Toàn cảnh Hội thảo Hoạt động của đại biểu Quốc hội kiêm nhiệm những vấn đề lý luận và thực tiễn
Tham dự hội thảo có các chuyên gia, nhà khoa học; đại diện các đơn vị nghiên cứu của Trường Đại học Luật Hà Nội; cán bộ, công chức, viên chức hiện đang công tác trong các cơ quan của Quốc hội, các Vụ, đơn vị trong Văn phòng Quốc hội và các cán bộ công chức, viên chức của Viện Nghiên cứ lập pháp.
Phát biểu khai mạc hội thảo, PGS.TS Hoàng Văn Tú, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp cho biết, đây là hoạt động khoa học có ý nghĩa trong khuân khổ của Đề án khoa học cấp Bộ do Tiến sỹ Nguyễn Đình Quyền - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp, Đại biểu Quốc hội khóa XII, XIII, làm Chủ nhiệm Đề tài. Mục đích của hội thảo nhằm tạo diễn đàn để các chuyên gia, nhà khoa học, các nhà nghiên cứu trong lĩnh vực quản lý khoa học thảo luận, đóng góp ý kiến nhằm phân tích lý luận và thực tiễn về hoạt động của đại biểu Quốc hội nói chung, đại biểu Quốc hội kiêm nhiệm nói riêng, làm cơ sở cho việc phân tích, đánh giá hoạt động của đại biểu Quốc hội trong hoạt động của Quốc hội Việt Nam hiện nay.
PGS.TS Hoàng Văn Tú, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp phát biểu khai mạc Hội thảo
Nhà nước pháp quyền là Nhà nước được tổ chức và hoạt động theo pháp luật, bằng pháp luật; các cơ quan nhà nước, công chức nhà nước chỉ được làm những gì mà pháp luật quy định, công tác quản lý nhà nước, các quan hệ xã hội phải được điều chỉnh bằng pháp luật. Trong bộ máy nhà nước, Quốc hội là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, cơ quan đại diện thực hiện chủ quyền nhân dân, cơ quan duy nhất có quyền lập hiến, lập pháp, có vị trí, vai trò tạo nền tảng pháp lý cho toàn bộ tổ chức và hoạt động của nhà nước và xã hội.
Theo quy định tại Điều 23 Luật Tổ chức Quốc hội thì đại biểu Quốc hội bao gồm đại biểu hoạt động chuyên trách và đại biểu hoạt động không chuyên trách hay còn gọi là đại biểu Quốc hội kiêm nhiệm. Đại biểu Quốc hội được nhân dân cả nước bầu ra theo nguyên tắc phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín; đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân, không chỉ dại diện cho nhân dân địa phương ở địa phương bầu cử ra mình mà còn đại diện cho nhân dân cả nước; người thay mặt nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước trong Quốc hội. Vì đại biểu Quốc hội là hạt nhân trung tâm trong tổ chức và hoạt động của Quốc hội, nên để có Quốc hội đủ mạnh thì các đại biểu Quốc hội cần có đủ năng lực, hoạt động hiệu quả trong việc thực hiện ba chức năng của Quốc hội là: lập hiến, lập pháp; quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước; giám sát tối cao đối với hoạt động của nhà nước. Các văn kiện của Đảng trong thời kỳ đổi mới đều đặc biệt chú trọng đến vấn đề hoàn thiện cơ sở pháp lý về tổ chức và hoạt động của Quốc hội. Hiến pháp năm 2013, Luật Tổ chức Quốc hội và các văn bản pháp luật có liên quan đã có những quy định nhằm tạo cơ sở pháp lý quan trọng trong việc nâng cao vị trí, vai trò, nhiệm vụ, quyền hạn và hiệu quả hoạt động của đại biểu Quốc hội. Tuy nhiên, các quy định về đại biểu Quốc hội vẫn còn tản mạn, rải rác trong nhiều văn bản, đặc biệt là các quy định về đại biểu Quốc hội kiêm nhiệm. Có nhiều vấn đề mới về đại biểu Quốc hội kiêm nhiệm đặt ra cần tiếp tục được nghiên cứu về cơ sở pháp lý, thực tiễn hoạt động để từ đó có những điều chỉnh phù hợp.
Đại biểu tham dự Hội thảo
Tại hội thảo, sau khi nghe các tham luận, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận về một số vấn đề cơ bản như: về cơ cấu, tính đại diện của Quốc hội, đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội kiêm nhiệm; những vấn đề đặt ra trong việc thực hiện nguyên tắc hiến định là quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công và phối hợp giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện ba quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp; về đại biểu Quốc hội hoạt động theo chế độ kiêm nhiệm và đại biểu Quốc hội hoạt động theo chế độ chuyên trách; hoạt động của đại biểu Quốc hội kiêm nhiệm trong hoạt dộng giám sát của Quốc hội; quy trình lựa chọn, giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội kiêm nhiệm; điều kiện bảo đảm hoạt động của đại biểu Quốc hội kiêm nhiệm; … Đây là những vấn đề cho đến nay vẫn chưa được pháp luật quy định toàn diện, hệ thống và cụ thể làm cho hoạt động của đại biểu Quốc hội, trong đó có đại biểu Quốc hội hoạt động kiêm nhiệm gặp những khó khăn nhất định, ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả hoạt động của đại biểu Quốc hội nói riêng và Quốc hội nói chung.
Chủ nhiệm đề tài Tiến sỹ Nguyễn Đình Quyền
Kết luận hội thảo, PGS.TS Hoàng Văn Tú, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp đánh giá cao những ý kiến đóng góp của các chuyên gia, nhà khoa học. Qua ý kiến của các đại biểu có thể thấy rằng các đại biểu Quốc hội kiêm nhiệm có vai trò vô cùng to lớn, nhiệm vụ, quyền hạn rất nặng nề trong hoạt động lập hiến, lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, giám sát và các hoạt động khác. Do đó, để hoạt động của các đại biểu Quốc hội kiêm nhiệm thực sự có hiệu lực, hiệu quả trong điều kiện hiện nay thì đòi hỏi các đại biểu phải có trình độ, năng lực, phẩm chất đạo đức tốt, phải tâm huyết, dành nhiều thời gian cho việc nghiên cứu, tham gai các hoạt động của Quốc hội. Ý kiến thảo luận tại hội thảo sẽ được Ban chủ nhiệm Đề tài tiếp thu để hoàn thiện các nội dung nghiên cứu, bảo đảm tính khách quan, tính hợp lý và tính hiệu quả của sản phẩm nghiên cứu.