Cách đây 75 năm, ngày 02/3/1946, Quốc hội Việt Nam khóa I đã họp Kỳ họp thứ nhất bầu ra Ban Thường trực Quốc hội có trụ sở làm việc tại số Nhà 71 phố Hàng Trống, Hà Nội với một số cán bộ, nhân viên phục vụ cho các hoạt động của Ban Thường trực Quốc hội. Đó cũng chính là sự hình thành, ra đời của bộ máy giúp việc Quốc hội, tiền thân của Văn phòng Quốc hội ngày nay. Sự kiện lịch sử này đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XI ghi nhận và làm cơ sở để quyết định lấy ngày 02 tháng 3 hàng năm là Ngày truyền thống của Văn phòng Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhằm khẳng định bề dày lịch sử trong công tác tham mưu, phục vụ hoạt động của Quốc hội qua các thời kỳ.
Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa I (2.3.1946) (Ảnh tư liệu)
Theo chia sẻ của nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội TS. Bùi Ngọc Thanh, ngay từ những ngày đầu, cơ quan phục vụ Ban Thường trực Quốc hội đã bộn bề công việc. Nhiệm vụ đầu tiên, hết sức quan trọng khi ấy là bảo đảm liên lạc thông suốt với Chính phủ; thực hiện những công việc theo chức năng, nhiệm vụ của Văn phòng (in, sao văn bản, chuyển phát tài liệu, giao thông liên lạc, tổ chức công tác tài chính; sắp xếp nơi ăn ở cho các đại biểu khi về họp, tổ chức các hội nghị của Ban Thường trực Quốc hội...).
Mặc dù số lượng cán bộ Văn phòng Ban Thường trực Quốc hội còn rất ít, trình độ khi ấy cũng còn hạn chế, nhưng ngay từ buổi đầu với tinh thần hăng say cách mạng, anh chị em đã làm việc hết sức tận tụy và có trách nhiệm cao nên đã giúp Ban Thường trực Quốc hội giải quyết thấu đáo nhiều công việc hệ trọng. Bên cạnh những công việc mang tầm cỡ chính trị, an ninh, quốc phòng, đối ngoại lớn lao thì mọi công việc hành chính, quản trị như văn thư, đánh máy, ấn loát, giao thông liên lạc... đến việc theo dõi tình hình hoạt động của các đại biểu ở các địa phương để giúp Ban Thường trực Quốc hội giữ mối liên lạc, tất thảy đều được thực hiện nghiêm túc, kết quả tốt...Đó cũng là tiền đề để Văn phòng các giai đoạn sau học tập, rút kinh nghiệm, nâng cao chất lượng tham mưu, phục vụ Quốc hội trong từng thời kỳ cho tới tận bây giờ.
Quá trình hình thành và phát triển của Văn phòng Quốc hội luôn song hành cùng với năm Quốc hội Việt Nam, với tổ chức bộ máy thay đổi từng giai đoạn. Văn phòng Quốc hội được xác định qua bốn giai đoạn với các tên gọi khác nhau: từ 1946- 1960 là Văn phòng Ban Thường trực Quốc hội; từ 1960- 1981 là Văn phòng Ủy ban Thường vụ Quốc hội; từ 1981- 1992 là Văn phòng Quốc hội và Hội đồng Nhà nước; từ năm 1992 đến nay là Văn phòng Quốc hội.
Qua 14 nhiệm kỳ tham mưu, phục vụ Quốc hội, Ngày Truyền thống của Văn phòng Quốc hội đã trở thành dịp quan trọng để nhìn lại những việc đã làm được, chưa làm được và đề xuất, kiến nghị các giải pháp để làm tốt hơn công việc tham mưu, phục vụ của mình; động viên phong trào thi đua lao động sáng tạo, nâng cao kỷ luật, đạo đức cách mạng của cán bộ, công chức, viên chức trong Văn phòng; biểu dương khen thưởng những tập thể, cá nhân gương mẫu thực hiện tốt chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, có thành tích đặc biệt xuất sắc trong việc xây dựng Văn phòng Quốc hội.
Với 75 năm hình thành và phát triển, tuy cơ cấu tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của Văn phòng Quốc hội có những thay đổi theo từng hoàn cảnh lịch sử của đất nước, nhưng các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động Văn phòng Quốc hội luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, nỗ lực phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị của mình, đóng góp vào sự nghiệp chung của đất nước và hoạt động của Quốc hội.
Đặc biệt trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV, hoạt động của Văn phòng Quốc hội đã tạo được nhiều dấu ấn quan trọng, góp phần vào hiệu lực hiệu quả của hoạt động của Quốc hội. Trong nhiệm kỳ này, chất lượng công tác tham mưu, phục vụ của Văn phòng Quốc hội được nâng cao, tính chủ động, chuyên nghiệp, chuyên môn hóa được tăng cường, góp phần quan trọng vào việc phục vụ Quốc hội hoàn thành khối lượng lớn công tác lập pháp, giám sát, quyết định vấn đề quan trọng nhằm đáp ứng yêu cầu của phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế; chủ động, sáng tạo trong việc tham mưu cải tiến các kỳ họp Quốc hội, phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các hoạt động của các cơ quan của Quốc hội. Triển khai mạnh mẽ ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng nhiều phần mềm như thư viện số; phần mềm đăng ký phát biểu, tranh luận; phần mềm cung cấp thông tin, tài liệu, tra cứu nhanh; phần mềm nhận dạng tiếng nói;... hỗ trợ hiệu quả các hoạt động điều hành, thảo luận, tranh luận, cung cấp thông tin kỳ họp, tra cứu, phục vụ tài liệu. Văn phòng Quốc hội cũng đã thực hiện tốt việc bảo đảm cơ sở vật chất và các điều kiện khác cho hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội; tạo điều kiện cho đại biểu Quốc hội trong việc trình dự án luật, pháp lệnh, kiến nghị về luật, pháp lệnh. Văn phòng Quốc hội tăng cường phối hợp với Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Chính phủ và các cơ quan, tổ chức hữu quan nhằm góp phần nâng cao hiệu quả thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mỗi bên.
Năm 2020, Văn phòng Quốc hội triển khai ứng dụng công nghệ thông tin mạnh mẽ, góp phần tổ chức thành công Kỳ họp thứ 9 và Kỳ họp thứ 10 theo hình thức trực tuyến
Đặc biệt bối cảnh của năm 2020 là năm gần cuối nhiệm kỳ, năm có ý nghĩa quyết định hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011-2020, kế hoạch 5 năm 2016-2020; nhưng cũng là năm có nhiều khó khăn, thách thức do đại dịch Covid-19, thiên tai, bão lũ, hạn hán, xâm nhập mặn... tác động tiêu cực đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội. Với quyết tâm, trách nhiệm cao trước đồng bào, cử tri cả nước, Quốc hội đã biến khó khăn, thách thức thành cơ hội để thực hiện nhiều đổi mới cho phù hợp với xu thế và nâng cao chất lượng, hiệu quả, nhất là linh hoạt, cải tiến cách thức làm việc, kịp thời điều chỉnh chương trình, kế hoạch, hoàn thành khối lượng lớn nội dung đặt ra về lập pháp, giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng và hoạt động đối ngoại, góp phần cơ bản hoàn thành nhiệm vụ của Quốc hội khóa XIV. Trong đó, đã đảm nhiệm tốt vai trò, nhiệm vụ của Năm Chủ tịch AIPA 2020 và tổ chức thành công 02 kỳ họp Quốc hội, 12 phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các hoạt động của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban, các Ban, các Đoàn đại biểu Quốc hội, bảo đảm chất lượng, hiệu quả, tạo nhiều dấu ấn, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước và nguyện vọng của cử tri, góp phần tiếp tục củng cố niềm tin của Nhân dân đối với Đảng và Nhà nước.
Bối cảnh đó đã đặt ra cho Văn phòng Quốc hội những yêu cầu, nhiệm vụ khá nặng nề, trong đó có nhiều nội dung đột xuất, mới, khó, phức tạp, chưa có tiền lệ. Từ đó, đòi hỏi cả tập thể và từng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của Văn phòng phải nỗ lực, phát huy truyền thống, đoàn kết, đồng lòng, khắc phục khó khăn, tiếp tục cải tiến cách thức làm việc theo hướng chuyên nghiệp hơn, thúc đẩy tư duy sáng tạo, ý chí không ngừng phấn đấu, tăng khả năng dự báo tình hình và phản ứng kịp thời đối với những vấn đề phát sinh, chủ động tham mưu đề xuất nhiều sáng kiến, giải pháp, đặc biệt là tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi phương thức làm việc tập trung sang làm việc trực tuyến...
Văn phòng cũng đã nhận được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, kịp thời của Đảng đoàn Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Đảng bộ cơ quan; sự phối hợp chặt chẽ của Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban, lãnh đạo các Ban, lãnh đạo các Đoàn đại biểu Quốc hội và các cơ quan, tổ chức hữu quan. Vì vậy, đã đạt được nhiều kết quả tích cực trên các mặt hoạt động, nhất là trong tham mưu, phục vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và các Đoàn đại biểu Quốc hội, góp phần đáng kể vào thành công chung của Quốc hội.
Văn phòng Quốc hội đã chủ động, kịp thời phối hợp với các cơ quan, tổ chức hữu quan nghiên cứu, tham mưu, đề xuất và phục vụ Quốc hội tổ chức thành công kỳ họp thứ 9 và thứ 10 theo hình thức chia 02 đợt và kết hợp họp trực tuyến với họp tập trung, bảo đảm kỳ họp được khai mạc đúng thời gian quy định. Đồng thời tham mưu, phục vụ nhiều Hội nghị, phiên họp trực tuyến của các cơ quan của Quốc hội để thảo luận, góp ý hoặc thẩm tra một số nội dung trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Lần đầu tiên áp dụng hình thức họp trực tuyến nhưng rất thành công, diễn ra an toàn, thông suốt, hiệu quả, tiết kiệm, trở thành điểm nhấn của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV, nhận được sự ủng hộ, đánh giá cao của đại biểu Quốc hội và cử tri cả nước.
Văn phòng Quốc hội đã phối hợp tham mưu, phục vụ Quốc hội thông qua 17 luật, 34 nghị quyết, cho ý kiến 4 dự án luật khác; giám sát tối cao 01 chuyên đề; phục vụ hơn 162 lượt đại biểu Quốc hội chất vấn và tranh luận với 21 thành viên Chính phủ, Trưởng ngành; xem xét nhiều báo cáo quan trọng; chuẩn bị và triển khai nhiều nội dung để tổng kết nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV và bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; thảo luận, góp ý kiến về các dự thảo Văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Đồng thời, đã tham mưu, phục vụ Ủy ban Thường vụ Quốc hội thực hiện tốt vai trò cơ quan thường trực của Quốc hội, hoàn thành khối lượng lớn công việc theo chương trình, kế hoạch; giám sát 01 chuyên đề; ban hành 01 pháp lệnh và trên 260 nghị quyết, trong đó có một số nghị quyết quan trọng để kịp thời điều chỉnh các vấn đề phát sinh của thực tiễn; tổ chức thành công 01 Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách theo hình thức trực tuyến.
Bên cạnh đó, trong năm qua, các đơn vị thuộc Văn phòng đã tự tổng kết, đánh giá quá trình tham mưu, phục vụ trong gần 05 năm nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV để rút ra bài học kinh nghiệm quý báu nhằm thực thi tốt hơn nhiệm vụ và đáp ứng yêu cầu ngày càng cao trong giai đoạn tiếp theo.
Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, trong năm 2020, Văn phòng Quốc hội đã có những tiến bộ vượt bậc trong thực hiện nhiệm vụ; đã thể hiện tinh thần trách nhiệm rất cao, tận tụy với công việc và phát huy cao độ sự năng động, sáng tạo để nghiên cứu, đề xuất, tham mưu nhiều nội dung quan trọng, trong đó có những nội dung mới, khó, phức tạp, chưa có tiền lệ, cùng các giải pháp linh hoạt, phù hợp để khắc phục khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ. Có thể nói, đây là một năm có sự đột phá mạnh mẽ về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và được như vậy cũng là nhờ công lao rất lớn của Văn phòng Quốc hội.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại Hội nghị trực tuyến Tổng kết công tác năm 2020 và triển khai nhiệm vụ năm 2021 của Văn phòng Quốc hội
Năm 2021 là năm chuyển giao nhiệm kỳ, năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, năm bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021- 2026. Quốc hội khóa XV sẽ xem xét, quyết định cơ cấu tổ chức và bầu, phê chuẩn nhân sự cấp cao trong bộ máy nhà nước; quyết định các Kế hoạch 5 năm giai đoạn 2021-2026;…. Từ đó cho thấy nhiệm vụ của Văn phòng Quốc hội là rất nặng nề và có tính đặc thù. Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc xác định bối cảnh đó đòi hỏi Văn phòng Quốc hội phải tiếp tục tích cực, chủ động đổi mới, nâng cao hơn nữa chất lượng tham mưu, phục vụ với những trọng tâm cơ bản sau đây:
Thứ nhất, chủ động phối hợp tham mưu, phục vụ công tác tổng kết nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV, phục vụ tốt cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 -2026.
Thứ hai, tiếp tục nâng cao hơn nữa chất lượng tham mưu, phục vụ, kịp thời thể chế hóa các Văn kiện Đại hội XIII cùa Đảng, bảo đảm tham mưu thực hiện tốt Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, Chương trình hoạt động giám sát năm 2021 ngay từ những kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa XV.
Thứ ba, tiếp tục đổi mới, hoàn thiện cơ cấu tổ chức và phương thức hoạt động theo hướng tinh gọn, hiệu quả; nâng cao năng lực hội nhập quốc tế, mở rộng quan hệ hợp tác, trao đổi kinh nghiệm hoạt động với Văn phòng Quốc hội, Ban Thư ký Quốc hội các nước.
Thứ tư, tiếp tục tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, thiết lập phương thức làm việc trên môi trường mạng để thực hiện mục tiêu chuyên đổi số và chủ động thích ứng với yêu cầu phòng chống dịch.
Nhân dịp 75 năm Ngày truyền thống Văn phòng Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đã gửi thư chúc mừng đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của Văn phòng Quốc hội
Với truyền thống 75 năm đồng hành, tham mưu, phục vụ Quốc hội, tin tưởng rằng Văn phòng Quốc hội sẽ tiếp tục phát huy tốt những kết quả đạt được, đoàn kết, thống nhất, chủ động khắc phục khó khăn, tăng cường đổi mới, sáng tạo, ngày càng tiến bộ để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội./.