TIẾP TỤC CHƯƠNG TRÌNH TẬP HUẤN VỀ LUẬT DÂN QUÂN TỰ VỆ, LUẬT LỰC LƯỢNG DỰ BỊ ĐỘNG VIÊN

08/01/2021

Thực hiện chương trình công tác, chiều 08/1, tại Trụ sở các Cơ quan của Quốc hội, các học viên tiếp tục buổi tập huấn về Luật Dân quân tự vệ, Luật Lực lượng dự bị động viên.

 

Toàn cảnh phiên tập huấn buổi chiều

Giới thiệu một số vấn đề Luật Lực lượng dự bị động viên trong phiên tập huấn buổi chiều, Đại tá Bùi Hữu Tiến, Bộ tổng tham mưu, Bộ Quốc phòng cho biết, xây dựng lực lượng dự bị động viên là một biện pháp hữu hiệu để duy trì tiềm lực quân sự, bảo đảm sự răn đe, ngăn chặn chiến tranh và là yếu tố quyết định đến sự thắng lợi của cuộc chiến tranh. Luật Lực lượng dự bị động viên được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua ngày 26/11/2019 tại kỳ họp thứ 8 khóa XIV (Luật số 53/2014/ QH14), Chủ tịch nước Công bố ngày 03/12/2019 (Lệnh số 17/2019/ LCTN), có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2020 thay thế Pháp lệnh về lực lượng dự bị động viên năm 1996. Luật Lực lượng dự bị động viên là cơ sở pháp lý để xây dựng lực lượng dự bị động viên đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, nhằm nâng cao trách nhiệm của các cấp , các ngành, các tổ chức kinh tế, xã hội, các đơn vị Quân đội trong xây dựng lực lượng dự bị động viên, kịp thời bổ sung cho lực lượng thường trực của Quân đội góp phần bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới.

Về một số nội dung quy định mới của Luật, Đại tá Bùi Hữu Tiến cho biết, Luật đã bổ sung quy định bảo đảm quyền về tài sản của tổ chức, công dân đối với phương tiện kỹ thuật dự bị phù hợp với Hiến pháp năm 2013 về quyền về tài sản và thống nhất quy định pháp luật về trung mua, trưng dụng tài sản, cụ thể là chủ phương tiện kỹ thuật dự bị được bồi thường thiệt hại trong các trường hợp theo quy định; Quy định đăng ký, quản lý phương tiện kỹ thuật dự bị giao cho cơ quan chức năng nhà nước thực hiện trên cơ sở cung cấp thông tin của cơ quan đăng ký quyền sở hữu; Quy định đăng ký, quản lý phương tiện kỹ thuật dự bị như trên không ảnh hưởng quyền tài sản của công dân, tổ chức, tránh phiền hà đến chủ phương tiện có phương tiện kỹ thuật dự bị thuộc diện đăng ký, quản lý, không ảnh hưởng đến hoạt động, kinh doanh của phương tiện.

Đồng thời, Luật đã bổ sung quy định về cơ sở huấn luyện cấp tỉnh đối với các địa phương; Bổ sung quy định các trường hợp được huy động lực lượng dự bị động viên như: Khi thi hành lệnh thiết quân luật; khi có nguy cơ đe dọa an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội nhưng chưa đến mức ban bố tình trạng khẩn cấp; để phòng, chống, khắc phục hậu quả thảm họa, thiên tai, dịch bệnh nguy hiểm. Việc bổ sung quy định như trên phù hợp với thực tiễn đòi hỏi, đồng thời phù hợp, thống nhất với quy định của Luật Quốc phòng về sử dụng lực lượng vũ trang nhân dân.

Đại tá Bùi Hữu Tiến, Bộ tổng tham mưu, Bộ Quốc phòng giới thiệu một số vấn đề Luật Lực lượng dự bị động viên và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật

Bên cạnh đó, Luật cũng bổ sung quy định về chế độ, chính sách, như quân nhân dự bị được hưởng phụ cấp khi đã xếp vảo đơn vị dự bị động viên; đối với người vận hành, điều khiển phương tiện kỹ thuật dự bị trong thời gian được huy động để thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, phù hợp với các yếu tố đặc thù của lực lượng, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Đồng thời, Luật cũng bổ sung trách nhiệm của cơ quan, tổ chức trong thực hiện nhiệm vụ xây dựng, huy động lực lượng dự bị động viên. Quy định cụ thể trách nhiệm của quan, tổ chức, doanh nghiệp phải tạo điều kiện để quân nhân dự bị đi làm nhiệm vụ và tiếp nhận họ lại, bảo đảm việc làm, không làm ảnh hưởng đến các quyền, lợi ích khác của quân nhân dự bị.

Về các văn bản hướng dẫn thi hành Luật, Đại tá Bùi Hữu Tiến nêu rõ, thực hiện quy định của Luật Lực lượng dự bị động viên tại khoản 4 Điều 8, khoản 4 Điều 12, khoản 4 Điều 13, khoản 3 Điều 21, khoản 1 Điều 22, khoản 3 Điều 23, khoản 4 Điều 26, khoản 4 Điều 27, khoản 4 Điều 28, khoản 3 Điều 29, khoản 6 Điều 30, Điều 31 Luật, văn bản quy định chi tiết thi hành Luật Lực lượng dự bị động viên, gồm 05 Nghị định của Chính phủ và 02 Thông tư của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, cụ thể : Nghị định số 03/2020/NĐ-CP ngày 03/7/2020 của Chính phủ quy định việc huy động lực lượng dự bị động viên khi chưa đến mức tổng động viên hoặc động viên cục bộ; Nghị định số 04/2020/NĐ-CP ngày 08/7/2020 của Chính phủ quy định Danh mục phương tiện kỹ thuật dự bị và việc đăng ký, quản lý phương tiện kỹ thuật dự bị; Nghị định số 78/2020/NĐ-CP ngày 06/7/2020 của Chính phủ về sĩ quan dự bị Quân đội nhân dân Việt Nam; Nghị định số 79/2020/NĐ-CP ngày 08/7/2020 của Chính phủ quy định chế độ, chính sách trong xây dựng, huy động lực lượng dự bị động viên; Nghị định của Chính phủ quy định cơ sở huấn luyện dự bị động viên cấp tỉnh; Thông tư số 84/2020/TT-BQP ngày 30/6/2020 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định hình thức, nội dung, thời gian sinh hoạt của quân nhân dự bị; Thông tư số 85/2020/TT-BQP ngày 30/6/2020 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định lập kế hoạch huy động, tiếp nhận, thông báo quyết định, lệnh huy động; tập trung, vận chuyển, giao nhận lực lượng dự bị động viên.

Đại tá Bùi Hữu Tiến, Bộ Tổng tham mưu, Bộ Quốc phòng nêu rõ, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật đều có ý nghĩa quan trọng, góp phần thực hiện đồng bộ, hiệu quả Luật Lực lượng dự bị động viên; đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng, sự chỉ đạo, quản lý, điều hành của nhà nước, nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành, các tổ chức kinh tế, xã hội, các đơn vị quân đội trong xây dựng lực lượng dự bị động viên, kịp thời bổ sung cho lực lượng thường trực của quân đội góp phần bảo vệ vững chắc tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới./.

Hồ Hương - Minh Thành