ĐẠI BIỂU DÂN CỬ VỚI VIỆC THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH, PHÁP LUẬT VỀ PHÒNG, CHỐNG TAI HẠI THUỐC LÁ

28/06/2022

Mỗi năm, khoảng 40.000 người tử vong vì các bệnh liên quan đến thuốc lá. Con số này sẽ tăng lên 70.000 người vào năm 2030 nếu các biện pháp phòng chống tác hại thuốc lá hiệu quả không được thực hiện… là cảnh báo được đưa ra tại Hội thảo “Đại biểu dân cử với việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng chống tác hại thuốc lá” được Uỷ ban Xã hội của Quốc hội tổ chức tại Đà Nẵng vào sáng 28/6.

 

Toàn cảnh hội thảo

Hiện ước tính có khoảng 15,4 triệu người Việt Nam đang sử dụng thuốc lá, đa phần là nam giới. Họ đã dùng 49.000 tỷ đồng mỗi năm để mua thuốc lá, và mất khoảng 67.000 tỷ đồng để điều trị 5 nhóm bệnh chính trên tổng số 25 nhóm bệnh do thuốc lá gây ra như: ung thư phổi, ung thư đường tiêu hoá – hô hấp trên, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, nhồi máu cơ tim, đột quỵ.

Dù Việt Nam đã tham gia công ước khung về kiểm soát thuốc lá FCTC cùng 181 quốc gia khác, đồng thời có nhiều chính sách pháp luật nhằm phòng chống tác hại thuốc lá như: tăng cường thông tin, giáo dục về thuốc lá; xây dựng môi trường không khói thuốc; áp dụng mức thuế thuốc lá cao; cấm quảng cáo, khuyến mãi, tài trợ thuốc lá; hỗ trợ cai nghiện thuốc lá…. song tỷ lệ sử dụng thuốc lá vẫn giảm rất thấp (22,5% năm 2015 xuống 21,7% năm 2020). Đặc biệt, tỷ lệ người tiếp xúc thụ động với thuốc lá vẫn rất cao, cao nhất ở khu vực nhà hàng, quán cà phê, quán bar.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí phát biểu tại hội thảo

Một trong những giải pháp được đề cập tại hội thảo là định hướng tăng thuế thuốc lá. Hiện mức thuế đang áp dụng (bắt đầu từ năm 2019) là 75% giá xuất xưởng, tương đowng 38,8% giá bán lẻ. Tổ chức Y tế thế giới WHO khuyến cáo nâng lên mức thuế 70% giá bán lẻ các sản phẩm thuốc lá. Đồng thời đề xuất lộ trình tăng diện tích in cảnh báo sức khoẻ trên bao bì thuốc lá. Đặc biệt là nghiên cứu đề xuất các chính sách phù hợp để quản lý chặt chẽ các điểm bán lẻ thuốc lá, tránh việc mua bán dễ dàng, khó kiểm soát.

Một Chiến lược quốc gia về phòng chống tác hại thuốc lá đến 2030 cũng đã được lên kế hoạch xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ ban hành nhằm giảm tỷ lệ hút thuốc lá cũng như tỷ lệ tiếp xúc thụ động với khói thuốc lá tại các khu vực công cộng. Ngăn ngừa sử dụng các sản phẩm thuốc lá mới như thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, shisha… trong cộng đồng.

Các Phó Chủ nhiệm Uỷ ban: Nguyễn Thị Kim Thuý và Đỗ Thị Lan đồng chủ trì hội thảo

Ngoài ra, Uỷ ban Xã hội cũng ghi nhận một số kiến nghị đối với Quốc hội như: Tăng cường hoạt động giám sát thực hiện Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá tại Trung ương và địa phương; Xem xét và tiếp tục ủng hộ xây dựng lộ trình tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá để hạn chế tiêu dùng theo khuyến cáo của WHO; Tiếp tục xem xét, nghiên cứu, đưa ra các cơ chế hỗ trợ mới giúp phát huy tối đa hiệu quả hoạt động của Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá trong thời gian tới; Ủng hộ việc quy định chi trả từ Quỹ Bảo hiểm y tế cho hoạt động phòng bệnh như tư vấn cai nghiện thuốc lá, rượu bia… trong quá trình sửa đổi bổ sung Luật Bảo hiểm y tế./.

Mỹ Phượng – Lê Quang