ĐẠI BIỂU DÂN CỬ VỚI CHÍNH SÁCH THUẾ TIÊU THỤ ĐẶC BIỆT ĐỐI VỚI THUỐC LÁ, RƯỢU BIA VÀ ĐỒ UỐNG CÓ ĐƯỜNG

15/07/2022

Sáng nay tại quảng Ninh, Ủy ban Xã hội của Quốc hội tổ chức Hội thảo “Đại biểu dân cử với chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá, rượu bia và đồ uống có đường”. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Đỗ Thị Lan; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Hoàng Mai và Ủy viên Thường trực Ủy ban Xã hội Trần Thị Thanh Lam đồng chủ trì hội thảo.

 

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Đỗ Thị Lan 

Phát biểu tại Hội thảo, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Đỗ Thị Lan cho biết, khi kinh tế phát triển, thu nhập của người dân tăng lên cũng là lúc nhu cầu sử dụng các loại thực phẩm, đồ uống tăng theo. Tuy nhiên, không phải loại đồ uống nào cũng tốt cho sức khỏe của con người. Đã có những bằng chứng khoa học chỉ ra mối liên hệ giữa việc sử dụng thường xuyên các loại đồ uống có cồn, đồ uống có ga với một số bệnh như gan, tim mạch, huyết áp, tiểu đường hay béo phì của con người. Một trong những cách thức nhằm điều chỉnh hành vi của người dân khi sử dụng những hàng hóa, dịch vụ cần được hạn chế, đó là đánh thuế thuế tiêu thụ đặc biệt.

Luật Thuế Tiêu thụ đặc biệt năm 2008 (sửa đổi bổ sung năm 2014 và năm 2016) đánh thuế đối với thuốc lá và rượu, bia … Tuy nhiên, đối tượng các loại đồ uống bị đánh thuế TTĐB hiện nay còn hẹp, mới chỉ dừng lại ở nhóm đồ uống có cồn mà cụ thể là rượu và bia. Trong khi đó ngoài rượu và bia, hiện nay trên thị trường còn có những loại đồ uống chứa nồng độ cồn nhẹ như nước hoa quả lên men. Bên cạnh đó, những đồ uống khác như nước ngọt, đồ uống có ga, nước tăng lực… cũng là những đồ uống có những thành phần có hại cho sức khỏe như đường và các chất kích thích thì hiện chưa bị thu thuế. Trong khi đó, tại hầu hết các quốc gia châu Âu, những đồ uống này bị đánh thuế với mức thuế khá cao.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Đỗ Thị Lan hi vọng, hội thảo sẽ tạo ra một diễn đàn cung cấp thông tin cho các đại biểu và thảo luận về tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống tác hại của thuốc lá, rượu bia và đồ uống có đường, chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt đối với một số sản phẩm tiêu dùng.

Tham luận của các chuyên gia trình bày tại Hội thảo cho biết, mức tiêu thụ đồ uống có đường tại Việt Nam đang tăng rất nhanh. Nếu như năm 2002, trung bình mỗi người chỉ dùng 6,04l/năm thì năm 2021 đã tăng lên 55,78l/năm. Đồ uống có đường gồm tất cả các loại đồ uống có chứa đường tự do bao gồm nước ngọt có ga hoặc không có ga, chất cô đặc dạng lỏng và bột nước hương vị, nước tăng lực và thể thao, trà đóng hộp, cà phê uống sẵn và sữa có thêm đường. Tiêu thụ đồ uống có đường làm tăng nhanh mức calo trong khẩu phần vì đánh lừa cảm giác no.

Các chuyên gia cũng đã phân tích tác hại của đồ uống có đường đối với sức khỏe của con người, đặc biệt là trẻ em. Theo đó, đồ uống có đường làm tăng nguy cơ mắc nhiều bệnh không lây nhiễm như: Thừa cân béo phì, bệnh đái tháo đường, rối loạn chuyển hoá, hệ xương răng, bệnh tim mạch, sa sút trí tuệ, ung thư… Trẻ em từ 2-5 tuổi nếu thường xuyên uống nước ngọt thì nguy cơ béo phì tăng 43%. Trẻ thường xuyên uống đồ uống có đường chỉ số khối lượng cơ thể tăng 0,24% so với trẻ không uống đồ uống có đường. Để hạn chế tình trạng thừa cân béo phì ở trẻ, các chuyên gia khuyến nghị trẻ em từ 2 -18 tuổi nên hạn chế lượng đường tiêu thụ xuống dưới 25mg mỗi ngày và chỉ giới hạn không quá 235 ml đồ uống có đường mỗi tuần. Đồng thời trẻ em dưới 2 tuổi không nên tiêu thụ bất kỳ loại thực phẩm hoặc đồ uống nào có thêm đường.

Về khuyến nghị chính sách, các đại biểu cho rằng Việt Nam cần có các chính sách đủ mạnh nhằm giảm tiêu thụ đồ uống có đường để phòng chống các bệnh không truyền nhiễm có liên quan. Đó là các chính sách nhằm kiểm soát tiêu thụ đồ uống có đường trên thế giới như: Chính sách bắt buộc công bố nhãn dinh dưỡng, nhãn cảnh báo sức khỏe… trên bao bì sản phẩm đồ uống có đường. Việc dán nhãn dinh dưỡng giúp minh bạch thông tin về thành phần và hàm lượng của các chất dinh dưỡng trong sản phẩm, để nâng cao khả năng tiếp cận thông tin về dinh dưỡng, từ đó người tiêu dùng có thể đưa ra các lựa chọn phù hợp. Bên cạnh đó, cần có chính sách kiểm soát quảng cáo các sản phẩm đồ uống có đường đặc biệt là đối với trẻ em; chính sách can thiệp dinh dưỡng trong trường học. Đặc biệt từ kinh nghiệm quốc tế, nhiều chuyên gia đề nghị cần đánh thuế đối với đồ uống có đườn và nên xem xét áp dụng thuế đồ uống có đường ở mức 20% giá bán lẻ theo khuyến nghị của WHO để giảm nguy cơ sức khỏe cho thế hệ tương lai. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng nên tạo môi trường thuận lợi để giảm tiêu thụ đồ uống có đường, tăng cường cung cấp nước uống an toàn, nâng cao nhận thức của người dân về các lựa chọn đồ uống lành mạnh, giảm tính sẵn có của đồ uống có đường và cấm tiếp thị đồ uống có đường.

Những ý kiến góp ý của các đại biểu tham dự Hội thảo và những ý kiến chia sẻ của các chuyên gia sẽ làm cơ sở quan trọng để giúp Uỷ ban Xã hội có thêm công cụ trong công tác xây dựng, hoạch định chính sách và giám sát tình hình thực hiện chính sách, pháp luật trong lĩnh vực phòng, chống tác hại của thuốc lá, rượu bia và đồ uống có đường./.

Như Thảo