HỘI THẢO QUAN ĐIỂM, GIẢI PHÁP XÂY DỰNG VÀ HOÀN THIỆN PHÁP LUẬT VỀ TỪ THIỆN NHÂN ĐẠO Ở VIỆT NAM

07/10/2022

Sáng 07/10, tại Hà Nội, Viện nghiên cứu lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Ban Chủ nhiệm Đề tài khoa học tổ chức hội thảo “Quan điểm, giải pháp xây dựng và hoàn thiện pháp luật về từ thiện nhân đạo ở Việt Nam”. TS. Lê Hải Đường, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp chủ trì hội thảo.

QUY ĐỊNH PHÁP LUẬT VỀ HOẠT ĐỘNG TỪ THIỆN NHÂN ĐẠO CÒN TẢN MẠN, CHỒNG CHÉO

Toàn cảnh Hội thảo

Tham dự hội thảo có: các chuyên gia, nhà nghiên cứu đến từ Học viện Hành chính Quốc gia, Đại học Luật – Đại học Quốc gia Hà Nội, Tạp chí Pháp luật và Phát triển, Hội Luật gia Việt Nam, Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam;…

Hoạt động từ thiện nhân đạo được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước từ trước đến nay đã góp phần pháp huy bản chất tốt đẹp của văn hóa dân tộc Việt Nam với chủ trương “lá lành đùm lá rách” trong xã hội. Về bản chất, hoạt động này phát sinh một cách tự nguyện, không ép buộc, tùy thuộc vào hoàn cảnh kinh tế của cá nhân từng người, từng cơ quan, tổ chức tham gia hoạt động từ thiện, cứu trợ để giúp đỡ những người, nhóm người có hoàn cảnh khó khăn trong xã hội như người nghèo, người bị ảnh hưởng bởi thiên tai, dịch bệnh, người có bệnh hiểm nghèo không có điều kiện cứu chữa, người dân ở vùng sâu, vùng xa…

Phát biểu khai mạc, TS. Lê Hải Đường, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp nêu rõ, hoạt động từ thiện đã đóng vai trò quan trọng trong xã hội góp phần vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo, tăng cường tính tương thân, tương ái,… Tuy vậy, thực tế hiện nay chưa có văn bản pháp lý chuyên biệt nào điều chỉnh hoạt động này, các quy định của pháp luật về tổ chức và hoạt động từ thiện nhân đạo được quy định rải rác trong nhiều văn bản luật, văn bản dưới luật. Thực tế này đặt ra yêu cầu, đòi hỏi phải có cơ sở pháp lý đầy đủ để thực hiện hoạt động từ thiện nhân đạo trong bối cảnh hiện nay.

TS. Lê Hải Đường, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp

Báo cáo tại hội thảo, thay mặt Ban Chủ nhiệm Đề tài, TS. Bùi Thị Thanh Thúy cho biết, Đề tài nghiên cứu khoa học làm rõ cơ sở lý luận và thực tiễn của việc xây dựng và hoàn thiện pháp luật về từ thiện. Đồng thời, Đề tài cũng tập trung phân tích các vấn đề liên quan đến chủ trương, chính sách về thực hiện các hoạt động từ thiện trong thời gian qua; phân tích đánh giá thực trạng pháp luật về từ thiện ở Việt Nam, thực trạng tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật trong hoạt động từ thiện nhân đạo. Nghiên cứu pháp luật về từ thiện nhân đạo của một số quốc gia. Trên cơ sở đó, Đề tài khoa học đề xuất, luận chứng những quan điểm, định hướng và giải pháp, kiến nghị xây dựng và hoàn thiện các quy định pháp luật về từ thiện nhân đạo nhằm tiến tới xây dựng và ban hành đạo luật chuyên ngành.

Tại hội thảo, các chuyên gia đã góp ý trực tiếp vào bố cục, nội dung nghiên cứu trọng tâm của Đề tài. Theo đánh giá của các chuyên gia, đây là đề tài nghiên cứu có tính cấp thiết, thời sự, phù hợp với những đòi hỏi của thực tiễn đặt ra trong bối cảnh hiện nay. Kết quả nghiên cứu của Đề tài không chỉ mang tính dự báo mà còn có ý nghĩa cả về lý luận và thực tiễn, đưa ra những khuyến nghị cụ thể trong công tác lập pháp nhằm hỗ trợ thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực từ thiện, góp phần vào việc huy động và sử dụng nguồn lực xã hội một cách minh bạch, đúng pháp luật.

GS.TS Phạm Hồng Thái, Nguyên Chủ nhiệm Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội

Cũng tại hội thảo, các ý kiến chuyên gia đã chỉ rõ những nội dung Ban Chủ nhiệm Đề tài cần tiếp tục hoàn thiện, làm rõ liên quan đến khái niệm, hệ tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thiện pháp luật về từ thiện, nêu rõ kiến nghị giải pháp cụ thể tiếp tục hoàn thiện pháp luật về từ thiện nhân đạo trong thời gian tới,…

Nhấn mạnh đây là công trình đầu tiên nghiên cứu một cách có hệ thống, đầy đủ, toàn diện về thực trạng pháp luật về từ thiện nhân đạo ở Việt Nam từ trước đến nay, các chuyên gia cũng lưu ý, Ban Chủ nhiệm đề tài cần tập trung làm rõ nét hơn nội dung về quan điểm, giải pháp xây dựng và hoàn thiện pháp luật về từ thiện nhân đạo,…

Kết luận hội thảo, TS. Lê Hải Đường, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp ghi nhận và đánh giá cao những ý kiến góp ý sâu sắc, tâm huyết của các chuyên gia, nhà nghiên cứu. Trên cơ sở kết quả hội thảo, TS. Lê Hải Đường đề nghị Ban Chủ nhiệm Đề tài khẩn trương rà soát, nghiên cứu tiếp thu hoàn thiện kết quả nghiên cứu đảm bảo chất lượng cao nhất. Trong đó, đặc biệt lưu ý, những nội dung đề xuất, kiến nghị về hoàn thiện pháp luật từ thiện nhân đạo phải đảm bảo sát thực, rõ ràng, có giá trị phục vụ thiết thực cho công tác lập pháp nhằm hỗ trợ thực hiện tốt hơn nữa công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực này.

Một số hình ảnh tại Hội thảo:

Hội thảo “Quan điểm, giải pháp xây dựng và hoàn thiện pháp luật về từ thiện nhân đạo ở Việt Nam”

TS. Lê Hải Đường, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp chủ trì hội thảo

Các chuyên gia tham dự Hội thảo “Quan điểm, giải pháp xây dựng và hoàn thiện pháp luật về từ thiện nhân đạo ở Việt Nam”

Ths. Đỗ Ngọc Tú, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu pháp luật về Hành chính – Nhà nước, Viện Nghiên cứu lập pháp - Chủ nhiệm Đề tài

TS. Bùi Thị Thanh Thúy, Trưởng bộ môn Thanh tra Khoa Nhà nước – Pháp luật, Học viện Hành chính Quốc gia - Thư ký khoa học của Đề tài trình bày Báo cáo tóm tắt kết quả nghiên cứu bước đầu của Đề tài

Đại diện Hội Luật gia Việt Nam tham gia góp ý tại Hội thảo 

Ông Phan Văn Lâm, Tạp chí Pháp luật và Phát triển đánh giá cao tính cấp thiết và đồng tình với nhiều nội dung tại kết quả nghiên cứu bước đầu của Đề tài. Đồng thời, đề nghị Ban Chủ nhiệm Đề tài tiếp tục rà soát, làm rõ hơn nội dung kiến nghị hoàn thiện pháp luật về từ thiện nói riêng và hệ thống pháp luật nói chung

Các thành viên của Đề tài khoa học cấp Bộ về Xây dựng và hoàn thiện pháp luật về từ thiện nhân đạo

Bà Đàm Thị Nhi Trung ương, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam cho rằng, cần đưa ra các giải pháp cụ thể để nhấn mạnh việc nâng cao nhận thức, hướng tới phát triển xã hội nhân văn. Đồng thời, đưa chính sách, pháp luật vè từ thiện nhân đạo ở các cấp học,...

Bà Hà Thị Minh Tâm, nguyên Chủ tịch UBMTTQ tỉnh Hà Nam, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam khóa XIV cho biết, vai trò của Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp trong hoạt động từ thiện, nhân đạo là hết sức to lớn. Để tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động và tăng cường vai trò của MTTQ các cấp trong hoạt động từ thiện, đề nghị cần tăng cường sự lãnh đạo, phối hợp của Chính phủ, các bộ, ngành đối với hoạt động của MTTQ Việt Nam trong công tác từ thiện, nhân đạo

TS. Trần Tuyết Mai, Nguyên Giám đốc Trung tâm Thông tin KHLP, Viện Nghiên cứu lập pháp góp ý nhiều nội dung cụ thể liên quan đến những vấn đề lý luận về xây dựng và hoàn thiện pháp luật về từ thiện nhân đạo

Các chuyên gia tham dự Hội thảo “Quan điểm, giải pháp xây dựng và hoàn thiện pháp luật về từ thiện nhân đạo ở Việt Nam”

PGS.TS Bùi Xuân Đức, Nguyên PGĐ Trung tâm đào tạo, bồi dưỡng và nghiên cứu khoa học mặt trận, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và thành viên Ban Chủ nhiệm Đề tài trao đổi về nội dung nghiên cứu bên lề Hội thảo

GS.TS Phạm Hồng Thái, Nguyên Chủ nhiệm Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội đánh giá cao kết quả nghiên cứu bước đầu của Đề tài, đồng thời lưu ý, Ban Chủ nhiệm đề tài làm rõ hơn một số nội dung liên quan đến khái niệm, vấn đề về quan điểm, nguyên tắc về xây dựng và hoàn thiện pháp luật về từ thiện nhân đạo tại Việt Nam

PGS.TS Bùi Xuân Đức, Nguyên PGĐ Trung tâm đào tạo, bồi dưỡng và nghiên cứu khoa học mặt trận góp ý vào kết quả nghiên cứu bước đầu của Đề tài Khoa học 

Ths. Đỗ Ngọc Tú, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu pháp luật về Hành chính – Nhà nước, Viện Nghiên cứu lập pháp - Chủ nhiệm Đề tài tiếp thu ý kiến góp ý của các chuyên gia, nhà khoa học liên quan đến nội dung Đề tài 

Kết luận hội thảo, TS. Lê Hải Đường, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp ghi nhận và đánh giá cao những ý kiến góp ý sâu sắc, tâm huyết của các chuyên gia, nhà nghiên cứu. Trên cơ sở kết quả hội thảo, TS. Lê Hải Đường đề nghị Ban Chủ nhiệm Đề tài khẩn trương rà soát, nghiên cứu tiếp thu hoàn thiện kết quả nghiên cứu đảm bảo chất lượng cao nhất.

Lê Anh - Nghĩa Đức