tái tạo ở Việt Nam;…

Ngoài ra, một số ý kiến chuyên gia cũng lưu ý, Ban Chủ nhiệm Đề tài rà soát, bổ sung giải pháp về chuyển đổi số, giúp tăng cường tính kết nối, chia sẻ, liên thông, giảm chi phí, tăng hiệu quả kinh tế; Trong Báo cáo của Đề tài, đề cập nhiều đến các cơ quan nhà nước, cộng đồng doanh nghiệp, nhưng để thực hiện thành công chủ trương cũng như các quy định của pháp luật về kinh tế tuần hoàn, không thể không nói tới người dân – trung tâm của sự phát triển;…

Nhấn mạnh đây là công trình nghiên cứu một cách có hệ thống, đầy đủ, toàn diện về thực trạng pháp luật về kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam, các chuyên gia cũng đề nghị, Ban Chủ nhiệm đề tài cần tập trung làm rõ nét hơn nội dung liên quan đến giải pháp, kiến nghị nhằm hỗ trợ, bảo đảm thực hiện pháp luật về kinh tế tuần hoàn,…

Kết luận hội thảo, TS. Lê Hải Đường, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp ghi nhận và đánh giá cao những ý kiến góp ý sâu sắc, tâm huyết của các chuyên gia, nhà nghiên cứu. Trên cơ sở kết quả hội thảo, TS. Lê Hải Đường cho biết, Ban Chủ nhiệm Đề tài sẽ khẩn trương rà soát, nghiên cứu tiếp thu hoàn thiện kết quả nghiên cứu đảm bảo chất lượng cao nhất. Trong đó, đặc biệt lưu ý, những nội dung đề xuất, kiến nghị về hoàn thiện pháp luật về kinh tế tuần hoàn, bảo đảm sát với thực tiễn, có giá trị phục vụ thiết thực cho công tác lập pháp.

Một số hình ảnh tại Hội thảo:

Hội thảo Góp ý dự thảo Báo cáo kết quả nghiên cứu Đề tài "Pháp luật về kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam - Thực trạng và kiến nghị

TS. Lê Hải Đường, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp, Chủ nhiệm Đề tài chủ trì Hội thảo.

Các chuyên gia, đại biểu tham dự Hội thảo Góp ý dự thảo Báo cáo kết quả nghiên cứu Đề tài "Pháp luật về kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam - Thực trạng và kiến nghị"

PGS. TS Hoàng Văn Tú - Nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp đánh giá cao kết quả nghiên cứu bước đầu của Nhóm nghiên cứu và khẳng định đây là đề tài có tính thời sự, tính cấp thiết cao

 PGS.TS Phạm Thị Tố Oanh, Trưởng Ban Chính sách và phát triển Hợp tác xã ghi nhận nhiều nội dung kiến nghị rất sát thực, có giá trị của Đề tài trong bối cảnh hiện nay nhằm tiếp tục hoàn thiện pháp luật về kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam

PGS.TS Nguyễn Thế Chinh – Nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Chính sách Tài nguyên và Môi trường góp ý nhiều nội dung cụ thể liên quan đến quan điểm và giải pháp hoàn thiện pháp luật về Kinh tế tuần hoàn

Các chuyên gia, đại biểu tham dự Hội thảo Góp ý dự thảo Báo cáo kết quả nghiên cứu Đề tài "Pháp luật về kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam - Thực trạng và kiến nghị"

Ths. Nguyễn Thị Kim Anh - Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội đánh giá cao Nhóm nghiên cứu đã có sự nghiên cứu nghiêm túc, tìm tòi để phát hiện vấn đề từ lý luận đến thực tiễn, từ thực trạng pháp luật đến đề xuất giải pháp nhằm hoàn thiện pháp luật về kinh tế tuần hoàn. Đồng thời nhấn mạnh, Đề tài đã cung cấp nhiều thông tin về kinh nghiệm quốc tế của nhiều nước, từ đó rút ra các bài học kinh nghiệm cho Việt Nam, làm cơ sở để hoàn thiện pháp luật về kinh tế tuần hoàn.

PGS.TS Bùi Nguyên Khánh – Phó Giám đốc Học viện Khoa học xã hội, Viện Hàn lâm khoa học Việt Nam đề nghị Ban Chủ nhiệm Đề tài rà soát, bổ sung làm rõ hơn cơ chế kết nối giữa các chủ thể làm kinh tế tuần hoàn, chính sách pháp luật về phát triển năng lượng tái tạo ở Việt Nam

TS. NGuyễn Văn Hội – Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công thương cho rằng, "kinh tế tuần hoàn” đang là vấn đề rất được quan tâm. Đề tài có tính thời sự, rất có ý nghĩa trong bối cảnh thế giới đang đối mặt với tình trạng biến đổi khí hậu khôn lường, ảnh hưởng tới an ninh lương thực, an ninh nguồn nước, an ninh năng lượng… 

TS. Nguyễn Hoàng Nam – Khoa Môi trường, biến đổi khí hậu và đô thị - Đại học Kinh tế quốc dân cho rằng, Đề tài đã đảm bảo thực hiện theo mục tiêu, nội dung nghiên cứu đề ra với kết cấu 3 chương logic, rành mạch,...

 

Kết luận hội thảo, TS. Lê Hải Đường, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp ghi nhận và đánh giá cao những ý kiến góp ý sâu sắc, tâm huyết của các chuyên gia, nhà khoa học. Trên cơ sở kết quả hội thảo, TS. Lê Hải Đường cho biết, Ban Chủ nhiệm Đề tài sẽ khẩn trương rà soát, nghiên cứu tiếp thu hoàn thiện kết quả nghiên cứu đảm bảo chất lượng cao nhất. Trong đó, đặc biệt lưu ý, những nội dung đề xuất, kiến nghị về hoàn thiện pháp luật về kinh tế tuần hoàn bảo đảm sát với thực tiễn, có giá trị phục vụ thiết thực cho công tác lập pháp./.

Lê Anh - Nghĩa Đức