UỶ BAN XÃ HỘI TỔ CHỨC HỘI THẢO VỀ ĐẠI BIỂU DÂN CỬ VỚI CHÍNH SÁCH, PHÁP LUẬT VỀ DÂN SỐ-PHÁT TRIỂN

14/07/2022

Sáng ngày 14/7, tại Quảng Ninh, Ủy ban Xã hội Quốc hội phối hợp với Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc tổ chức Hội thảo "Đại biểu dân cử với chính sách, pháp luật về dân số - phát triển”. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Hoàng Mai, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Đỗ Thị Lan và Trưởng Văn phòng UNFPA tại Việt Nam Naomi Kitahara đồng chủ trì Hội thảo.

 

Toàn cảnh Hội thảo

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Hoàng Mai cho biết, thời gian vừa qua, Việt Nam đã đạt được nhiều thành quả đáng kể trong công tác dân số. Cụ thể, tuổi thọ trung bình của người Việt Nam đã tăng lên đáng kể, từ năm 1989 đến năm 2021, tuổi thọ trung bình của Việt Nam liên tục tăng từ 65,2 tuổi lên 73,7; chất lượng dân số được cải thiện Việt Nam không chế thành công tốc độ gia tăng dân số, đạt mức sinh thay thể sớm hơn 10 năm so với mục tiêu Nghị quyết Trung ương 4 (khóa VII) đề ra và được tiếp tục duy trì đến nay; cơ cấu dân số chuyển dịch tích cực, dân số trong độ tuổi lao động tăng mạnh và chính thức bước vào thời kỳ dân số vàng từ năm 2007, dân số đã có sự phân bổ hợp lý hơn, gắn với quá trình đô thị hoả, công nghiệp hoá và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, tỉnh trạng suy dinh dưỡng và tử vong mẹ, tử vong trẻ sơ sinh đã giảm.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, Việt Nam cũng đang phải đối mặt với những vấn đề dân số trong tỉnh hình mới và cần có những động thái về chính sách phù hợp để điều chỉnh. Do đó, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Hoàng Mai mong muốn Hội thảo tạo diễn dàn trao đổi, thảo luận và đưa ra những kiến nghị liên quan để hoàn thiện chính sách, pháp luật về dân số. Quan trọng hơn cả, thông qua Hội thảo, các vị đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố cùng chung tay với ngành dân số, ngành y tế trong hoạt động hoạch định chính sách, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về dân số để công tác dân số đạt được kết quả tốt trong thời gian tới.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Hoàng Mai phát biểu tại Hội thảo

Tham luận của các diễn giả trình bày tại Hội thảo đã cung cấp các thông tin mới nhất về các vấn đề dân số và phát triển ở Việt Nam, bao gồm thực trạng mức sinh, tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, già hóa dân số và nhu cầu chăm sóc người cao tuổi, chăm sóc sức khỏe sinh sản ở Việt Nam, và vai trò của đăng ký và thống kê hộ tịch trong việc bảo đảm quyền của người dân và xây dựng các chính sách liên quan tới chăm sóc sức khỏe, an sinh xã hội. Đáng chú ý các tham luận cũng nhấn mạnh đến những vấn đề mới nổi về dân số thông qua bằng chứng từ kết quả các cuộc điều tra dân số.

Cụ thể, mất cân bằng giới tính khi sinh tăng nhanh và luôn ở mức cao, từ 109,8 bé trai/100 bé gái năm 2006 lên 113,8 bé trai/100 bé gái năm 2021; cả nước có 33 tỉnh, thành phố có mức sinh cao, chủ yếu ở các tỉnh, thành miền núi phía Bắc (42% dân số), 21 tỉnh, thành phố có mức sinh thấp, chủ yếu ở các tỉnh, thành phía Nam (39% dân số); nước ta là một trong những nước có tốc độ già hóa dân số rất nhanh, chỉ số già hóa dân số tăng từ 35,9% năm 2009 lên 48,8% năm 2019: việc tận dụng thời kỳ cơ cấu dân số vàng chưa thực sự hiệu quả. Tỷ lệ tầm soát, chẩn đoán trước sinh, sơ sinh còn thấp. Mức chết trẻ em còn chênh lệch giữa các vùng, trong đó Trung du và miền núi phía Bắc và Tây Nguyên có tỷ suất chết của trẻ em dưới 1 tuổi và dưới 5 tuổi cao nhất.

Qua thảo luận các đại biểu đã đưa ra những kiến nghị liên quan để hoàn thiện chính sách, pháp luật về dân số và phát triển như: Nâng cao chất lượng các nguồn thông tin thống kê, tăng cường kết nối và chia sẻ thông tin thống kê giữa các Bộ, ngành để có được các nguồn thông tin đầy đủ hơn, phạm vi công bố chi tiết hơn; Thực hiện các triển khai giám sát về cam kết chia sẻ dữ liệu và phổ biến thông tin của các bộ ngành; Cần bổ sung các nghiên cứu phi truyền thống trong lĩnh vực nhân khẩu học để sớm xây dựng những chính sách phù hợp với sự phát triển của xã hội hiện đại./.

Như Thảo