MỞ RỘNG VIỆC BẢO HỘ NHÃN HIỆU ÂM THANH

13/10/2021

Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ (SHTT) là 1 trong 7 dự án Luật, dự kiến trình Quốc hội khóa XV xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 2. Với nhiều nội dung sửa đổi quan trọng, dự án Luật được kỳ vọng sẽ tháo gỡ những vướng mắc hiện nay, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý thúc đẩy hoạt động đổi mới, sáng tạo.

 

 Ủy ban Pháp luật thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật SHTT tại Phiên họp toàn thể lần thứ 2

Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung 92 điều (trong đó bổ sung 12 điều, sửa đổi 80 điều) và bãi bỏ 02 điều, nâng tổng số điều của Luật SHTT sau khi sửa đổi lên 232 điều, thuộc 7 nhóm Chính sách: (1) Bảo đảm quy định rõ về tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, người biểu diễn, chủ sở hữu quyền liên quan trong các trường hợp chuyển nhượng, chuyển giao quyền tác giả, quyền liên quan; (2) Khuyến khích tạo ra, khai thác và phổ biến sáng chế, kiểu dáng công nghệ, thiết kế bố trí được tạo ra từ ngân sách Nhà nước; (3) Tạo thuận lợi cho quá trình thực hiện thủ tục đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan, thủ tục xác lập quyền sở hữu công nghiệp; (4) Bảo đảm mức độ thỏa đáng và cân bằng trong bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ; (5) Tăng cường hiệu quả hoạt động hỗ trợ về sở hữu trí tuệ; (6) Nâng cao hiệu quả của hoạt động bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ; (7) Bảo đảm thi hành đầy đủ và nghiêm túc các cam kết quốc tế của Việt Nam về bảo hộ sở hữu trí tuệ trong quá trình hội nhập.

Một trong những điểm mới của dự án luật lần này là dự thảo Luật đã mở rộng việc bảo hộ nhãn hiệu âm thanh nhằm đảm bảo thực hiện các cam kết của Việt Nam tại Hiệp định CPTPP và Hiệp định EVFTA. Tuy nhiên, thẩm tra nội dung này, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng, nội dung sửa đổi tại các khoản 31, 32 và 33 Điều 1 của dự thảo Luật chưa bảo đảm được tính thống nhất, tính khả thi đối với việc bảo hộ loại nhãn hiệu này.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Thị Mai Phương 

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Thị Mai Phương cho biết, nhãn hiệu âm thanh là một dạng nhãn hiệu đặc biệt, do đó bên cạnh việc áp dụng các quy định chung về nhãn hiệu cho nhãn hiệu âm thanh thì cần bổ sung một số quy định đặc thù cho nhãn hiệu này nhằm đảm bảo hiệu lực thực thi trên thực tế. Tuy nhiên, khoản 1 Điều 72 của Luật hiện hành chỉ được bổ sung nội dung “hoặc dấu hiệu âm thanh thể hiện được dưới dạng đồ họa” và dự thảo Luật cũng không có quy định như thế nào được coi là “dạng đồ họa”. Do đó, cần làm rõ trường hợp nhãn hiệu âm thanh được thể hiện dưới các dạng khác (ví dụ: dưới dạng nốt nhạc hoặc sóng âm thanh) thì có được bảo hộ không?

Bên cạnh đó, cách thức thể hiện dấu hiệu âm thanh, mẫu nhãn hiệu âm thanh khi tiến hành đăng ký là một vấn đề khá phức tạp, cần phải quy định cụ thể để vừa bảo đảm yêu cầu cho việc thẩm định về tính phân biệt của nhãn hiệu đăng ký nhưng cũng cần thuận lợi cho việc công bố đơn đăng ký và lưu giữ hồ sơ. Tuy nhiên, Điều 105 của Luật hiện hành về đơn yêu cầu đăng ký nhãn hiệu chưa được sửa đổi đồng bộ để làm rõ các yêu cầu đối với đơn đăng ký nhãn hiệu âm thanh. Do đó, đề nghị nghiên cứu bổ sung vào Điều 105 một số yêu cầu đặc thù trong đơn yêu cầu đăng ký nhãn hiệu âm thanh, làm cơ sở để quy định chi tiết trong văn bản hướng dẫn.

Mở rộng bảo hộ nhãn hiệu âm thanh

Quy định về bảo hộ nhãn hiệu âm thanh (khoản 1 Điều 72, khoản 1 Điều 73 và khoản 2 Điều 74 của Luật SHTT được sửa đổi, bổ sung theo các khoản 31, 32 và 33 Điều 1 của dự thảo Luật) cũng nhận được sự quan tâm, góp ý của nhiều chuyên gia, nhà khoa học trong lĩnh vực SHTT.

Theo Luật sư Phạm Duy Khương, quy định của pháp luật SHTT hiện tại đang bó hẹp trong việc nhận diện nhãn hiệu qua thị giác, có nghĩa phải nhìn thấy được. Điều này, hiện tạo nên rào cản đối với các chủ thể muốn tiến hành đăng ký nhãn hiệu âm thanh. Tuy nhiên, tại Dự thảo Luật SHTT lần này đã đưa “âm thanh” là một dấu hiệu có đủ điều kiện để bảo hộ là nhãn hiệu. Mặc dù vậy, dự thảo Luật lại yêu cầu dấu hiệu âm thanh phải được trình bày dưới dạng đồ họa. Quy định này, có thể không rõ ràng và phức tạp trong quá trình thực thi. Luật sư đề xuất quy định này nên được cụ thể hóa là “dấu hiệu âm thanh được thể hiện dưới dạng nốt nhạc hoặc sóng âm thanh” để thực hiện khả thi hơn.

 “Đối với nhãn hiệu âm thanh khi tiến hành đăng ký, nên áp dụng linh hoạt, nếu là âm nhạc phải thể hiện bằng các nốt nhạc trên khuông nhạc vì khuông nhạc là hình thức mô tả âm nhạc cụ thể và chính xác nhất, nếu người nộp đơn muốn có thể mô tả chi tiết thêm bằng từ ngữ, lời văn; đối với âm thanh không phải là âm nhạc không thể hiện bằng nốt nhạc thì mô tả bằng từ ngữ, lời văn một cách chính xác, thống nhất với âm thanh được sử dụng thực tế làm nhãn hiệu”, Luật sư Phạm Duy Khương kiến nghị.

 Luật sư Phạm Duy Khương

Góp ý vào quy định này, PGS.TS Lê Thị Nam Giang, Giảng viên trường Đại học Luật Tp.Hồ Chí Minh cho rằng, dự thảo Luật SHTT hiện nay chưa đảm bảo được tính đồng bộ, thống nhất và hiệu quả trong việc bảo hộ nhãn hiệu âm thanh. Theo PGS.TS Lê Thị Nam Giang, bảo hộ âm thanh là vấn đề rất mới đối với không chỉ Việt Nam mà cả nhiều nước trên thế giới. Việc đưa vấn đề bảo hộ nhãn hiệu âm thanh vào dự thảo Luật thì không phải để đáp ứng điều kiện thực tế hiện nay vì thời gian chúng ta phải thực thi luật rất sớm (01/2022) mà chủ yếu để chúng ta thực hiện các cam kết quốc tế. Vì vậy, khi bảo hộ nhãn hiệu âm thanh cần có sự rà soát các quy định của pháp luật để làm sao cho quy định này có thể áp dụng trên thực tế khi tiến hành triển khai.

Theo PGS.TS Lê Thị Nam Giang, với quy định hiện nay, thực chất chúng ta đang thiếu 1 cơ sở pháp lý cho việc từ chối bảo hộ nhãn hiệu âm thanh trong 2 tình huống. Đối với, nhãn hiệu âm thanh được cấu tạo thành âm thanh đơn giản, chúng ta có thể bổ sung ngay vào điểm a, khoản 2 điều 74. Trong đó, đưa vào việc loại trừ bảo hộ nhãn hiệu âm thanh đơn giản trừ trường hợp nếu như dấu hiệu này đã được sử dụng và thừa nhận rộng rãi như 1 nhãn hiệu trước ngày nộp đơn. Và tương tự với việc nhãn hiệu âm thanh trùng hoặc tương tự với 1 tác phẩm âm nhạc hoặc là 1 phần của 1 tác phẩm âm nhạc thì hiện nay chúng ta cũng không có cơ sở để từ chối trong khi đó nhãn hiệu âm thanh có thể được cấu tạo từ tác phẩm âm nhạc hoặc những dấu hiệu âm thanh khác ví dụ như tiếng động của con người, tiếng động của tự nhiên; … Vì vậy, đề xuất bổ sung vào quy định tại điểm p khoản 2 điều 74 đưa vào trường hợp loại trừ bảo hộ nhãn hiệu âm thanh trong tác phẩm thuộc phạm vi bảo hộ quyền tác giả của người khác trước ngày nộp đơn.

Ngoài ra, PGS.TS Lê Thị Nam Giang  đề nghị bổ sung quy định về mẫu nhãn hiệu âm thanh quy định tại Điều 105 Luật SHTT và có thể ưu cầu mẫu nhãn hiệu thể hiện ở dạng đồ họa hoặc có thể kèm theo file chiếu mẫu nhãn hiệu. Lý giải về đề xuất này, PGS.TS Lê Thị Nam Giang  cho biết, bổ sung quy định này bởi vì mẫu nhãn hiệu âm thanh là một vấn đề cực kỳ phức tạp, hiện nay pháp luật của các nước bảo hộ nhãn hiệu âm thanh cũng quy định không hoàn toàn giống nhau. Với 1 đối tượng mới thì chúng ta nên có một hướng dẫn và nên quy định chi tiết trong luật chứ không phải văn bản dưới luật về yêu cầu đối với mẫu nhãn hiệu.

Hoàn toàn đồng ý với Ban soạn thảo nhãn hiệu âm thanh chỉ là 1 nhãn hiệu đặc biệt và chính vì vậy những quy định mang tính nguyên tắc quy định cho nhãn hiệu thông thường cũng sẽ được áp dụng cho nhãn hiệu âm thanh. Tuy nhiên xuất phát từ tính đặc thù của nhãn hiệu âm thanh, PGS.TS Lê Thị Nam Giang đề nghị cũng cần có sự sửa đổi, bổ sung cho đảm bảo tính đồng bộ. Đồng thời, PGS.TS Lê Thị Nam Giang mong muốn Ban soạn thảo nghiên cứu làm rõ hơn về dấu hiệu âm thanh có thể thể hiện dưới phần đồ họa đang được bổ sung tại Điều 72 bởi vì, dấu hiệu âm thanh rất rộng.

Quy định về bảo hộ nhãn hiệu âm thanh nói riêng và dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật SHTT nói chung, hiện đang tiếp tục được cơ quan soạn thảo nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý nhằm đảm bảo quy định phù hợp, mang tính khả thi cao; đảm bảo chất lượng cao nhất của dự thảo luật trước khi trình Quốc hội khóa XV xem xét cho ý kiến tại kỳ họp thứ 2 tới đây./.

Lê Anh

Các bài viết khác