THƯỜNG TRỰC UỶ BAN XÃ HỘI LÀM VIỆC VỚI HIỆP HỘI DOANH NGHIỆP CHÂU ÂU TẠI VIỆT NAM

10/10/2022

Sáng ngày 10/10, tại Trụ sở Các cơ quan của Quốc hội, Thường trực Uỷ ban Xã hội của Quốc hội đã làm việc với Hiệp hội Doanh nghiệp Châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), Pharma Group. Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Xã hội Nguyễn Hoàng Mai chủ trì buổi làm việc.

CHỦ NHIỆM ỦY BAN XÃ HỘI NGUYỄN THÚY ANH CHỦ TRÌ LÀM VIỆC VỚI GIÁM ĐỐC QUỸ DÂN SỐ LIÊN HỢP QUỐC KHU VỰC CHÂU Á - THÁI BÌNH DƯƠNG

Toàn cảnh buổi làm việc

Tham dự buổi làm việc còn có Phó Chủ tịch EuroCham Jean-Jacques Bouflet; Chủ tịch Pharma Group, Chủ tịch Sanofi tại Việt Nam Emin Turan.

Giới thiệu sơ lược về chức năng, nhiệm vụ của Uỷ ban Xã hội, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Xã hội Nguyễn Hoàng Mai cho biết, Ủy ban là cơ quan của Quốc hội phụ trách lĩnh vực lao động, việc làm và an sinh xã hội; y tế, dân số; người có công; bảo trợ xã hội; bình đẳng giới; phòng, chống bạo lực gia đình; thi đua, khen thưởng; phòng, chống tệ nạn xã hội và các vấn đề xã hội khác.

Ủy ban Xã hội có chức năng thẩm tra các dự án luật, pháp lệnh; thẩm tra lồng ghép vấn đề bình đẳng giới; giám sát, kiến nghị việc thực thi pháp luật thuộc lĩnh vực Ủy ban phụ trách; tham gia quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Đồng thời có trách nhiệm giúp Quốc hội thẩm tra, hoàn thiện các dự án luật; tiến hành giám sát chuyên đề trong lĩnh vực y tế, dân số; tiến hành các Phiên giải trình về các vấn đề trong lĩnh vực y tế, dân số. Cùng với đó, trước khi Quốc hội quyết định các chỉ tiêu về y tế - xã hội trong Nghị quyết phát triển kinh tế xã hội và quyết định ngân sách nhà nước cho lĩnh vực y tế, Ủy ban cũng có trách nhiệm thẩm tra về các vấn đề này.

Chia sẻ về một số kết quả chính trong hoạt động lập pháp, giám sát lĩnh vực y tế của Ủy ban trong năm 2022, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Xã hội Nguyễn Hoàng Mai cho biết Ủy ban đã thẩm tra, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi); nghe Bộ Y tế báo cáo về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược, Luật Bảo hiểm y tế (sửa đổi). Trong công tác giám sát, Ủy ban đã thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện quản lý, sử dụng Quỹ bảo hiểm y tế; việc thực hiện quy định tại Nghị quyết số 30/2021/QH15 ngày 28/7/2021 kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV về các chính sách phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Tham gia thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước. Ủy ban cũng đã tổ chức nhiều cuộc giám sát, khảo sát chuyên đề liên quan đến việc thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15; giám sát ban hành văn bản và giám sát giải quyết kiến nghị đơn thư, khiếu nại, tố cáo của công dân liên quan đến lĩnh vực y tế.

Chủ tịch Pharma Group, Chủ tịch Sanofi tại Việt Nam Emin Turan

Đóng góp một số ý kiến nhằm hoàn thiện chính sách, pháp luật của Việt Nam trong lĩnh vực y tế, Chủ tịch Pharma Group, Chủ tịch Sanofi tại Việt Nam Emin Turan nêu rõ, hơn 10.000 giấy đăng ký lưu hành thuốc sẽ hết hạn vào ngày 31/12, năm 2023 có 3.741 giấy hết hạn, nguy cơ thiếu thuốc kéo dài nếu Luật Dược không được sửa đổi nhanh chóng. Nhằm ngăn ngừa nguy cơ thiếu thuốc tái diễn từ đầu năm 2023, Chủ tịch Pharma Group cho rằng cần có Nghị quyết của Quốc hội hoặc Ủy ban thường vụ Quốc hội, trong đó cho phép bãi bỏ thủ tục gia hạn giấy đăng ký lưu hành thuốc; cho phép tiếp tục kéo dài thời hạn hiệu lực giấy đăng ký lưu hành thuốc cho đến khi thủ tục về gia hạn giấy đăng ký lưu hành được bãi bỏ và áp dụng, hoặc ít nhất đến cuối năm 2024; giao Bộ Y tế thí điểm việc áp dụng cơ chế tham chiếu (Regulatory Reliance) trong đăng ký thuốc phù hợp với Việt Nam nhằm tối ưu hóa nguồn lực và đẩy nhanh tốc độ cấp phép lưu hành thuốc mới, thuốc hiếm, tạo điều kiện để người dân có thể tiếp cận với các loại thuốc này rất nhanh tại Việt Nam sau khi được cấp phép tại các nước như Mỹ, châu Âu; hài hòa các quy định về thay đổi, bổ sung tại Việt Nam với các hướng dẫn của ASEAN (đối với thuốc) và WHO (đối với vaccine).

Chủ tịch Pharma Group nhấn mạnh, các giải pháp trên sẽ tạo điều kiện tập trung nguồn lực vào việc thẩm định các loại hồ sơ đăng ký thuốc khác (cấp mới, thay đổi, bổ sung). Đặc biệt, hồ sơ thay đổi, bổ sung giấy đăng ký lưu hành nếu không được thẩm định kịp thời sẽ dẫn đến tình trạng thiếu thuốc kể cả khi hiệu lực giấy đăng ký lưu hành được kéo dài. Đồng thời cần cân nhắc bổ sung thêm nguồn lực cho Bộ Y tế cũng như có cơ chế đánh giá, giám sát để đảm bảo thời gian phê duyệt theo quy định của Luật Dược.

Chủ tịch Pharma Group Emin Turan cũng đề xuất Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội giám sát thực hiện việc sửa đổi Luật Dược một cách toàn diện trong thời gian sớm nhất có thể nhằm giải quyết các vấn đề cấp bách, đáp ứng yêu cầu quản lý hiện nay và hài hoà với các quy định quốc tế. Việc sớm sửa đổi Luật Dược sẽ tạo cơ sở vững chắc nhằm đạt các mục tiêu về đảm bảo cung ứng đủ, kịp thời thuốc có chất lượng cho nhu cầu khám chữa bệnh và sử dụng thuốc hợp lý, an toàn hiệu quả. Bên cạnh Luật Dược, Chủ tịch Pharma Group, Chủ tịch Sanofi tại Việt Nam Emin Turan cũng đóng góp ý kiến góp phần hoàn thiện dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), dự án Luật Bảo hiểm y tế (sửa đổi), dự án Luật giá (sửa đổi) và Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng…

Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Xã hội Nguyễn Hoàng Mai

Ghi nhận và trân trọng cảm ơn những góp ý tâm huyết của EuroCham, Pharma Group, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Xã hội Nguyễn Hoàng Mai nhấn mạnh, những kiến nghị này sẽ góp phần hoàn thiện chính sách, pháp luật liên quan đến lĩnh vực y tế tại Việt Nam. Về việc sửa đổi Luật Dược, Thường trực Ủy ban Xã hội đã có buổi làm việc với Bộ Y tế để nắm bắt thông tin về tiến độ xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược, dự kiến Chính phủ sẽ trình Quốc hội dự án Luật này vào năm 2024. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Hoàng Mai cho biết, kiến nghị của EuroCham, Pharma Group bao quát nhiều vấn đề liên quan tới nhiều quy định tại luật hiện hành như cấp phép lưu hành thuốc, gia hạn giấy đăng ký lưu hành thuốc, kiểm nghiệm thuốc, thông tin thuốc…

Thời gian qua, Quốc hội đã tháo gỡ một phần khó khăn trong việc gia hạn giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc do ảnh hưởng của dịch COVID-19 thông qua việc Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành một số Nghị quyết như Nghị quyết số 30/2021/QH15, Nghị quyết số 12/2021/UBTVQH15 về việc cho phép thực hiện một số cơ chế, chính sách trong lĩnh vực y tế để phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19. Chia sẻ với những khó khăn ngành y tế đang gặp phải, Thường trực Ủy ban Xã hội sẽ đề xuất với Quốc hội xem xét việc kéo dài thời gian thực hiện gia hạn hiệu lực giấy đăng ký lưu hành thuốc. Tuy nhiên, thuốc là sản phẩm tác động trực tiếp lên sức khỏe của người dân, do đó, cần phải có cơ chế hậu kiểm hiệu quả để bảo đảm chất lượng của thuốc, an toàn khi sử dụng.

Liên quan tới các kiến nghị đối với dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), Luật bảo hiểm y tế (sửa đổi), Thường trực Ủy ban Xã hội đã, đang và sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Chính phủ, Bộ Y tế nghiên cứu để thể chế hóa Nghị quyết số 20-NQ-TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, trong đó có nội dung tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế, đa dạng các gói bảo hiểm y tế./.

Minh Thành