PHIÊN HỌP TOÀN THỂ LẦN THỨ 18 CỦA ỦY BAN VỀ CÁC VẤN ĐỀ XÃ HỘI CỦA QUỐC HỘI

28/09/2020

Ngày 28/9, tại trụ sở Văn phòng Quốc hội, Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội tổ chức Phiên họp toàn thể lần thứ 18. Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng đến dự và chỉ đạo Phiên họp.

Đến dự Phiên họp, về phía Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội có Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Thúy Anh; các Phó Chủ nhiệm Ủy ban: Bùi Sỹ Lợi, Đặng Thuần Phong, Nguyễn Hoàng Mai. Ngoài ra, Phiên họp còn có sự tham dự của Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cùng  đại diện một số cơ quan, đơn vị hữu quan.

Theo chương trình, trong buổi sáng, Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội tổ chức Phiên họp toàn thể lần thứ 18 tập trung vào các nội dung: Cho ý kiến vào Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS); dự thảo Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi); dự thảo Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng (sửa đổi).


Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng phát biểu chỉ đạo tại Phiên họp.

Phát biểu chỉ đạo Phiên họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng đánh giá cao những nỗ lực của Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội trong việc tham mưu, hoạch định chính sách với Quốc hội về các dự án luật liên quan đến các vấn đề xã hội như: phòng chống dịch bệnh, phòng chống ma túy, bạo lực gia đình, phòng chống tệ nạn xã hội; các vấn đề về an sinh xã hội và việc làm, bình đẳng giới; Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng... Đây là những dự án luật, pháp lệnh tác động rất lớn đến xã hội, người dân nên cần tiếp tục thảo luận, cho ý kiến rộng rãi hơn ở trong các Phiên họp trước khi trình lên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đóng góp ý kiến để trình lên Quốc hội xem xét, thông qua.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng nhấn mạnh: Phiên họp toàn thể lần thứ 18, Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội sẽ cùng với các Bộ, ngành, cơ quan liên quan xem xét, thẩm tra và cho ý kiến vào nhiều nội dung quan trọng nên yêu cầu các thành viên của Ủy ban, đại diện lãnh đạo các Bộ ngành, cơ quan tập trung cao độ, phát huy tối đa trí tuệ để Phiên họp đạt được kết quả cao nhất.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng cũng yêu cầu Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội tổng kết, đánh giá chất lượng những công việc, nhiệm vụ đã thực hiện trong thời gian qua và đề xuất phương hướng trong nhiệm kỳ 2020-2025 đã có tác động và hiệu quả như thế nào đối với việc phát triển kinh tế-xã hội. Đồng thời có sự định hướng cho các Bộ ngành thực hiện các giải pháp, nhiệm vụ đề ra khi các dự án Luật được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến, Quốc hội thông qua, để sao cho các luật, pháp lệnh được thực thi trong cuộc sống một cách hiệu quả nhất.


 Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long.

Về nội dung Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS), Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh: Tình hình nhiễm HIV tại Việt Nam đã giảm. Số ca nhiễm HIV phát hiện mới và tử vong giảm liên tục từ năm 2008 đến nay. Kể từ ca nhiễm HIV đầu tiên được phát hiện từ năm 1990 tại Thành phố Hồ Chí Minh, đến nay, trên toàn quốc báo cáo hiện có 212.000 người đang nhiễm HIV đang còn sống đã được phát hiện và 103.000 người nhiễm HIV đã tử vong.

Hệ thống phòng, chống HIV/AIDS từ Trung ương đến địa phương được thiết lập và kiện toàn. Các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS được triển khai rộng rãi, đồng bộ, phù hợp với từng địa phương. Hằng năm, gần 700.000 người có hành vi nguy cơ lây nhiễm HIV được xét nghiệm; 53.000 người nghiện ma túy được điều trị bằng thuốc thay thế, gần 150.000 người nhiễm HIV đang được điều trị bằng thuốc ARV, dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con cho gần 2.000 phụ nữ mang thai nhiễm HIV... Trong hơn 10 năm qua, Việt Nam liên tục đạt được 3 giảm: Giảm số người mới nhiễm HIV, giảm số chuyển sang AIDS và giảm số ca tử vong liên quan đến HIV/AIDS; kiểm soát tỷ lệ nhiễm HIV trong cộng đồng dưới 0,3%.

Theo đánh giá của UNAIDS, từ năm 2000 đến nay, Việt Nam đã dự phòng cho khoảng 400.000 người không bị lây nhiễm HIV và 150.000 người không bị tử vong do AIDS. Việt Nam là một trong 4 quốc gia cùng với Anh, Đức, Thụy Sĩ có chất lượng điều trị HIV/AIDS tốt nhất thế giới với tỷ lệ người nhiễm HIV được điều trị ARV có tải lượng virus dưới ngưỡng ức chế đạt 96%, góp phần giảm lây nhiễm HIV trong cộng đồng.


Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương- Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình nêu ý kiến tại Phiên họp.

Đóng góp vào dự án Luật này, đa số các thành viên của Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội đánh giá cao nỗ lực của ngành Y tế trong vcông tác phòng chống HIV/AIDS trong thời gian qua.

Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương- Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình có ý kiến đề xuất là cần tăng cường giải pháp phòng chống dịch bệnh mạnh hơn nữa để bảo vệ sức khỏe người dân như cần có thêm công cụ kiểm soát và có chế tài xử lý nghiêm khắc đối với người bị nhiễm HIV/AIDS cố tình phát tán dịch bệnh ra cộng đồng.

Còn đại biểu Nguyễn Anh Trí - Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội đóng góp ý kiến vào Điều 27 của dự án Luật về xét nghiệm HIV tự nguyện. Theo đó, đại biểu đồng ý với dự án Luật là người tự nguyện xét nghiệm HIV phải đủ 15 tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự. Tuy nhiên, nếu có thể thì Ban soạn thảo dự án Luật nên xem xét cho tự nguyện xét  nghiệm HIV là đủ 13 tuổi trở lên. Ngoài cũng cần chú trọng đến đảm bảo nguồn lực kinh phí để phòng chống HIV/AIDS.

Về dự thảo Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi), đa số các ý kiến tại Phiên họp nhất trí với việc cần thiết phải sửa đổi một số điều cụa án thảo Luật này.

Đại biểu Nguyễn Văn Sơn – Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Tĩnh đồng ý với phương án 1 của dự thảo Luật là Trung tâm Dịch vụ việc làm do Chủ tịch Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh thành lập và được thực hiện việc đưa người lao dộng đi làm việc ở nước ngoài để thực thi điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế. Đồng thời, quy định rõ điều kiện không thu tiền của người lao động và bảo đảm không làm phát sinh bộ máy, biên chế. Ngoài ra, theo đại biểu Nguyễn Văn Sơn, các địa phương cần công khai minh bạch số lượng người đi cũng như tăng cường bảo vệ người lao động khi làm việc ở nước ngoài.

Còn đại biểu Lê Thị Nguyệt – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội lại quan tâm về tinh giản biên chế ở các đơn vị sự nghiệp công lập nhưng địa phương vẫn phải đảm bảo đầy đủ và chất lượng công việc.

Đối với dự thảo Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng (sửa đổi), đa số  ý kiến cho rằng, cần tiếp tục thực hiện tốt việc công nhận liệt sĩ, bệnh binh thời kỳ đất nước hòa bình; chế độ chính sách đối với Mẹ Việt Nam anh hùng; thân nhân của các liệt sĩ, bệnh binh...


Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung.

Giải trình rõ hơn về những vấn đề trên, Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, Bộ đã và vẫn đang tiếp thu ý kiến còn khác nhau của các cơ quan, đơn vị, sự chỉ đạo của cơ quan thẩm tra đối với dự thảo Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng (sửa đổi). Những đối tượng cần được mức tăng hỗ trợ so với hiện hành như đối tượng trợ cấp tuất Bà mẹ Việt Nam anh hùng thì theo Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội, những ai đang được hưởng 3 suất hỗ trợ thì hưởng bình thường. Còn những người thấp hơn thì sau này địa phương, ngân sách Nhà nước có điều kiện sẽ đẩy mức hỗ trợ cao hơn so với hiện tại.

Với việc quy hoạch nghĩa trang liệt sĩ, đình chù,  miếu mạo thì đã có luật, còn việc có trung đoàn muốn lập bia ghi danh thì là thẩm quyền của Ủy ban Nhân dân tỉnh. Tinh thần chung ở địa phương là có tượng đài liệt sĩ, đền thờ rồi thì cứ để như vậy và cần quan tâm chăm sóc tốt chứ xây lên rồi để mốc meo thì không ổn và cần chấn chỉnh kịp thời.


Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh phát biểu kết luận Phiên họp.

Phát biểu kết luận Phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh đánh giá cao những ý kiến đóng góp của các đại biểu, đại diện các Bộ ngành, cơ quan và cho rằng, đây là những ý kiến rất tâm huyết để các cơ quan soạn thảo, thẩm tra các dự án Luật hoàn chỉnh sửa, bổ sung và hoàn thiện các dự án Luật.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cũng đề nghị Bộ Y tế, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội tiếp tục lắng nghe, chỉnh sửa các dự án Luật để cơ quan thẩm tra, xem xét trước khi trình lên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đóng góp, thảo luận ở những phiên họp tới trước khi trình lên Quốc hội thông qua.

Cũng trong chiều ngày 28/9, Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho ý kiến về tình hình thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2020, giai đoạn 2016-2020 và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2020; Dự kiến đề xuất các kế hoạch, chỉ tiêu kinh tế-xã hội, dự toán ngân sách năm 2021; giai đoạn 2021-2025 thuộc lĩnh vực Ủy ban phụ trách./.

Bích Lan - Bùi Hùng

Các bài viết khác