THƯỜNG TRỰC ỦY BAN XÃ HỘI LÀM VIỆC VỚI BỘ Y TẾ

02/12/2021

Chiều 02/12, tại Trụ sở các cơ quan của Quốc hội, Thường trực Ủy ban Xã hội tổ chức phiên họp mở rộng để nghe Bộ Y tế báo cáo về việc trình một số cơ chế, chính sách đặc biệt, đặc cách, đặc thù trong phòng chống dịch COVID-19; tiến độ xây dựng và trình Quốc hội các dự án luật năm 2022. Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Thúy Anh chủ trì phiên họp.

 

Toàn cảnh phiên họp

Tham dự phiên họp có đại diện Thường trực một số Ủy ban của Quốc hội; Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn; Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Phạm Lương Sơn; đại diện Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài chính, một số Bộ ngành hữu quan…

Báo cáo tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết, đối với các nội dung Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép thực hiện một số cơ chế, chính sách đặc biệt, đặc cách, đặc thù trong phòng, chống dịch COVID-19 để thực hiện Chiến lurợc tổng thể về phòng, chống dịch COVID-19, Bộ Y tế đã nghiên cứu và đưa ra một số vấn đề cụ thể như sau:

Về nhân lực tham gia tiêm chủng, xét nghiệm, chăm sóc, điều trị người nhiễm COVID-19, thực tiễn vừa qua để đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch, Bộ Y tế đã huy động lực lượng nhân lực tham gia xét nghiệm trên diện rộng, tăng cường các cơ sở thu dung, điều trị COVID-19, gồm: các bác sỹ không chỉ ở chuyên ngành hồi sức, nội, truyền nhiễm mà ở tất cả các chuyên ngành, trong đó có nhiều trường hợp thực hiện các nhiệm vụ không phù hợp, thậm chi trái với phạm vi hành nghề được ghi trong chứng chỉ hành nghề; học sinh, sinh viên chuyên ngành y là đối tượng chưa có chứng chỉ hành nghề tham gia các hoạt động lấy mẫu xét nghiệm, tiêm chủng COVID-19, chăm sóc người bệnh COVID-19... Tuy nhiên, các hoạt động nêu trên chưa phù hợp với quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh. Do đó, để giải quyết thực tiễn, kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép Bộ Y tế và các địa phương được điều động, sử dụng nhân lực cho công tác phòng, chống dịch COVID-19 mà không phụ thuộc vào phạm vi hành nghề và phạm vi hoạt động chuyên môn được ghi trong chứng chỉ hành nghề.

Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn báo cáo một số nội dung

Về thanh toán chi phí thực hiện việc tiêm chủng, xét nghiệm, khám bệnh, chữa bệnh COVID-19, trên cơ sở ý kiến góp ý của Bộ Tài chính, ý kiến của các đơn vị trong ngành y tế và ý kiến của các chuyên gia, Bộ Y tế đã chỉnh lý nội dung của dự thảo Nghị quyết theo hướng quy định cụ thể về: Nguồn kinh phí chi thường xuyên của các cơ sở thu dung, điều trị COVID-19; Việc thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh đối với người bệnh COVID-19 tai các cơ sở thu dung, điều trị COVID-19 theo từng giai đoạn và mô hình tổ chức.

Về thuốc và nguyên liệu làm thuốc, tiếp thu ý kiến của Tiểu ban Y tế thuộc Ủy ban Xã hội, Bộ Y tế đã bổ sung số liệu để chứng minh việc chuyển đổi mục đích sử dụng nguyên liệu làm thuốc nhập khẩu; cấp giấy đăng ký lưu hành, gia hạn số đăng ký lưu hành; sử dụng thuốc sản xuất trong nước thuộc lô thuốc được sản xuất để phục vụ cấp số đăng ký lưu hành trong phòng, chống dịch COVID-19 trong báo cáo đánh giá tác động chính sách của dự thảo Nghị quyết.

Về chính sách tiền lương, tiền công, phụ cấp và chế độ chính sách đối với người được điều động tham gia hỗ trợ phòng, chống dịch COVID-19, tiếp thu ý kiến của Tiểu ban Y tế thuộc Ủy ban Xã hội, Bộ Y tế đã chỉnh lý quy định tại Điều 7 của Nghị quyết theo hướng quy định về nguyên tắc chi trả tiền lương, tiền công, phụ cấp và chế độ chính sách đối với người được điều động tham gia hỗ trợ phòng, chống dịch COVID-19 và giao Chính phủ hướng dẫn thi hành.

Cũng tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn đã báo cáo về tiến độ xây dựng và trình Quốc hội các dự án luật năm 2022 gồm: Dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) và Dự án Luật Bảo hiểm y tế (sửa đổi).

Đại biểu Nguyễn Anh Trí phát biểu

Thảo luận tại phiên họp, Thường trực Ủy ban và các đại biểu cho rằng cần thiết có một Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc cho phép thực hiện một số cơ chế, chính sách đặc biệt, đặc cách, đặc thù trong phòng, chống dịch COVID-19 để thực hiện Chiến lược tổng thể về phòng, chống dịch COVID-19. Tuy nhiên, cần phải tiếp tục hoàn thiện hồ sơ, đảm bảo nội dung bao quát, không chỉ lĩnh vực y tế. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng nêu rõ, cần có nghiên cứu kỹ lưỡng hơn về các biện pháp phòng dịch, làm tốt khâu phòng dịch sẽ giảm tải áp lực rất lớn trong trong công tác chữa trị; cần nâng cao trách nhiệm của tất cả các cơ quan, đơn vị, đảm bảo có sự vào cuộc của tất cả các bên trong công tác phòng dịch.

Cho rằng việc khám chữa bệnh từ xa có vai trò quan trọng, nhất là vào thời điểm dịch bệnh, tuy nhiên một số đại biểu cho rằng vấn đề này chưa được quy định trong các luật hiện hành. Do đó, cần xem xét kỹ về thời gian, đối tượng, trách nhiệm của người hành nghề, cơ sở y tế, chi phí cho việc khám chữa bệnh từ xa; cần có những quy định để đảm bảo tính chủ động, linh hoạt trong điều hành hoạt động thí điểm; đồng thời  Bộ Y tế cần khẩn trương có hướng dẫn cụ thể về việc thực hiện thí điểm khám chữa bệnh từ xa.

Về vấn đề về nhân lực tham gia tiêm chủng, xét nghiệm, chăm sóc, điều trị người nhiễm COVID-19, một số đại biểu đề nghị cần làm rõ thẩm quyền cho phép việc điều động những nhân lực này? Nếu có sự cố y khoa xảy ra với các nhân lực này thì sẽ xử lý ra sao? Nhiều trường hợp tham gia thực hiện công việc mà bị lây nhiễm hoặc hi sinh thì chế độ sẽ như thế nào?

Đối với 02 Dự án Luật Bộ Y tế đang xây dựng và trình Quốc hội, một số đại biểu đề nghị cần bám sát Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật để hoàn thiện đầy đủ hồ sơ. Theo đó, các đại biểu cho rằng, cần thiết xây dựng Dự án Luật khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) nhằm cụ thể hóa đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước, khắc phục những hạn chế, bất cập, giải quyết những vấn đề mới phát sinh để phát triển và nâng cao chất lượng dịch vụ y tế cho người dân theo định hướng công bằng, chất lượng, hiệu quả, phát triển và hội nhập quốc tế; tăng cường hiệu lực, hiệu quả, trật tự, kỷ cương, kỷ luật của quản lý nhà nước về hoạt động khám bệnh, chữa bệnh.

 Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh phát biểu kết luận

Kết luận phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh ghi nhận và đánh giá cao ý kiến của các đại biểu tham dự. Chủ nhiệm Ủy ban cho biết, các ý kiến của các đại biểu đồng tình với việc ban hành Nghị quyết về thực hiện một số cơ chế, chính sách đặc biệt, đặc cách, đặc thù trong phòng, chống dịch COVID-19. Tuy nhiên Nghị quyết này là văn bản có tính quy phạm cao, đối tượng áp dụng rộng, do đó cần xác định rõ phạm vi cơ chế chính sách; đối tượng áp dụng, phạm vi điều chỉnh; cần nhất quán, mạch lạc các nội dung.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh nêu rõ, Nghị quyết này điều chỉnh nhiều nội dung, có sự tham gia của các cơ quan có liên quan. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên việc lấy ý kiến đối tượng tác động chưa nhiều, đề nghị Chính phủ cần tiếp tục hoàn thiện thêm hồ sơ, trong đó tiếp thu góp ý của các đại biểu tại buổi làm việc; bổ sung đánh giá tác động về tài chính, về tổ chức thực hiện... Đồng thời, Chủ nhiệm Nguyễn Thúy Anh cũng đề nghị, lĩnh vực y tế là lĩnh vực mang tính chuyên môn, do đó việc trình đề xuất chính sách trong văn bản này cần đi kèm thuyết minh đầy đủ về tính cấp bách của chính sách, các văn bản chi tiết kèm theo để trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội quyết định theo thẩm quyền./.

Hồ Hương - Nghĩa Đức