Toàn cảnh buổi Lễ
Tham dự buổi Lễ có Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, Phó Tổng Thư ký Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Thị Thúy Ngần; Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Mạnh Hùng; Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam PGS.TS Bùi Nhật Quang; Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam GS.TS Phạm Văn Đức; Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Ngô Văn Quý.
Chia sẻ về quá trình nghiên cứu, xây dựng Khu trưng bày Những khám phá khảo cổ học dưới lòng đất Nhà Quốc hội, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam PGS.TS Bùi Nhật Quang cho biết, cách đây 12 năm, trước khi triển khai xây dựng công trình Nhà Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ đã giao Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức dự án khai quật khảo cổ học và xử lý di dời di tích, di vật khu vực xây dựng Nhà Quốc hội. Đây là cuộc khai quật khảo cổ có quy mô lớn, đã phát hiện khoảng 140 di tích cùng hàng chục ngàn di vật của nhiều thời kỳ.
Phát biểu về công tác bảo tồn, phát huy giá trị các di tích, di vật, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Ngô Văn Quý cho biết, Lễ bàn giao Khu trưng bày “Những khám phá khảo cổ học dưới lòng đất Nhà Quốc hội” là bước cụ thể hóa việc thực hiện các cam kết của Chính phủ Việt Nam trong việc nhất thể hóa quản lý khu di sản, đảm bảo sự toàn vẹn của khối di tích, di vật đã được khai quật dưới lòng đất Nhà Quốc hội; phát huy giá trị các di sản văn hóa Thăng Long ngàn năm văn hiến, nhằm tiếp tục quảng bá, tôn vinh các giá trị toàn cầu cuả khu di sản, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Phát biểu tại Lễ bàn giao Khu trưng bày “Những khám phá khảo cổ học dưới lòng đất Nhà Quốc hội” giữa Văn phòng Quốc hội với Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội và Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn hạnh Phúc cho biết, khu trưng bày Những khám phá khảo cổ học dưới lòng đất Nhà Quốc hội là một dự án thành phần trong tổng thể công trình xây dựng Nhà Quốc hội, là nơi lưu giữ và kết nối giữa truyền thống và hiện đại, phản ánh sức sống trường tồn của trung tâm quyền lực cao nhất trong lịch sử suốt từ thời kỳ tiền Thăng Long xưa kia đến trung tâm chính trị Ba Đình ngày nay. Việc quyết định chủ trương xây dựng Khu trưng bày Những khám phá khảo cổ học gắn với công trình Nhà Quốc hội phản ánh tầm nhìn chiến lược lâu dài của Đảng và Nhà nước ta trong việc bảo tồn và phát huy những giá trị lịch sử, văn hóa của mảnh đất Thăng Long - Thủ đô Văn hiến có lịch sử hơn 1000 năm của dân tộc.
Theo Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, việc bàn giao và ký kết Quy chế phối hợp giữa Văn phòng Quốc hội với Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam và Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội có ý nghĩa hết sức quan trọng và cần thiết nhằm nâng cao hiệu quả công tác bảo tồn, bảo quản, phát huy giá trị các di tích, di vật trên nguyên tắc đảm bảo tính tổng thể, toàn vẹn của khối di tích, di vật đã được khai quật tại khu vực Nhà Quốc hội, tuân thủ các quy định của pháp luật về di sản văn hóa và các công ước của UNESCO về bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới. Đồng thời, cũng tạo cơ chế trao đổi, học hỏi kinh nghiệm trong công tác nghiên cứu, sưu tầm và bảo quản di tích, di vật, để các di sản được giới thiệu tới đông đảo công chúng.
Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc phát biểu
Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cũng nêu rõ, sau khi tiếp nhận bàn giao, Văn phòng Quốc hội sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội và Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam phát huy hiệu quả hoạt động của khu trưng bày cũng như việc bảo tồn, bảo quản di tích, di vật. Trong thời gian tới, Lãnh đạo Văn phòng Quốc hội sẽ chỉ đạo các Vụ, Cục, đơn vị thuộc Văn phòng chú trọng triển khai công tác đón tiếp, hướng dẫn và phổ biến thông tin để công chúng có thể thuận tiện trong việc đăng ký tham quan. Cùng với việc giới thiệu về Kinh thành Thăng Long xưa, Văn phòng Quốc hội sẽ kết hợp để thực hiện công tác thông tin, tuyên truyền về tổ chức về hoạt động của Quốc hội, tổ chức công tác tham quan Nhà Quốc hội, dự thính các phiên họp của Quốc hội; giúp người dân khi đến tham quan Nhà Quốc hội nhận thức rõ về bề dày truyền thống lịch sử và giá trị của khu vực trung tâm chính trị Ba Đình.
Bên cạnh đó, Văn phòng Quốc hội rất mong nhận được sự phối hợp hiệu quả của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội trong việc kết nối Khu di sản Trung tâm Hoàng thành Thăng Long và Khu trưng bày những khám phá khảo cổ học. Đây là việc làm cần thiết để khách tham quan có thể hình dung được một cách tổng thể về Kinh thành Thăng Long xưa kia, để nơi đây trở thành một địa chỉ du lịch không thể nào quên đối với du khách trong và ngoài nước, là niềm tự hào trong việc giới thiệu những giá trị lịch sử, văn hóa của dân tộc Việt Nam đối với quốc tế.
Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội hi vọng rằng với sự nỗ lực và phối hợp chặt chẽ của các bên liên quan, Nhà Quốc hội và Khu trưng bày những khám phá khảo cổ học dưới lòng đất Nhà Quốc hội sẽ trở thành một điểm đến hấp dẫn để công chúng có thể tham quan, chiêm ngưỡng các hiện vật và những hình ảnh tái hiện đời sống của khu vực Hoàng Thành Thăng Long xưa kia; và đồng thời kết hợp tham quan Nhà Quốc hội, dự thính các phiên họp của Quốc hội để chứng kiến những hoạt động sôi nổi và hiệu quả của Quốc hội tại khu vực trung tâm chính trị Ba Đình ngày nay.
Lễ Ký kết một số văn kiện
+ Cũng tại buổi lễ, đã diễn ra lễ Ký Biên bản bàn giao cấu kiện di tích, di vật khai quật được tại khu vực xây dựng Nhà Quốc hội giữa Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam và Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội; Ký Biên bản bàn giao Công trình hoàn thành đưa vào sử dụng Khu trưng bày Những khám phá khảo cổ học dưới lòng đất Nhà Quốc hội, giữa Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam và Văn phòng Quốc hội; Ký Quy chế phối hợp giữa Văn phòng Quốc hội và Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội về việc bảo quản và phát huy giá trị các cấu kiện di tích, di vật tại Khu trưng bày những khám phá khảo cổ học dưới lòng đất Nhà Quốc hội./.