BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH HỒ ĐỨC PHỚC: TĂNG CƯỜNG QUẢN LÝ TRONG CHUYỂN NHƯỢNG BẤT ĐỘNG SẢN.

17/03/2022

Trả lời chất vấn các đại biểu Quốc hội tại phiên họp thứ 9 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội liên quan đến quản lý thị trường bất động sản, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc khẳng định, Bộ đã chỉ đạo cơ quan thuế và phối hợp cùng các bộ, ngành, địa phương thu thuế bất động sản đúng giá chuyển nhượng.

 

Tăng cường các biện pháp về thuế trong quản lý đất đai

Trước thực trạng dấu hiệu của bong bóng bất động sản đang làm rung lắc thị trường và vấn đề trốn thuế trong các giao dịch đất đai đang xảy ra, đại biểu Nguyễn Thị Xuân – Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk đặt vấn đề về nguyên nhân và giải pháp căn cơ để khắc phục tình trạng này.

Cùng vấn đề quan tâm, đại biểu Đồng Ngọc Ba – Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định cho biết, vấn đề đầu cơ đất đai cũng như những hệ lụy tiêu cực của đầu cơ đất đai đến kinh tế - xã hội đã được chúng ta nhận diện từ nhiều năm, tuy nhiên hiện nay vẫn diễn biến rất phức tạp. Vấn đề này từ ngày 14/6/2019 Quốc hội đã có Nghị quyết số 82, trong đó giao Chính phủ nghiên cứu, đề xuất giải pháp để khắc phục tình trạng đầu cơ đất đai thông qua chính sách thuế theo hướng những người sử dụng nhiều đất, nhiều nhà, đất bỏ hoang sẽ bị đánh thuế cao, tuy nhiên đến nay gần 3 năm rồi chúng ta vẫn chưa đề xuất được chính sách này. Đại biểu Đồng Ngọc Ba đề nghị Bộ trưởng Bộ Tài chính làm rõ tại sao chính sách lại chậm được đề xuất và khi nào mới có thể thực hiện được chính sách này.

Phiên chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp thứ 9 về lĩnh vực tài nguyên và môi trường

Trả lời những vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm, liên quan đến giải pháp để thu thuế chuyển nhượng bất động sản, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, đã chủ động chỉ đạo cơ quan thuế và phối hợp với chính quyền địa phương, các bộ, ngành để thu thuế bất động sản đúng với giá chuyển nhượng bất động sản.

Thời gian vừa qua trong vòng 15 ngày của đầu tháng 1 qua, các cơ quan đã kiểm tra 85.000 bộ hồ sơ và cho kê khai lại cho thấy số thuế phải nộp tăng lên so với ban đầu. Do đo, thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục tập trung để thanh tra những hồ sơ số thuế có nghi vấn về việc chuyển giao không đúng với giá kê khai nộp thuế, không đúng với giá thực tế chuyển nhượng để thực hiện xử lý theo quy định của pháp luật, kể cả các dự án bất động sản.

Quy định chặt chẽ hơn về đấu giá đất

Về vấn đề đấu giá đất, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho rằng cần phải siết lại để đảm bảo đấu giá một cách chặt chẽ hơn như các quy định về năng lực của nhà đầu tư. Theo đó, phải xác định được năng lực của nhà đầu tư trong thực hiện dự án hay nộp tiền sử dụng đất. Cho biết, hiện nay, quy định về tiền đặt cọc quá thấp, Bộ trưởng Bộ Tài chính cũng cho rằng, tiền đặt cọc phải nâng lên và tiền đặt cọc đó phải gửi vào tài khoản do Hội đồng đấu giá quản lý.

Đồng thời, về thời gian nộp tiền cũng cần phải quy định thời gian ngắn hơn; phải có cam kết về vấn đề thực hiện mục tiêu đấu giá, tránh trường hợp sau khi đấu giá đất xong thì đất đó để hàng năm trời, thậm chí nhiều năm không sử dụng, gây lãng phí đến vấn đề xã hội.

Bộ trưởng Bộ Tài chính nhấn mạnh yêu cầu phải cân đối được giữa mục tiêu trước mắt và mục tiêu lâu dài. Mục tiêu lâu dài là khi đấu giá xong thì công trình được hoàn thành từ đó sẽ thu hút được lao động, tạo việc làm, tăng GDP và thu ngân sách đầy đủ. Mục đích trước mắt là thu đúng thu đủ tiền sử dụng đất.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc tham gia trả lời chất vấn

Về giá khởi điểm của đấu giá đất xác định theo đúng Nghị định 44 và Thông tư 36 của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho rằng hai văn bản này cần phải được sửa đổi, bổ sung. Bởi nếu Nghị định 44 và Thông tư 36 không sửa thì giá đất vẫn xác định một cách không chính xác và không nhất quán. Bộ trưởng Bộ Tài chính lý giải,  hiện có 5 phương pháp xác định giá đất. Một là phương pháp so sánh. Hai là phương pháp thặng dư. Ba là phương pháp chiết khấu. Bốn là phương pháp thu nhập. Năm là phương pháp hệ số. Đối với các đầu tư mới thì chỉ dùng được 3 phương pháp là: Thặng dư, so sánh và bảng giá đất. Nhưng phương pháp thặng dư ý đưa ra các biến số nhưng lại tính ra một hằng số thì bao giờ cũng sai. Do đó cần nghiên cứu lại, nếu không sửa thì cán bộ vẫn cứ vi phạm. Nếu không sửa thì đoàn kiểm tra này, đoàn thanh tra kia lại có kết luận khác nhau. Cùng với đó, lấy doanh thu giả định, chi phí giả định để tính ra giá chính thức cũng không chính xác, cần phải sửa giá khởi điểm.

Ngoài ra, quy định tại Nghị định 45 là giao đất xong mới thu tiền, nên trường hợp giao đất xong cho nhà đầu tư, nhà đầu tư bán lẻ số đất lấy tiền của dân rồi nhưng lại không nộp tiền cho ngân sách mà lại đưa tiền đó đi đầu tư, trường hợp có rủi ro, bị thua lỗ thì không giải quyết được quyền lợi cho người dân liên quan. Đây chính là một lỗ hổng cũng cần phải được câu là xác định một cách chính xác để bịt lỗ hổng này lại, Bộ trưởng Bộ Tài chính nhấn mạnh./.

Bảo Yến