ỦY BAN VỀ CÁC VẤN ĐỀ XÃ HỘI CỦA QUỐC HỘI THẢO LUẬN VỀ VIỆC QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG QUỸ BẢO HIỂM Y TẾ NĂM 2019

30/09/2020

Tiếp tục chương trình Phiên họp toàn thể lần thứ 18, chiều ngày 30/9, dưới sự điều hành của Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh, Ủy ban đã thảo luận về việc quản lý và sử dụng quỹ Bảo hiểm y tế (BHYT) năm 2019.

Đến dự Phiên họp về phía Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội còn có các Phó Chủ nhiệm Ủy ban: Bùi Sỹ Lợi, Đặng Thuần Phong, Nguyễn Hoàng Mai, Lê Thị Nguyệt. Ngoài ra, Phiên họp còn có sự tham dự của Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long và Thứ trưởng Trương Quốc Cường cùng đại diện một số cơ quan, đơn vị hữu quan.


Phiên họp toàn thể lần thứ 18 của Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội.

Tại Phiên họp, nhiều đại biểu Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội đánh giá cao công tác thực hiện BHYT trong thời gian qua và đề xuất quản lý và sử dụng an toàn, hiệu quả quỹ BHYT trong thời gian tới. Theo đó, hiện nay, cơ hội tiếp cận với dịch vụ khám chữa bệnh BHYT ngày càng mở rộng, số lượt khám chữa BHYT được quỹ BHYT thanh toán cũng tăng mạnh. Tỷ lệ bao phủ BHYT đạt 89, 3% dân số (với 85,95 triệu người); Đối tượng BHYT hộ gia đình đạt 17,5 triệu, tăng 1,7 triệu so với năm 2018. Chính sách BHYT đã góp phần giảm chi trực tiếp từ tiền túi hộ gia đình cho dịch vụ y tế, góp phần tạo nên sự công bằng trong chăm sóc sức khỏe, đặc biệt đối với nhóm người yếu thế trong xã hội. Nhiều trường hợp đã được quỹ BHYT chi trả chi phí khám chữa bệnh BHYT trong năm lên đến hàng tỉ đồng.

Tuy nhiên, do mức đóng BHYT còn thấp, phương thức thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT hiện nay chủ yếu theo phí dịch vụ, cùng với sự chuyển đổi sang cơ chế tài chính tự chủ của các bệnh viện công lập, chính sách giá dịch vụ y tế liên tục điều chỉnh tăng, thiếu các công cụ, chế tài kiểm soát tình trạng lạm dụng... dẫn đến chi phí khám chữa bệnh BHYT ngày càng gia tăng khiến cho việc bảo đảm cân đối quỹ BHYT trở nên khó khăn. Với Mức đóng BHYT thấp là 4,5% tiền lương tháng, lương cơ sở, một số ý kiến đề nghị cần tăng mức đóng để góp phần cân đối quỹ BHYT.


Đại biểu Nguyễn Anh Trí – Đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội, Ủy viên Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội nêu quan điểm.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí – Đoàn Đại biểu Quốc hội Tp.Hà Nội, Ủy viên Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, mức đóng BHYT bằng 4,5% tiền lương là thấp nên mong muốn Bộ Y tế có lộ tình hợp lý để tăng lên là 5%. Song song với đó là cần tăng quỹ BHYT cho người nghèo. Ngoài ra, khi thực hiện khám chữa bệnh thông tuyến thì các cơ sở y tế cần liên thông trong việc công bố kết quả xét nghiệm, khám chữa bệnh để giảm chi phí về tiền bạc và thời gian cho bệnh nhân. Bên cạnh đó, cần có giải pháp hữu hiệu hơn trong việc quản lý các bệnh viện đặt máy, sử dụng hóa chất hiệu quả, tránh trục lợi và thổi phồng giá. Để thực hiện BHYT hiệu quả, đại biểu Nguyễn Anh Trí cũng đề xuất tạo điều kiện để khám chữa bệnh từ xa và đề cao tinh thần trách nhiệm cho các bệnh viện được giao dự toán kinh phí.

Để góp phần tháo gỡ vướng mắc trong bối cảnh hầu hết các tỉnh bị bội chi quỹ khám chữa bệnh BHYT do điều chỉnh giá dịch vụ y tế và mở rộng phạm vi quyền lợi của người tham gia BHYT, Ủy viên Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai Nguyễn Quang Tuấn đề nghị phải tiếp tục đảm bảo nguồn kinh phí khám chữa bệnh BHYT được sử dụng công khai, minh bạch, tiết kiệm, hiệu quả; gắn thực hiện nhiệm vụ thu, chi, giải quyết chính sách, quản lý quỹ và phát triển đối tượng tham gia BHYT.

 
Ủy viên Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai Nguyễn Quang Tuấn cho ý kiến.

Ngoài ra, theo Ủy viên Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai Nguyễn Quang Tuấn, cần tính đến nguồn thu, trượt giá chi phí so với thực tế cho các bệnh viện khi thực hiện tự chủ nhưng vẫn phải đảm bảo chất lượng khám chữa bệnh, đặc biệt là bệnh nhân nghèo. Ngoài ra cần  lường trước khi khám chữa bệnh thông tuyến tỉnh nên cần có giải pháp để tránh sự vỡ quỹ BHYT. Bên cạnh đó phải điều chỉnh xây dựng giá dịch vụ y tế đảm bảo việc tính đúng tính đủ, tìm ra phương thức xây dựng quỹ mới sau đó tính đến giảm chi; có quy định chặt chẽ liên doanh liên kết trong chăm sóc sức khỏe nhân dân. Đồng thời quan tâm công tác tuyên truyền vận động, có phân tích rõ lợi ích của BHYT để người dân tham gia. Đặc biệt, sớm có hướng dẫn chi dịch vụ khám chữa bệnh từ xa và khám chữa bệnh tại nhà, nhất là trong thời gian diễn ra dịch covid 19.


Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan – Đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh.

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan – Đoàn Đại biểu Quốc hội Tp. Hồ Chí Minh, đề xuất cần có sự thanh tra Quỹ BHYT, xem lại các nguồn thu, chi đã đúng, đủ đối tượng hay chưa? Mặt khác, để tăng nguồn thu BHYT cần tăng cường tuyên truyền, vận động để người dân thấy được những lợi ích của việc tham gia BHYT tự nguyện.

Kết luận nội dung Phiên thảo luận, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh đánh giá cao những ý kiến đóng góp của các đại biểu Quốc hội, Ủy viên Ủy ban cũng như lắng nghe đề xuất, kiến nghị của Bộ Y tế về việc tăng cường giám sát thực hiện pháp luật về BHYT, nhất là vấn đề chậm đóng, trốn đóng, lạm dụng, trục lợi BHYT; giám sát việc quản lý và sử dụng quỹ BHYT.

Chủ nhiệm Uỷ ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thuý Anh phát biểu kết luận 

Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cũng đề nghị cơ quan của Chính phủ bổ sung nội dung đóng góp ý kiến của các đại biểu, thành viên Ủy ban nêu ra để hoàn thiện báo cáo về quản lý, sử dụng quỹ BHYT năm 2019. Đặc biệt, Bộ Y tế và các đơn vị hữu quan cũng cần tiếp tục quan tâm đến công tác thanh tra kiểm tra việc quản lý, sử dụng quỹ BHYT. Ngoài ra, cơ quan của Chính phủ cần sớm trình đề xuất sửa đổi bổ sung Luật BHYT, để sửa đổi đồng bộ với Luật khám bệnh, chữa bệnh./.

Bích Lan-Bùi Hùng

Các bài viết khác