PHÓ CHỦ TỊCH THƯỜNG TRỰC QUỐC HỘI TRẦN THANH MẪN DỰ VÀ PHÁT BIỂU CHỈ ĐẠO TẠI PHIÊN HỌP TOÀN THỂ LẦN THỨ NHẤT ỦY BAN XÃ HỘI KHÓA XV

21/07/2021

Chiều 21/7, tại Hà Nội, dưới sự chủ trì của Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Thúy Anh, Ủy ban Xã hội khóa XV tổ chức Phiên họp toàn thể lần thứ nhất về thẩm tra đề xuất Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025. Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn dự và phát biểu chỉ đạo tại Phiên họp.

 

Toàn cảnh Phiên họp toàn thể lần thứ nhất của Ủy ban Xã hội khóa XV

Phát biểu khai mạc Phiên họp, Chủ nhiệm Uỷ ban Xã hội Nguyễn Thuý Anh nhiệt liệt chào mừng 46 thành viên Uỷ ban Xã hội khoá XV; mong muốn các thành viên Ủy ban tiếp tục phát huy trí tuệ, tâm huyết để Ủy ban hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao theo thẩm quyền.

Chủ nhiệm Uỷ ban cho biết, tại phiên họp đầu tiên này, Uỷ ban sẽ thẩm tra chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025; xem xét cho ý kiến dự thảo báo cáo của uỷ ban về các chính sách hỗ trợ cho các đối tượng chịu ảnh hưởng của Covid-19.

Phát biểu chỉ đạo tại Phiên họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn chúc mừng 46 thành viên Ủy ban Xã hội khóa XV, chúc mừng Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Thúy Anh.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, bắt đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV trong bối cảnh toàn Đảng, toàn quân và toàn dân triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; đặc biệt đại dịch Covid-19 đã tác động mạnh mẽ đến kinh tế,  xã hội và đời sống của người dân. Nhiều vấn đề được đặt ra cần phải giải quyết tốt như vấn đề y tế, việc làm, giảm nghèo, an sinh xã hội, người có công, bình đẳng giới…

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu chỉ đạo

Với những thành quả và kinh nghiệm của Ủy ban Xã hội các nhiệm kỳ Quốc hội trước đây, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn tin tưởng  Ủy ban Xã hội của Quốc hội khóa XV sẽ có những đổi mới trong cách thức hoạt động để từ đó mỗi thành viên Ủy ban sẽ là cầu nối để tiếp tục phản ánh ý chí, nguyện vọng của nhân dân trong việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật trong lĩnh vực xã hội, nhằm mục tiêu thúc đẩy tiến bộ và công bằng và xã hội, tạo ra hình ảnh Ủy ban Xã hội của Quốc hội trong lòng mỗi cử tri.

Được sự ủy nhiệm của Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, trình bày Tờ trình tại Phiên họp, Thứ trưởng Lê Văn Thanh cho biết một số nội dung cụ thể của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 như sau:

Tên Chương trình: Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025. Cơ quan chủ trì quản lý Chương trình: Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Cơ quan, đơn vị phối hợp, thực hiện Chương trình gồm các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Thông tin và Truyền thông, Bộ Y tế, Bộ Xây dựng, Ủy ban Dân tộc và các Bộ, cơ quan liên quan; Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận;  Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Đối tượng thụ hưởng của Chương trình: Hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo trên phạm vi cả nước. Chú trọng hỗ trợ trẻ em, người khuyết tật, phụ nữ và người dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; Người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; người dân sinh sống trên địa bàn các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo; Các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo; Cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trung tâm dịch vụ việc làm vùng nghèo, vùng khó khăn; Các tổ chức, cá nhân liên quan.

Phạm vi thực hiện chương trình: Chương trình thực hiện trên phạm vi cả nước. Tập trung đầu tư cho các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo; khuyến khích các địa phương vận dụng các cơ chế, chính sách giảm nghèo và an sinh xã hội đặc thù áp dụng cho các đối tượng trên địa bàn bằng nguồn lực của địa phương và huy động hợp pháp khác. Thời gian thực hiện trong giai đoạn 2021-2025.

Mục tiêu tổng quát của Chương trình: Thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo; hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo vượt lên mức sống tối thiểu, tiếp cận đầy đủ các dịch vụ xã hội cơ bản (việc làm, y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt và vệ sinh, thông tin), nâng cao chất lượng cuộc sống; hỗ trợ các địa bàn nghèo thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn. Chú trọng đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế, xã hội; đa dạng hóa sinh kế, phát triển sản xuất, giáo dục nghề nghiệp, tạo việc làm, thu nhập tốt cho người nghèo, góp phần bảo đảm an sinh xã hội và thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế, phát triển bền vững.

Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung phát biểu

Thẩm tra tại Phiên họp, Ủy ban Xã hội cơ bản tán thành với sự cần thiết xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025. Ủy ban cho rằng tên gọi của Chương trình bảo đảm thống nhất với Chiến lược phát triển kinh tế, xã hội 10 năm 2021-2030, Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 23/6/2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giảm nghèo bền vững đến năm 2030.

Ủy ban chỉ ra rằng, một số dự án, tiểu dự án của 3 Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) có sự trùng lặp về nội dung thực hiện tại cùng địa bàn nông thôn do chưa làm rõ, chính xác đối tượng, địa bàn, chưa cụ thể hóa nội dung hỗ trợ, đầu tư. Cân nhắc việc CTMTQG xây dựng nông thôn mới không đầu tư tại địa bàn đầu tư của CTMTQG giảm nghèo bền vững vì như vậy các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, các xã thuộc huyện nghèo khó đạt chuẩn nông thôn mới và mâu thuẫn với mục tiêu cụ thể của CTMTQG xây dựng nông thôn mới. Nếu tách bạch nội dung chương trình nào dùng vốn chương trình đó và một địa bàn chỉ đầu tư một CTMTQG sẽ dẫn đến một số nội dung đầu tư manh mún, nhỏ giọt không bảo đảm tính bền vững, kém hiệu quả, chậm đạt mục tiêu.

Ủy ban Xã hội đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan chủ trì 03 Chương trình phối hợp rà soát, phân tích, đánh giá, làm rõ các nội dung, hoạt động có thể trùng lặp hoặc bỏ sót để đề xuất cơ chế lồng ghép chính sách, tích hợp, bảo đảm hiệu quả nguồn lực đầu tư.

Bên cạnh đó, một số thành viên Ủy ban cũng đề nghị Chính phủ rà soát cân nhắc nên chỉ giữ lại các nội dung phát triển giáo dục nghề nghiệp cho người nghèo, hỗ trợ đào tạo, nâng cao trình độ cho lao động đi làm theo hợp đồng có thời hạn ở nước ngoài đối với địa bàn nghèo, hộ nghèo, các nội dung an sinh xã hội khác đề nghị đưa vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.

Ngoài ra, một số thành viên Ủy ban cũng cho rằng Chính phủ cân đối nguồn lực để đảm bảo thực hiện đầy đủ các mục tiêu, chỉ tiêu của chương trình khi trình Quốc hội cho ý kiến. Căn cứ vào nguồn vốn đã được bố trí trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, Chính phủ rà soát, cân đối lại nguồn lực vốn phân bổ vốn cho các dự án thành phần phù hợp.

Kết luận một số nội dung làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Thúy Anh trân trọng cảm ơn những ý kiến sâu sắc, tâm huyết của thành viên Ủy ban. Chủ nhiệm Ủy ban nêu rõ, Ủy ban Xã hội sẽ khẩn trương hoàn thiện báo cáo thẩm tra; đề nghị Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cùng các bộ, ngành hữu quan tiếp tục rà soát, hoàn thiện các báo cáo để trình Quốc hội nội dung này dự kiến vào ngày 23/7 tại Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội khóa XV./.

Hồ Hương

Các bài viết khác