THƯỜNG TRỰC ỦY BAN VỀ CÁC VẤN ĐỀ XÃ HỘI NGHE BÁO CÁO THỰC HIỆN KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI VÀ NSNN TRONG LĨNH VỰC LAO ĐỘNG, NGƯỜI CÓ CÔNG, XÃ HỘI

18/09/2020

Sáng 18/9, tại trụ sở Văn phòng Quốc hội, dưới sự chủ trì của Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Bùi Sỹ Lợi, Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội tổ chức phiên họp nghe báo cáo về tình hình thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2020, kế hoạch, dự toán ngan sách nhà nước năm 2021, Kế hoạch tài chính – ngân sách nhà nước 3 năm 2021-2023 thuộc lĩnh vực lao động, người có công và xã hội.

 

Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội làm việc với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội

Tham dự phiên họp còn có Thứ trưởng Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Lê Tấn Dũng, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương Triệu Tài Vinh, đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành, cơ quan hữu quan cùng các thành viên Ủy ban.

Kết quả thực hiện các nhiệm vụ chịu nhiều tác động của đại dich Covid-19

Tại phiên họp các đại biểu đã nghe báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ 9 tháng đầu năm 2020 của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội trong công tác phòng, chống đại dịch Covid-19, vấn đề lao động - việc làm (phát triển thị trường lao động, giải quyết việc làm, thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, tiền lương, quan hệ lao động, an toàn vệ sinh lao động và quản lý lao động nước ngoài tại Việt Nam, phát triển giáo dục nghề nghiệp, nâng cao nguồn nhân lực); công tác chăm sóc người có công và trong các lĩnh vực xã hội về giảm nghèo bền vững, bảo trợ xã hội, bảo vệ, chăm sóc trẻ em, bình đẳng giới và sự tiến bộ của phụ nữ, phòng, chống tệ nạn xã hội, về cải cách hành chính; thanh tra, kiểm tra và phòng, chống tham nhũng, lãng phí, và về hợp tác quốc tế. Cùng với đó là báo cáo tình hình thực hiện dự toán ngân sách năm 2020 và đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ và dự toán ngân sách 5 năm giai đoạn 2016-2020.

Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Lê Tấn Dũng cho biết, trong 9 tháng đầu năm ngành Lao động - Thương binh và Xã hội đã chịu nhiều ảnh hưởng của đại dịch; tỷ lệ tham gia lực lượng lao động thấp kỷ lục, tỷ lệ thất nghiệp, tỷ lệ thiếu việc làm của lực lượng lao động trong độ tuổi tăng cao do nhu cầu thị trường lao động sụt giảm.

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, lực lượng lao động là 54,2 triệu người, giảm gần 1,3 triệu người so với cùng kỳ năm 2019; tỷ lệ tham gia lực lượng lao động đạt 73,8%, giảm 2,8 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước; tới tháng 9 Việt Nam có 30,8 triệu lao động bị “ảnh hưởng tiêu cực” bởi Covid-19 và có thể nhiều hơn vào cuối năm, trong đó, số người bị giảm thu nhập chiếm tới 57,3%. Thu nhập bình quân tháng của người lao động trong quý II giảm còn 5,2 triệu đồng (giảm 525 nghìn đồng so với quý I và 279 nghìn đồng so với cùng kỳ) năm 2019.

Số người nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tăng 33% so với cùng kỳ năm 2019; bình quân mỗi tháng có 99 ngàn người, đến nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp; cao điểm nhất tập trung vào tháng 5 với 160.247 người, tháng 6 với 137.508 người; số lượng người nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tăng ở tất cả các tỉnh, thành phố, các vùng kinh tế.

Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Lê Tấn Dũng chia sẻ, trong bối cảnh khó khăn chung, toàn ngành đã tập trung, ưu tiên cho công tác phòng, chống dịch; đồng thời, có các giải pháp để thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, nhất là các giải pháp hỗ trợ người lao động, cung ứng lao động cho doanh nghiệp, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh; thực hiện tốt công tác bảo đảm an sinh xã hội. Do triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp phòng, chống dịch Covid-19; thực hiện mục tiêu kép về phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an toàn cho nhân dân trước đại dịch, tình hình kinh tế - xã hội nói chung dần ổn định trở lại, sản xuất - kinh doanh được khôi phục, nhiều doanh nghiệp đăng ký mới hoặc trở lại hoạt động sau thời gian dài tạm ngừng do giãn cách xã hội đã tạo ra nhiều việc làm cho người lao động (theo ước tính, từ tháng 5/2020 trở đi, trung bình mỗi tháng cả nước có từ 40.000 đến 50.000 lao động bị mất việc làm quay trở lại thị trường lao động). Các địa phương dù gặp nhiều khó khăn song đã khẩn trương, tập trung thực hiện các giải pháp, chương trình, đề án, chính sách về lao động, giải quyết việc làm, phát triển nguồn nhân lực, trợ giúp xã hội, giảm nghèo…, góp phần ổn định, phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội.

Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Lê Tấn Dũng báo cáo tại phiên họp

Bên cạnh những khó khăn chung do đại dịch Covid-19 gây ra, trong việc thực hiện nhiệm vụ các tháng đầu năm 2020 thuộc lĩnh vực lao động, người có công và xã hội còn những tồn tại, hạn chế như: Các chính sách phát triển thị trường lao động thiếu đồng bộ, chưa thống nhất giữa các chính sách tăng trưởng kinh tế và việc làm, phát triển thị trường lao động; chưa kịp thời có những giải pháp ứng phó với những thay đổi trên thị trường lao động; hệ thống thông tin về lao động và việc làm của Việt Nam còn kém phát triển; kết nối cung – cầu lao động, điều tiết thị trường lao động còn hạn chế. Bộ phận lao động không có giao kết hợp đồng chính thức trong thị trường lao động Việt Nam lớn, hầu như chưa tiếp cận tới các định chế kết nối cung - cầu lao động như các trung tâm dịch vụ việc làm và không nằm trong hệ thống thông tin thị trường lao động sẵn có (khoảng 39,9 triệu lao động không có giao kết hợp đồng chính thức, bao gồm khoảng 19 triệu lao động trong khu vực phi chính thức phi nông nghiệp).

Đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội 6 tháng đầu năm sụt giảm so với cuối năm 2019 do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19; nhiều nơi tỷ lệ giải quyết bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần cao, ảnh hưởng tới khả năng nhận lương hưu của người lao động khi về già, tạo gánh nặng cho hệ thống an sinh xã hội trong tương lai. 

Mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp vẫn còn chồng chéo, phân tán, trùng lắp ngành, nghề đào tạo; chưa có cơ chế bảo đảm hiệu quả hoạt động của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp sau sắp xếp ở các địa phương. Việc đẩy mạnh việc thực hiện tự chủ của các giáo dục nghề nghiệp còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.

Đời sống đối tượng bảo trợ xã hội còn khó khăn; mức trợ cấp xã hội thấp. Giảm nghèo chưa thực sự bền vững; Chênh lệch giàu - nghèo, chênh lệch về tiếp cận các dịch vụ cơ bản, tiếp cận thị trường, việc làm giữa các vùng, nhóm dân cư chưa được thu hẹp, nhất là khu vực miền núi phía Bắc và Tây Nguyên.

Công tác chỉ đạo về bảo vệ trẻ em, đặc biệt phòng, chống bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em tại một số địa phương, trường học chưa được quan tâm đúng mức; cung cấp, kết nối các dịch vụ bảo vệ trẻ em vẫn còn lúng túng, chưa kịp thời. Còn nhiều trẻ em bị tai nạn, thương tích, nhất là đuối nước thương tâm.

Một số chỉ tiêu ước không đạt như kế hoạch

Báo cáo về kết quả thực hiện các chỉ tiêu, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Lê Tấn Dũng cho biết, trên cơ sở kết quả thực hiện nhiệm vụ 9 tháng đầu năm và dự kiến các kịch bản theo diễn biến của đại dịch Covid-19, trừ một số chỉ tiêu trong lĩnh vực lao động - việc làm (giải quyết việc làm, tỷ lệ thất nghiệp, tỷ lệ lao động qua đào tạo, tỷ lệ tham giao bảo hiểm xã hội) bị ảnh hưởng nhiều của đại dịch Covid-19 nên đạt thấp so với cùng kỳ, các chỉ tiêu khác của ngành 6 tháng đầu năm đạt ở mức khá, có khả năng hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch cả năm đã đề ra.

Cụ thể, trong 03 chỉ tiêu Quốc hội giao tại Nghị quyết số 85/2019/QH14 có chỉ tiêu về tỷ lệ hộ nghèo cuối năm 2020 ước giảm còn dưới 3%, giảm từ 1 – 1,5% so với cuối năm 2019 (đạt kế hoạch). Tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị tính chung cả năm 2020 dự kiến trên 4% (không đạt kế hoạch). Tỷ lệ lao động qua đào tạo dự kiến đạt 64,5%. Trong đó, có bằng, chứng chỉ đạt 24,5% (không đạt kế hoạch).

Trong 13 chỉ tiêu ngành có 02 chỉ tiêu không hoàn thành kế hoạch là: (1) Giải quyết việc làm khoảng 1,27 triệu người (đạt 78,9% kế hoạch); trong đó, giải quyết việc làm trong nước khoảng 1,2 triệu người (đạt 81,1% kế hoạch), đưa khoảng 70 nghìn lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (đạt 53,8% kế hoạch) và (2) Tỷ lệ tham gia bảo hiểm xã hội trong lực lượng lao động trong độ tuổi đạt khoảng 32,7% (chỉ tiêu kế hoạch là 33,5%). Các chỉ tiêu còn lại dự kiến đều đạt kế hoạch.

Thảo luận tại phiên họp, các đại biểu bày tỏ băn khoăn khi nhiều chỉ tiêu Quốc hội giao cũng như chỉ tiêu cụ thể của ngành thực hiện trong năm không đạt theo kế hoạch và đề nghị Bộ cần có đánh giá phân tích làm rõ tình hình, những khó khăn vướng mắc trong thực hiện các chính sách và có hướng giải quyết.

Chia sẻ với những khó khăn của ngành trong việc thực hiện các nhiệm vụ dưới tác động của đại dịch Covid-19, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Lê Thị Nguyệt đề nghị đánh giá rõ hơn việc thực hiện chính sách thời gian qua có những nội dung nào chưa đi vào cuộc sống, nội dung nào hiệu quả, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của người dân, tác động đối với lao động nữ nhất là lao động trong khu vực phi chính thức. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Lê Thị Nguyệt lưu ý đánh giá của Bộ nhiều cơ chế chính sách đột phá nhưng kết quả dự kiến lại không đạt, do đó, cần có sự so sánh các năm trong cả giai đoạn để có định hướng cho giai đoạn tiếp theo; cân nhắc có đánh giá và xem xét giải quyết việc làm cho giai đoạn phi chính thức.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Hoàng Mai cũng cho rằng bên cạnh việc đánh giá các chỉ tiêu chưa đạt cũng cần nhìn nhận đúng hiệu quả thực chất của các chỉ tiêu đạt theo kế hoạch như chỉ tiêu về giảm nghèo, trợ giúp xã hội, chính sách đối với người có công.

Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội Bùi Sỹ Lợi  kết luận nội dung phiên họp

Kết luận nội dung phiên họp, Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội Bùi Sỹ Lợi cho biết Thường trực Ủy ban nhất trí với nhiều nội dung báo cáo của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, ghi nhận những thành tích và tuyên dương nỗ lực, cố gắng của Bộ trong thực hiện nhiệm vụ.

Bên cạnh đó, Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội Bùi Sỹ Lợi cũng đề nghị Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội lưu ý một số vấn đề. Trong đó, công tác xây dựng pháp luật còn chậm và khi thiết kế và đề xuất nội dung chính sách thường không đánh giá tổng kết chặt chẽ nên khi trình, thực hiện phát sinh nhiều vấn đề. Hai là Hai là phát triển sử dụng công nghệ thông tin của ngành rất hạn chế và tác động của đại dịch Covid-19 càng làm lộ rõ hạn chế này. Ba là năng xuất lao động là vấn đề hết sức quan tâm, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nhưng lực lượng lao động chuyển sang việc làm không ổn định dẫn đến năng suất không cao. Bốn là chính sách xã hội an sinh chưa đồng bộ chưa thống nhất một mục tiêu nhiều dự án nhiều chương trình, thực tế cả 3 Chương trình mục tiêu quốc gia hiện nay đều chỉ vì một mục tiêu tăng thu nhập. Năm là việc phát triển thị trường đáp ứng xu hướng hội nhập cần hết sưc quan tâm, kết nối cung cầu lao động trong đó vấn đề dự báo là hết sức quan trọng.

Trên cơ sở các đánh giá tình hình, Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội Bùi Sỹ Lợi đề nghị nghiên cứu tổng thể các chính sách an sinh xã hội, bảo hiểm xã hội để bảo đảm công bằng xã hội. Về giảm nghèo cần tính toán chuẩn nghèo đáp ứng yêu cầu kinh tế- xã hội và túi tiền người dân; nghiên cứu các mô hình quản lý, hệ thống chính sách xã hội và an sinh xã hội, an toàn vệ sinh lao động.

Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội Bùi Sỹ Lợi đề nghị các cơ quan hữu quan tiếp thu ý kiến tại phiên họp để tiếp tục hoàn thiện các báo cáo để trình tại phiên họp toàn thể Ủy ban cũng như trình Quốc hội tại kỳ họp tới./.

Bảo Yến - Bùi Hùng

Các bài viết khác