ĐỔI MỚI MÔ HÌNH TỔ CHỨC CỦA CÁC CƠ QUAN THUỘC ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI

15/07/2020

Đổi mới, hoàn thiện mô hình tổ chức và hoạt động của các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội là một trong những nội dung trọng tâm được thảo luận tại Hội thảo “Một số vấn đề về mô hình tổ chức và hoạt động của các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội” do Viện Nghiên cứu lập pháp tổ chức tại Hà Nội vào sáng 15/07.

Toàn cảnh Hội thảo

Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Nguyễn Đình Quyền cho biết, bên cạnh những kết quả đã đạt được trong việc tham mưu cho Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì tổ chức và hoạt động của các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng bộc lộ không ít hạn chế, tồn tại, vướng mắc cả về thể chế, chính sách, pháp luật và phương thức, cách thức lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành. Vì vậy, đặt ra yêu cầu cần được nghiên cứu, luận giải làm rõ nhất là về mặt lý luận trên cơ sở những nguyên lý chung đã được phổ quát trong hoạt động nghị viện của các quốc gia trên thế giới.

Tại hội thảo, các diễn giả tập trung làm thảo luận và làm rõ một số nội dung cơ bản như: cơ sở và quá trình thành lập các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội; một số vấn đề về mô hình tổ chức và phương thức hoạt động của Ban Dân nguyện, Ban Công tác đại biểu, Viện Nghiên cứu lập pháp; mối quan hệ phối hợp giữa các cơ quan;… Đồng thời, nêu kinh nghiệm quốc tế về các cơ quan giúp việc Quốc hội, từ đó đề xuất nhiều phương án hoàn thiện mô hình tổ chức của các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Ông Đặng Đình Luyến, Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội phát biểu tại Hội thảo

Về cơ sở, quá trình thành các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ông Đặng Đình Luyến, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho biết, để tham mưu cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình, ngoài bộ máy tham mưu, giúp việc chung là Văn phòng Quốc hội thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thành lập Ban Công tác đại biểu, Ban Dân nguyện, Viện nghiên cứu lập pháp. Trong những năm qua các cơ quan này đã tham mưu, phục vụ Ủy ban thường vụ Quốc hội nói riêng và Quốc hội, các Ủy ban của Quốc hội và các đại biểu Quốc hội nói chung trong việc thực hiện các chức năng lập hiến, lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Theo ông Đặng Đình Luyến, trong những năm qua tổ chức của các cơ quan tham mưu, phục vụ Ủy ban Thường vụ Quốc hội luôn được kiện toàn đổi mới, phương thức hoạt động không ngừng được cải tiến để nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động.

Cho ý kiến về mô hình tổ chức và phương thức hoạt động của Ban Dân nguyện, Phó Trưởng Ban Dân nguyện Lưu Bình Nhưỡng cho rằng, để đáp ứng yêu cầu nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác dân nguyện – một lĩnh vực hoạt động của Quốc hội, theo, cần tập trung vào một số nội dung sau:

Thứ nhất, phải nâng cao nhận thức chính trị - xã hội về công tác dân nguyện, coi “dân nguyện” là lĩnh vực tiếp nối nòng cốt của hoạt động “dân vận” của Đảng trong các cơ quan dân cử, cơ quan quyền lực nhà nước.

Thứ hai, phải lấy công tác dân nguyện làm cơ sở để nắm bắt, thông tin, hoạt định chương trình, kế hoạch hoạt động của cơ quan dân cử trong hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật. Thứ ba, bảo đảm tính “chính danh” của Ban Dân nguyện và công tác dân nguyện trong hoạt động của Quốc hội. Đồng thời, xác định rõ, đầy đủ, toàn diện nội hàm, đặc trưng, phương thức tổ chức và hoạt động của công tác/lĩnh vực dân nguyện của Quốc hội, qua đó tổ chức tốt hơn nữa, hiệu quả hơn nữa công tác dân nguyện trong thời gian tới. Bên cạnh đó, đại biểu cũng đề nghị hoàn thiện thể chế về sự phối hợp giữa các cơ quan của Quốc hội nói chung, Ban Dân nguyện nói riêng với các cơ quan, tổ chức có liên quan nhằm đảm bảo tính toàn diện, phân công rành rọt nhiệm vụ và có tiêu chí đánh giá kết quả hoạt động dân nguyện làm cơ sở đánh giá hiệu lực hiệu quả hoạt động của Quốc hội và từng cơ quan, tổ chức, đơn vị; đảm bảo tính bao quát, chuyên sâu trong từng nội dung hoạt động thuộc lĩnh vực dân nguyện trước đòi hỏi khách quan và yêu cầu của cử tri và Nhân dân.

Phó trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Tuấn Anh phát biểu tại Hội thảo

Góp ý vào mô hình và phương thức hoạt động của Ban Công tác đại biểu, Phó trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Tuấn Anh cho rằng, Nghị quyết số 575 là một bước đổi mới quan trọng, với 07 nhóm nhiệm vụ cụ thể đã khẳng định và tiếp tục nâng cao vai trò, trách nhiệm Ban Công tác đại biểu là cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nhưng với phạm vi hoạt đông rộng khắp của Ban, đã bao quát, quán xuyến được tương đối đầy đủ các mặt tổ chức, hoạt động của hệ thống cơ quan dân cử, của đại biểu dân cử từ trung ương đến địa phương.

Cùng với Ban Công tác đại biểu, Ban Dân nguyện thì Viện Nghiên cứu lập pháp là cơ quan nghiên cứu do Ủy ban Thường vụ Quốc hội thành lập vào năm 2008. TS. Đỗ Tiến Dũng, Viện Nghiên cứu lập pháp kiến nghị đổi mới mô hình tổ chức của Viện Nghiên cứu lập pháp theo phương án là 01 cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội (Tiếp tục là Viện Nghiên cứu lập pháp hoặc chuyển thành Ban tư vấn lập pháp, Hội đồng tư vấn lập pháp).

Về mối quan hệ phối hợp các cơ quan thuộc Ủy ban thường vụ Quốc hội, TS Nguyễn Hải Long, Phó Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng đại biểu dân cử, Văn phòng Quốc hội cho rằng, khi thành lập 3 cơ quan, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã phân định khá rõ ràng, rành mạch nhiệm vụ của từng cơ quan giúp việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong từng lĩnh vực riêng biệt. Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động, giữa 3 cơ quan vẫn có sự trao đổi, phối hợp công tác. Mối quan hệ jmang tính đặc trưng, khác biệt giữa 3 cơ quan với nhau và mối quan hệ giữa 3 cơ quan với các quan khác chưa thể hiện rõ ràng. TS. Nguyễn Hải Long nhấn mạnh, là 3 cơ quan do Ủy ban Thường vụ Quốc hội thành lập để giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội thực hiện tốt nhiệm vụ của mình nhưng giữa 3 cơ quan này không có quy chế phối hợp do Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành hay do 3 cơ quan tự ký.

Về kinh nghiệm của nghị viện một số nước trong việc tổ chức thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của các Ban, Viện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Việt Nam, TS. Hoàng Minh Hiếu, Vụ trưởng Vụ Thông tin, Văn phòng Quốc hội đã cung cấp bức tranh toàn cảnh về công tác tổ chức nội vụ; công tác dân nguyện; công tác nghiên cứu khoa học của nghị viện một số nước trên thế giới. Theo TS. Hoàng Minh Hiếu, về công tác dân nguyện, mô hình tổ chức cơ quan giải quyết vấn đề này tương đối đa dạng. Có những nghị viện tổ chức Ủy ban Dân nguyện, có nghị viện tổ chức cơ quan Thanh tra Quốc hội, có nơi tổ chức theo mô hình kết hợp. Tuy nhiên, đối với những nghị viện không có truyền thống tổ chức theo mô hình Thanh tra Quốc hội như ở các nước Bắc Âu hoặc nghị viện một số nước khác thì xu thế gần đây là tiến tới thành lập Ủy ban Dân nguyện của Quốc hội như ở Anh, Canada, Australia,… Đặc biệt, kể từ khi xuất hiện hình thức tiếp nhận các kiến nghị của công dân qua các trang thông tin điện tử thì nhu cầu thành lập Ủy ban Dân nguyện của Quốc hội càng trở nên rõ ràng hơn để tạo thành một đầu mối thống nhất trong việc xem xét các kiến nghị của công dân gửi đến Quốc hội.

Kết luận Hội thảo, TS. Nguyễn Đình Quyền ghi nhận và đánh giá cao những ý kiến phát biểu của các đại biểu tham dự. Đồng thời, đề nghị Ban Chủ nhiệm đề tài nghiên cứu, tiếp thu nhằm tiếp tục hoàn thiện đề tài khoa học cấp bộ về mô hình và hoạt động của các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội./.

Lê Anh